Xã hội

Kiến nghị không làm dự án BOT trên các tuyến đường độc đạo

15/08/2017, 11:42

Đoàn giám sát kiến nghị không đầu tư, nâng cấp các đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT.

tram thu phi cai lay

Đoàn giám sát BOT kiến nghị không đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo các đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT. Ảnh minh họa 


Sáng 15/8, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Trưởng đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)” đã báo cáo kết quả giám sát về nội dung này trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Thu hút đầu tư BOT, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội tiến hành giám sát việc đầu tư, khai thác các công trình giao thông BOT do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày khẳng định việc phát triển kết cấu hạ tầng luôn giữ vai trò quan trọng và có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu kém, đang là một trong những yếu tố gây cản trở phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và khả năng tăng cường sức mạnh quốc phòng của nước ta.

Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, trong quá trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển tăng chậm, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình nên nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng giảm. Do vậy, việc huy động nguồn lực xã hội là một chủ trương đúng đắn để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

“Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp và phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, không đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, việc đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội là cần thiết. Hình thức đầu tư PPP trong đó có các hình thức hợp đồng BOT, xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), xây dựng - chuyển giao (BT)… nói chung đã tạo điều kiện, cơ hội cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng giao thông” – ông Thanh nói.

Cũng theo đánh giá của đoàn giám sát về hiệu quả tổng thể mà của các dự án giao thông BOT, diện mạo về hệ thống giao thông tại Việt Nam, đặc biệt là hệ thống đường, cầu có sự chuyển biến rõ rệt, tạo điểm nhấn cho sự phát triển.

Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế và nguồn ODA thu hẹp dần thì việc huy động thông qua hình thức hợp đồng BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng, phát triển kinh tế nói chung. Đồng thời giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho nền kinh tế…

Cụ thể, với 71 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trong giao thông đã và đang được thực hiện, nhiều ngàn tỷ đồng (dự kiến hơn 200.000 tỷ đồng) của các thành phần kinh tế đã và đang được huy động cho đầu tư, làm giảm bớt một gánh nặng không nhỏ của ngân sách nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh bội chi ngân sách nhà nước đã diễn ra liên tục nhiều năm với tỷ lệ rất cao (từ 5 đến hơn 6%GDP), với hệ lụy trực tiếp là nợ công tăng cao đến mức báo động.

Báo cáo giám sát khái quát, đa số người dân tham gia giao thông được hưởng những dịch vụ, hàng hóa công cộng tốt hơn, đầy đủ hơn với một mức chi phí hợp lý. Từ kết quả và kinh nghiệm có được trong việc triển khai các dự án giao thông BOT thời gian qua cũng khẳng định hướng đi đúng đắn của mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, cần tiếp tục được phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác.

Còn tiêu cực làm thất thoát doanh thu thu phí

Bên cạnh đó, Trưởng đoàn giám sát cũng nêu lên hàng loạt hạn chế, bất cập. Điển hình như tình trạng nhiều dự án BOT là dự án cải tạo, nâng cấp được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo (các tuyến quốc lộ và Đường Hồ Chí Minh), hạn chế sự lựa chọn của người dân.

Vu-Hong-Thanh-truong-doan-giam-sat-BOT

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Trưởng đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”

Các địa phương trong quá trình góp ý về vị trí trạm thu phí cho biết chưa có sự tham vấn, lấy ý kiến người dân gần trạm, các đối tượng thường xuyên sử dụng đường... khiến cho người dân bức xúc, phản đối kéo dài. Sau khi người dân bức xúc, khiếu kiện mới giải quyết bằng cách miễn, giảm phí (giá) sử dụng dịch vụ.

Hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT không phải xây dựng tuyến mới, chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt), không bảo đảm kiểm soát được lưu lượng xe thực tế và gây khó khăn cho người dân địa phương nơi gần trạm thu phí khi thường xuyên phải di chuyển qua trạm.

Ngoài ra, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, kiểm soát việc thu phí, hình thức thu phí không dừng còn chậm, khiến cho người dân còn nghi ngờ về tính minh bạch; Nhiều trường hợp phí tăng, nhưng chất lượng công trình xuống cấp nghiêm trọng, khiến người dân phải trả chi phí cho chất lượng dịch vụ không tương xứng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho hay, qua báo cáo của Bộ GTVT tại các trạm thu phí BOT, kết quả doanh thu thu phí trong thời gian giám sát có dự án tăng hơn so với thời gian tương đương của các tháng trước đó. Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra phát hiện một số hoạt động tiêu cực làm thất thoát doanh thu thu phí.

Đáng chú ý, nhiều dự án chất lượng còn chưa đáp ứng được yêu cầu, việc quản lý chất lượng công trình thời gian qua bị buông lỏng, chế tài xử phạt chưa nghiêm.

Từ kết quả giám sát này, Uỷ ban TVQH đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội  ban hành Luật đối tác công tư khắc phục các hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật hiện hành; Có giải pháp tháo gỡ các khó khăn đối với kênh huy động vốn trong nước, mở rộng kênh huy động vốn nước ngoài.

Đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định về tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư theo hình thức PPP; quy định về các dự án kết hợp nhiều hình thức hợp đồng.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị “Không đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo các đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT có thu phí người sử dụng, trường hợp cấp thiết phải tiến hành quy trình tham vấn các đối tượng liên quan, đặc biệt là ý kiến của người dân địa phương tuyến đường đi qua”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.