Chuyện dọc đường

Kiểm soát giá cước hậu tăng thuế

Grab là doanh nghiệp vận tải nên toàn bộ doanh thu vận tải là của Grab và Grab phải nộp 10% thuế GTGT trên tổng số doanh thu này.

img
Từ 5/12/2020 áp mức thuế GTGT 10% đối với các cuốc xe công nghệ thay mức 3% như hiện nay. Ảnh: Tạ Hải

Theo Nghị định 126, mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng sẽ là 10% tính trên doanh thu thực nhận của mỗi chuyến xe hoàn thành, bất kể tổng doanh thu một năm là bao nhiêu. Quy định này sẽ áp dụng chung cho tất cả các ứng dụng như Grab, Be...

Hiện nay hầu như chỉ còn Grab không thừa nhận mình là đơn vị kinh doanh vận tải. Với việc Grab luôn tự nhận như thế nên họ cho rằng không quản lý lái xe, mà lái xe hoạt động trên danh nghĩa đối tác của Grab. Vì vậy, Grab được ủy quyền thu 3% thuế GTGT, 1,5% thuế thu nhập cá nhân và nộp thay cho lái xe.

Đến nay, sau khi tổng kết quá trình thí điểm, rõ ràng Grab đang quyết định giá cước, điều hành tài xế nên là đơn vị kinh doanh vận tải. Chính vì vậy, Tổng cục Thuế không công nhận cho Grab được miễn thuế công nghệ thông tin mà phải kê khai nộp thuế theo doanh thu vận tải. Có nghĩa là Grab là doanh nghiệp vận tải nên toàn bộ doanh thu vận tải là của Grab nên Grab phải nộp 10% thuế GTGT trên tổng số doanh thu này.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp 20% tính trên lợi nhuận, hiện Grab cũng không nộp, vì đối với loại thuế này khi doanh nghiệp có lãi mới phải nộp. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Grab luôn báo lỗ. Đây là điều cơ quan chức năng cần xem xét, vì nếu Grab lỗ là hết sức vô lý.

Một vấn đề đáng chú ý khác là với quy định mới này, thu nhập của tài xế xe công nghệ có thể giảm tới 7,3% đối với tài xế có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên và giảm tới 10% đối với tài xế có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm.

Vì thế, sau khi tăng thuế, các hãng taxi công nghệ như Grab sẽ phải tăng giá cước để bù vào phần thuế phải nộp thêm. Bởi họ không thể bắt tài xế phải chịu mà họ sẽ tìm cách bắt khách hàng phải gánh, thông qua việc tăng giá cước.

Grab hiện đang khống chế thị trường với số lượng xe lớn, gần như độc quyền nên khách hàng hầu như không có sự lựa chọn. Vì thế, cơ quan quản lý cần có cơ chế kiểm soát việc kê khai giá cước của Grab như đối với taxi truyền thống. Họ là đơn vị kinh doanh vận tải nên buộc phải chịu sự quản lý như với taxi truyền thống. Có như vậy, khách hàng mới không bị thiệt thòi.

Có thể sau khi tăng thuế đối với taxi công nghệ, trước mắt trong một vài tháng, Grab hay các hãng khác sẽ thiệt hơn taxi truyền thống. Vì từ trước đến nay họ hoạt động theo mô hình đơn vị cung cấp nền tảng kết nối nên không được khấu trừ thuế đầu vào như thuế mua xe, xăng dầu... Tuy nhiên, về lâu dài khi họ chuyển đổi mô hình là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tất cả sẽ đều công bằng như với taxi truyền thống.

Tóm lại, tăng thuế đối với xe công nghệ trong thời điểm này là hợp lý, cần thiết để đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường taxi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.