Thị trường

Kinh tế đêm đâu chỉ có nhà hàng, quán bar

20/09/2020, 07:13

Các chuyên gia cho rằng phải “lột xác” về tư duy, cách làm thì mô hình kinh tế đêm mới có thể bứt phá.

img
“Phố Tây” Tạ Hiện là một trong những địa điểm tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh và sầm uất nhất về đêm tại khu vực phố cổ Hà Nội. Ảnh: Tạ Hải

Kinh tế đêm đã và đang mở rộng quy mô, nhất là tại các đô thị lớn, các địa phương phát triển về du lịch. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phải “lột xác” về tư duy, cách làm thì mô hình kinh tế này mới có thể bứt phá.

Có một Sài Gòn không ngủ

Phố chỉ vừa lên đèn, cả một khu “phố Tây” Bùi Viện, quận 1, TP HCM lập tức lột xác. Từ nhà hàng, quán xá cho đến vỉa hè, góc phố tẻ nhạt trong không gian vắng vẻ của ban ngày bỗng chốc trở nên nhộn nhịp, tấp nập, sầm uất dưới ánh đèn, tiếng nhạc.

Nơi đây có tất tần tật mọi dịch vụ, từ ăn uống, ca hát, bia Club, đến massage thư giãn, khách sạn, nhà nghỉ. Du khách tới Sài Gòn muốn đi xuyên đêm hầu hết tìm đến Bùi Viện.

Quanh khu vực này, còn có những nhánh đường, con hẻm như đường Đề Thám, đường Cô Giang với nhiều quán nướng hấp dẫn… Tất cả tạo nên một phong cách riêng của một Sài Gòn phồn hoa, đầy sức sống.

Khác với khu phố Bùi Viện là đa phần khách Tây tụ tập, cách Bùi Viện chỉ khoảng 3 phút đi xe, là khu phố ẩm thực - du lịch Vĩnh Khánh, quận 4 lúc nào cũng đông như hội, lại dành cho chính người Sài Gòn. Khoảng 20h tối khách đến khu phố này, muốn tìm một vị trí ngồi đẹp để lai rai vài món nướng có lẽ sẽ không còn chỗ.

Anh David, một giáo viên dạy tiếng Anh cho một trung tâm Anh ngữ cho hay: “Vào những ngày nghỉ hoặc khi có bạn qua Việt Nam chơi, chúng tôi thường trở về khách sạn lúc 3h - 4h sáng.

Đã đi du lịch thì có thể ngủ tới trưa và chơi suốt đêm. Nhưng hiện nay chỉ có ở Bùi Viện mới có chỗ vui chơi. Bạn bè tôi mỗi lần tới Việt Nam đều muốn đi thưởng thức món ăn ngon nhưng có nhiều nơi chỉ phục vụ ban ngày”.

Nếu khách muốn tìm một nơi trò chuyện thì có thể đến đường Pasteur, quận 1, hàng loạt các quán như Thức coffee, The Coffee Factory hoạt động thâu đêm, sẵn sàng phục vụ. Hoặc đơn thuần muốn tìm quán ăn đêm gần nhà, thì hầu hết ở các quận đều có những quán ăn bán xuyên đêm, như khu Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, khu Vĩnh Viễn (quận 10), khu Hà Tôn Quyền (quận 5) gần Chợ Lớn...

Nếu muốn vừa ăn uống vừa mua sắm thì quanh Sài Gòn, các chợ đều hoạt động rất khuya như chợ đêm Tân Định, chợ Bà Chiểu, chợ Bến Thành…

Chưa kể, từ hè ra phố, các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7 đã phủ sóng khắp Sài Gòn. Ở đây tề tựu đủ các món ngon từ đồ “nội” đến “ngoại”, như chuỗi siêu thị mini Cricle-K, Family Mart, B’s mast, Ministop… Vào ca đêm, chỉ có một nhân viên trực. Khách vào mua mì, hay đồ ăn có thể tự dùng nước sôi để pha ăn tại chỗ.

Khảo sát của PV Báo Giao thông, giá ở các cửa hàng tiện lợi 24/7 thường cao hơn 20 - 30% nhưng luôn luôn đông khách. Điều đó cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân đã thay đổi…

Tự phát, lợi - hại đan xen

Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ vừa mới hoàn thiện Đề án Phát triển kinh tế đêm, nhưng trên thực tế TP HCM đã có nhiều khu phố, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đã và đang phát huy hiệu quả của kinh tế ban đêm như thế.

Để nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá cụ thể, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế đêm, đề nghị giao Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu đánh giá thực trạng và cơ sở pháp lý để xây dựng đề án cụ thể, chi tiết để từ đó lựa chọn các biện pháp phát triển kinh tế đêm phù hợp với đặc thù kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương)


Song theo TS. Trần Đức Cảnh, nguyên thành viên Hội đồng cố vấn tuyển sinh Đại học Harvard, nguyên Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực chính quyền bang Massachusetts, đa phần các khu phố đêm ở Việt Nam đều mang tính tự phát. Một dạng “buôn có bạn, bán có phường”, một nhà làm, nhà kia làm theo.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Thúy cho rằng, du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, còn 70% doanh thu dịch vụ nằm ở khung giờ tối đến đêm.

Tuy nhiên, ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, nền kinh tế đêm mới chỉ dừng ở mức ăn uống, hay mua sắm.

Để ngành du lịch đêm phát triển, rất cần có dịch vụ đặc sắc để thu hút du khách. Việc phát triển được hay không phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của du khách, chứ không phải tư duy của nhà quản lý.

Ông Trần Duy Đông, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nhận định: Kinh tế đêm đang mở rộng thông qua việc tái cấu trúc không gian đô thị, trong nhiều trường hợp gây ảnh hưởng lớn đến khu vực dân cư.

Tại Việt Nam, các vấn đề cấp bách hơn có thể kể đến là chi phí văn hóa, xã hội; mại dâm, ma túy, rượu bia; chưa phải môi trường thích hợp cho văn hóa bản địa. Lợi ích từ kinh tế ban đêm là không bền vững khi trong một số trường hợp làm gia tăng chia cắt xã hội.

Các không gian công cộng có thể bị chiếm dụng bởi các nhóm xã hội khác nhau. Nhóm thu nhập thấp thường sử dụng không gian mở xung quanh các khu phố đêm cho mục đích giải trí của riêng họ.

Cũng theo ông Đông, tại nhiều khu vực, nhạc khiêu vũ, rượu và phong cách thời trang trong cuộc sống về đêm của Việt Nam được nhập khẩu từ phương Tây chứ không phải do địa phương sản xuất, phần lớn lao động ban đêm của Việt Nam tập trung vào công việc dịch vụ thủ công cấp thấp.

Hoạt động mại dâm thường gắn bó chặt chẽ với các quán bar và câu lạc bộ. Tại một số thành phố du lịch phát triển, còn có sự tham gia tích cực của khách vào hoạt động này.

Một bộ phận không nhỏ khách du lịch nước ngoài còn được ghi nhận mua và sử dụng chất kích thích bị cấm rất dễ dàng và một cách công khai ở nơi công cộng. Hiện tượng sử dụng rượu bia quá mức, ép uống, lái xe khi say xỉn gia tăng vào buổi đêm, gây nên nhiều di chứng sức khỏe và tai nạn giao thông nghiêm trọng...

Hay như chợ đêm, cần được xem xét để tìm ra giải pháp khắc phục như: Chiếm vỉa hè, lòng đường tràn lan để kinh doanh, bốc dỡ, bày bán hàng hóa, xả rác, nước thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, mất an ninh trật tự, xuất hiện bảo kê, xây dựng mở rộng mặt bằng chợ trái phép…

Cần tách biệt với khu dân cư?

Vậy làm thế nào để phát triển kinh tế đêm? Theo ông Trần Đức Cảnh, cần xem xét xây dựng mô hình kinh tế tổng thể của từng vùng, từng khu, từng quận. Địa phương cùng kết hợp với doanh nghiệp để tạo ra những khu vực giải trí, văn hóa, ẩm thực về đêm.

Thường trực HĐND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mới đây đã xây dựng Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận, báo cáo, trình UBND TP Hà Nội và đang chờ phê duyệt.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết, khi Đề án được TP phê duyệt sẽ triển khai trong 1 năm, mở rộng thêm việc kinh doanh, phố đi bộ ở một số tuyến phố; Sau đó, tiến tới phát triển trong toàn quận.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhận định: Đề án Phát triển kinh tế đêm của quận Hoàn Kiếm vẫn chưa có những đột phá. Bởi, đây chỉ đơn thuần là mở rộng thời gian hoạt động các nhà hàng, quán bar, phố đi bộ muộn hơn.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhận định, kinh tế đêm không phải là mới và đang hoạt động đan xen trong khu dân cư như vậy là chưa hợp lý. Cùng với đó nhiều hoạt động du lịch đang bị hạn chế bởi chính sách, đặc biệt là các hoạt động giải trí nhạy cảm như casino.

Do vậy, để phát triển kinh tế đêm cần phải tổ chức bài bản, quy hoạch lại đô thị. Kinh tế đêm cần tách biệt với khu dân cư. Cần đề xuất phát triển những dịch vụ nhạy cảm hoạt động đêm, tất nhiên cần quản lý chặt chẽ. “Nếu giữ nguyên tắc không quản lý được thì cấm sẽ rất khó phát triển kinh tế đêm”, ông Lương nói.

Ông Trần Duy Đông cho rằng, để phát triển kinh tế đêm, các doanh nghiệp cần nhất là được hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, quy hoạch địa điểm rõ ràng, chính sách miễn giảm thuế hoặc miễn giảm giá thuê mặt bằng. Đối với địa phương, cần phải xác định khu vực, địa bàn, từ đó Nhà nước xác định cơ chế, chính sách hỗ trợ, sau đó mới kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Theo thống kê của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện nay có 65 cơ sở đủ điều kiện đăng ký tham gia thí điểm kinh doanh đến 2h sáng các ngày cuối tuần.

Còn theo đề án phát triển kinh tế đêm của quận Hoàn Kiếm, phạm vi hoạt động kinh tế đêm chủ yếu tập trung vào dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; Dịch vụ ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe...

Để tham gia tổ chức thí điểm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, ngoài giấy phép kinh doanh, còn phải đáp ứng các điều kiện như: Có địa điểm kinh doanh trong nhà, cam kết đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ, bố trí nơi gửi phương tiện cho khách hàng.

Đối với các cơ sở kinh doanh có sử dụng âm thanh trong quá trình kinh doanh phải có hệ thống cách âm, không gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh; không giới hạn thời gian hoạt động và vào tất cả các ngày trong tuần.

Nguyễn Hùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.