Thời sự

Kỳ 1: Người gác đèn phòng không Bắc cầu Cấm

07/10/2014, 06:45

Ngọn đèn xanh trạm phòng không của lão Huệ chuyển sang màu đỏ cảnh giác. Tiếng máy bay địch như xé gió, miết vào tai lộng óc.

Các chiến sỹ công binh sửa đường cho xe ra trận - Ảnh: Tư liệu
Các chiến sỹ công binh sửa đường cho xe ra trận - Ảnh: Tư liệu

Mặt trời mùa Đông uể oải khuất dần sau rặng núi xanh thẫm. Cảnh vật tắm trong sắc vàng da cam rực rỡ. Trong nhà lão Huệ thật bận rộn, cái bận rộn của ngày mùa vừa tất bật vừa vui.

Mấy đứa cháu đòi ăn cơm trước, khóc lè nhè. Con lợn nái và bầy lợn con háu ăn kêu inh lên trong chuồng. Chị Canh, con dâu cả của ông lão, mặc cho lũ con vòi, vẫn ngồi cặm cụi soạn đề án họp đội sản xuất vào tối hôm đó để bàn về việc vỡ đồi Chùa trồng khoai vụ trái và trồng rau ngắn ngày chống giáp hạt.

Ngoài sân, mẹ Huệ trang trở mấy lớp rơm. Chốc chốc, bà lão lại bỏ cào chạy vào bếp, trông chừng nồi canh riêu cua đồng đang sôi trên bếp.

Lão Huệ vừa ở đồng về. Chà, trông dáng ông lão còn “tợn” lắm! Bộ ngực vuông chằn chặn, bắp tay bắp chân săn thịt, nước da đỏ đồng. Đặc biệt, lão có đôi chân bàn thêu, ngón cứ xòe ra, to bè bè, trông đến ngộ! Lão vừa nhấc cày khỏi vai đã oang oang hỏi vọng vào nhà:

“Bà nó đâu rồi? Đổ dầu vào đèn phòng không cho tôi chưa đấy?”

Tiếng bà lão đáp, vui vẻ: “Ông còn phải nhắc, tôi đã lo từ chiều kia. Thôi, ông rửa chân rửa tay quáng lên đi rồi vào ăn cơm, còn đi trực! Đêm nay xem ra xe vào nhiều đấy”.

Nhà thật bề bộn, đạp tới đâu là lúa, là rơm tới đấy. Trên rương, dưới bịch, ngoài hiên, lúa là lúa. Lúa chưa khén hạt, lúa mới nhận còn tươi, lúa đã hong sạch hạt lép, đựng đầy trong các loại đồ dùng. Mâm cơm tối phải dọn trên tấm cót. Không khí thật ấm cúng.

Ăn quấy quá vài đọi cơm, lão Huệ bỏ đũa, tợp vội bát nước chè mạn do đứa cháu mang tới. Rồi vừa xỉa răng, lão vừa vớ lấy con dao rựa và chiếc đèn bão rồi băm bổ đi liền ra ngõ. Khỏi cổng làng một đoạn, sực nhớ điều gì, lão lộn trở lại dặn con dâu.

“Này, đêm nay họp đội, chị liệu bảo mấy nhà chưa có sọt đất chống Mỹ đan gấp đi. Cứ chần chừ mãi, bom nó cắt đường lấy chi mà lấp hở?”.

Dặn xong, lão rảo bước tới trạm phòng không của xã Diễn Phúc (Diễn Châu, Nghệ An) đặt cạnh QL1.

Đêm của những năm chống Mỹ cứu nước, trên mảnh đất rực lửa chiến thắng Nghệ An, có ai đếm được bao nhiêu trạm đèn phòng không như trạm đèn dẫn vào trọng điểm cầu Cấm của biết bao cụ lão quân thức canh, chỉ lối xe đi như lão Huệ?

Bóng tối đã loang dài trên cánh đồng đang gặt dở. Con đường quốc lộ vắt ngang qua, chạy hút về phía Nam. Mấy con vạc mải miết sải cánh bay về phía làng Tân Thịnh. Một chiếc xe tải đậu gần đấy, tranh thủ chạy sớm vượt trọng điểm cầu Cấm bóp còi xin đường inh ỏi.

Một người khách qua đường ghé vào trạm phòng không hút nhờ điếu thuốc, giúp lão Huệ sửa lại bệ quay châm đèn báo yên.

Đứng trong chiếc trạm nhỏ và thấp bên đường, trông lão Huệ (ông có tên là Cao Huệ) to cao hơn một chút. Năm nay, lão đã quá sáu mươi tuổi nhưng sức lực đang còn trai tráng lắm. Hôm giặc Mỹ thả bom phá hỏng cầu Cẩm Bào, lão vác liên tiếp sáu, bảy lẻ gỗ nặng hàng nửa tạ đến sửa.

Châm xong đèn, lão Huệ vần cái trống ra giữa trạm, chiếc dùi tròn láng đặt ngay ngắn trên mặt trống. Xong đâu đấy, lão xoa xoa hai bàn chân vào với nhau phủi sạch bụi đất, ngồi xếp bằng trên một mảnh chiếu cắm cúi đan sọt.

Lão nói với người khách qua đường: “Của nhà tôi đã xong bảy đời kia. Đây là tôi đan tương trợ mấy mụ có con tòng quân đấy”.

Thấy khách cứ nhìn trân trân lên mái trạm, lão ngừng đan, giọng sang sảng: “Nó đã đứng vững ở đây hai mùa chiêm rồi đó, anh ạ. Hồi tháng ba năm ngoái, thằng Mỹ nó thả bom ở đây, làm cháy mất trạm. Đấy, anh xem, hố bom cũ chồng lên hố bom mới. Trạm bị cháy buổi sáng thì buổi chiều trạm mới mọc lên ngay. Nền đất lúc đó sặc mùi thuốc đạn, bà con người góp cái rui tre, kẻ ủng hộ tấm tranh rạ”.

Đấy! Thách thằng Mỹ đến mà bắn phá. Sập, ta dựng, cháy, ta sửa. Sức dân mình có thừa. Hà hà... hà, nói có anh biết chứ, dân vùng tôi họ “thích” lấp hố bom lắm. Cứ nghe ba tiếng trống giục, ai có việc gì bận đến mấy cũng cứ gác lại. Vợ gọi chồng, cha gọi con vác sọt đất đi ngay. Cái bà Na xóm tôi, ăn cái Tết này nữa vị chi là tám chục tuổi, thế mà đêm nào cũng có mặt ở trạm đón tiếp bộ đội qua đường đi vào. Bà cụ kiếm từng đẵn mía, từng bó chè xanh. Đối với các chú lái xe, bà cụ “cảm tình” lắm, hiểu tính từng anh một kia đấy. Chả thế mà bà cụ gửi mua thuốc lào tận Quỳnh Lưu mà phải thuốc lào đất Đồng Ngò đượm khói kia, tặng mỗi anh một tí. Đêm nào không có tiếng xe hoặc là ít, hoặc xe chạy muộn, tôi lo đã đành, bà cụ còn lấn bấn hơn. Bà cụ có một anh con trai đã hy sinh hồi ở Điện Biên Phủ. Giờ thấy bộ đội bà cụ thương lắm, gặp lần nào cũng cứ níu lấy hỏi chuyện nhà, chuyện cửa, dặn dò đủ thứ.

Nói tới đây, lão Huệ nhỏm dậy ra mặt đường. Lão đi đi lại lại dáng sốt ruột lắm. Một chốc, lão quay vào: “Chà, tối nay có lẽ có trở ngại gì cho nên cầu lao chậm. Yên chí thôi, chốc nữa là lại như mắc cửi đấy. Ta đang thắng to, cần nhiều đạn, nhiều gạo lắm”.

Ông lão vớ lấy cái điếu cày, vê một điếu thuốc lào nhét vào nõ. Tay bật chí chát cái máy lửa, rồi ông hồn nhiên ghé vào điếu rít sòng sọc một cách khoan khoái, lão ngửa mặt, thở ra từng đụn khói trắng đục thơm cay. Anh cán bộ qua đường gợi chuyện:  “Vùng ta lấp được bao nhiêu hố bom rồi hả cụ?”.

Lão Huệ khà một tiếng, tay vẫn liên tiếp gài nan: “Ôi chà, kể sao hết được. Chỉ tính mấy tháng gần đây, bình quân năm người một hố. Sọt đan cứ kìn kìn. Có nhà ngã cả một bụi tre tướng lấy nan đan sọt đựng đất. Tiếc cái gì kia chứ. Đánh với thằng Mỹ, đường thông là ta thắng. Tre già măng mọc, sợ gì”.

Có tiếng gầm gào trong gió. Ông lão bỗng dừng tay, dỏng tai nghe ngóng, rồi nhanh nhẹn, lão vớ dùi nện ba tiếng một, báo động.

Ngọn đèn xanh trạm phòng không của lão Huệ chuyển sang màu đỏ cảnh giác. Tiếng máy bay địch như xé gió, miết vào tai lộng óc. Tiếng hô bắt mục tiêu đanh gọn của bộ đội và dân quân ở trận địa bên cạnh trạm vang lên. Bom chớp sáng phía cầu Giằng.

Trong trạm, lão Huệ vẫn bình thản đan sọt, bình thản và hả hê nhìn những chiếc xe chở nặng hàng, gài đầy lá ngụy trang, lầm lũi tranh thủ vượt qua trước vừng ánh sáng của ngọn đèn phòng không.

Múi lạt dưới tay ông lão cứ múa lên, múa xuống nhịp nhàng nẩy tanh tách. Lão Huệ dường như chẳng để ý gì đến tiếng gầm gào của tàu bay giặc đang xé rách màn đêm. Tiếng nổ giật giọng của pháo ta dậy đêm. Lão Huệ bỏ chiếc sọt đan dở xuống, bước ra lòng đường, ngước mặt lên nhìn những đường đạn lửa đỏ rực bủa vây bầy quạ sắt.

Máy bay giặc cút rồi, lão Huệ hối hả đánh một hồi trống báo yên. Chiếc đèn phòng không lại từ đỏ chuyển sang xanh. Lão Huệ lại ngồi vào manh chiếu, tiếp tục đan sọt và kể chuyện cho khách nghe. Đại loại cứ lần lượt hết chuyện lão làm thủy lợi nhất xã, lúa đồng Yên năm nay được mùa to; lại đến lão khen con dâu lão một nách ba con, chồng vừa tái ngũ mà vẫn đảm cái chức đội trưởng sản xuất kiêm đội trưởng dân quân, lại còn “cộng” cả mùa được ba trăm công trực tiếp. Rồi lão chê mấy bà còn bảo thủ, chưa tin vào kỹ thuật chăn nuôi, cấy thẳng hàng, hồ phân rễ mạ. Quanh đi quẩn lại chuyện quay về cái trạm đèn đã chịu tám mươi trận bom mà vẫn đứng vững của lão. Khách mới cũng nghe, khách cũ cũng nghe. Cái tính lão vốn thế, nói hăng, làm quên mệt nên ai cũng quý.

“Này, anh ngủ đấy à?”.

Mải nghe, anh cán bộ qua đường cứ lim dim đôi mắt. Nghe ông lão gọi, anh ta mở choàng mắt xốc lại ba lô, chào người gác trạm rồi bươn bả lên đường.

Ngọn đèn của trạm phòng không lão Huệ vẫn đang thức. Lão vẫn không ngừng tay đan sọt. Đống lạt tre cứ vơi dần. Bóng ông lão đổ dài trên vách nứa, chòm râu rung rung. Cuối Chạp rét là thế nhưng ông lão chỉ khoác độc chiếc áo bông cũ của bộ đội lên mình. “Hà hà! Trạm đèn của ta đã đứng vững đến hai mùa chiêm rồi đấy.” Ông lão hứng chí, ngâm lên một câu thơ Đường chẳng ăn nhập gì với công việc gác trạm đèn của ông.

Ngoài đường ngọn đèn vẫn mở to như con mắt. Xe cộ ra vào rầm rập.

Còn nữa...

Văn Hiền - Việt Trung

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.