Xem - ăn - chơi

Ky cóp cho cọp xơi

24/01/2016, 18:57

Ở đời thường có người ky cóp thì thế nào cũng có người chuyên dùng mánh lới để tiêu hộ.

Ảnh minh họa1
Ảnh minh họa.

Lão Quảng là người keo bẩn có tiếng ở làng Đầm. Người ta bảo lão có thể khâu miệng vợ con nếu việc đó làm được. Những giai thoại về tính kiệt xỉ của lão nhiều vô kể. Đến nỗi có câu “Làng Đầm có Quảng keo; ăn rơm ỉa ra bèo”.

Riêng chuyện này thì có thật. Nhân bán lứa ngỗng bột được giá hời, vợ lão xởi lởi mua cân thịt định bụng về luộc lên cho chồng con ăn tươi một bữa. Hứng chí mụ nhét thêm cút rượu xuống đáy rổ để lão Quảng nhâm nhi. Vừa về đến ngõ, như chờ sẵn, lão Quảng hỏi:

- Bán được giá chứ?

Vợ lão hào hứng khoe:

- Ngỗng nhà mình đẹp nhất chợ. Con nào cũng vàng rực. Tranh nhau mua chí chết.

- Được bao nhiêu? Vợ lão móc túi:- Còn lại từng này.

Mắt lão Quảng dướn lên:

-  Tiêu đi đâu mà còn lại?

Vợ lão đặt rổ xuống trước mặt chồng, tủm tỉm cười: Ở cả trong ấy.

Lão Quảng chưa vội kiểm tiền, sục ngay tay vào chiếc rổ, quăng mảnh bao tải để ủ ngỗng, lão lôi ra cân thịt, đặt bẹt xuống đất. Lão kéo tiếp cút rượu lên rồi để cho tiện, lật úp rổ, khoắng tay loạn xạ. Bấy giờ lão mới nghiến răng rủa vợ:

- Ăn tàn phá hại. Bố mẹ tao chả ra gì lấy cho tao được giống giặc cái, chỉ tài phá gia chi tử - Lão giậm chân bành bạch - Bao nhiêu tiền của mà định tọng có một bữa thì thân tôi có khổ không cơ chứ.

Vợ lão ức quá cự lại:

- Con nó vất vả quanh năm mới có cái đem bán. Cho chúng nó ăn thì mất đi đâu mà sợ. Chỉ được cái miệng gang lưỡi sắt. Định ôm tiền xuống mồ à. Lão Quảng trợn mắt như sắp lên cơn động kinh. Cơn xót của chưa nguôi, lại thêm bị vợ rủa là miệng gang lưỡi sắt, lão nhặt ngay cân thịt quăng toẹt ra ngoài vườn. Lập tức mấy con chó xông vào tha biến đi mất. Còn cút rượu lão lăn vào gầm giường, chờ hàng xóm mời ăn cỗ thì đem đi mừng, đỡ phải mua. Sau vụ ấy trong làng có ai cần xà beng họ đùa nhau “Đến bảo lão Quảng ỉa cho mấy chiếc”.

Lão Quảng luôn luôn có bọc tiền trong người, thấy bảo lão cũng từng chôn xuống đào lên vài bận nhưng không yên tâm. Tốt nhất cứ giắt luôn vào người. Lúc thì lão đeo vào cổ, rồi mặc áo che kín. Lúc thì lão buộc ở kheo chân. Nhưng nhất định phải vật bất ly thân.

Ở đời thường có người ky cóp thì thế nào cũng có người chuyên dùng mánh lới để tiêu hộ. Trong làng Đầm, người ấy là thằng Quy. Thằng này quanh năm phất phơ, chẳng thấy làm việc gì cụ thể. Thi thoảng hắn kéo đám bạn về nhà đập phá một chầu rồi lại biến mất. Vài hôm lại thấy hắn đổi xe. Vài hôm lại thấy hắn “dọa” xây biệt thự. Hắn đã tính nhẩm được số tiền lão Quảng đang có và quyết định ra tay.

Một hôm, lão Quảng đang tần ngần đứng xem mấy thứ đồ điện tử nhân dịp lão vào chợ thì có người vỗ vai. Lão giật mình quay lại, thấy thằng Quy miệng cười hết cỡ:- Bố khênh quách cái “sôny” kia về mà xem dối già.

Lão Quảng so vai rụt cổ:

- Có họa tiền là lá đa.

- Nhiều khi tiền chỉ là lá đa chứ hơn gì. Vào kia con đãi bố một chầu. Lão Quảng chưa kịp từ chối thì Quy đã ôm lưng lão đẩy đi. Tiện thể hắn đưa tay xác định chính xác bọc tiền lão Quảng giấu trong người là có thật.

Lão Quảng hoa cả mắt trước các món ăn cả đời lão chưa được nếm. Lạ nhất là anh ngẩu pín ngẩu pìn gì đó mỗi bát cả trăm ngàn. No say, đã đời mà không mất tiền, lão Quảng thấy sướng đến cả ruột non ruột già. Rồi lão đâm ra nhớ Quy. Vì thế một tuần sau hắn rủ lão đi chén, lão nhận lời ngay. Lại no say mà không mất nửa xu, lão Quảng chỉ còn thiếu vừa đi vừa hát nữa thôi.

Một hôm, không kìm được tò mò, lão hỏi Quy:

- Anh làm gì mà có nhiều tiền thế?

- Nghề của con là tiêu tiền, cụ khốt chưa biết à?

- Sao lại có thứ nghề… tiêu tiền?

- À, thế này nhé, con đi điều tra sở thích của nông dân. Để có số liệu phải bỏ tiền ra mời họ đánh chén, hút sách, kể cả... hắn bật bật tay làm động tác tục tĩu...

Tóm lại cốt để xem bà con ta có chịu nổi văn minh không. Tiền của một tổ chức nước ngoài, tiêu xả láng. Với mình vài triệu là cả một sản nghiệp chứ với họ móc xó xỉnh nào chả có. Con còn phải trả thù lao bố nữa cơ.

Như để minh chứng cho mình không nói suông, Quy rút phắt tập tiền, đếm ra năm trăm ngàn đưa cho lão Quảng.

- Tôi đã được ăn lại còn...- Làm khoa học mà bố. Chỉ phiền cụ ký cho một chữ để con về thanh toán. Nghĩa là để họ không nghi con giai bố tiêu tiền cho gái, cụ khốt hiểu chưa.

- Được, ký bao nhiêu lão cũng ký - Hơi men ngà ngà, lại có món sộp, lão Quảng ký luôn vào chỗ Quy chỉ mà không cần biết nội dung ghi gì.

Một tuần sau, Quy bị bắt vì tội lừa đảo hắn thực hiện cách đây hai năm và tưởng đã trót lọt. Lão Quảng không biết sự kiện này. Vì thế khi tay chủ quán đích thân tìm lão, mời vào hàng thì lão nghĩ Quy sai đàn em tới rước đi. Đến nơi lão thấy vài người cùng đứng lên, tươi cười:- Chúng tôi biết cụ là người quân tử mà. Dạ, tất cả đã cộng sẵn rồi đây ạ.

- Cái gì?

- Lão Quảng chột dạ khi nhìn quyển sổ ghi nợ có chữ ký của lão. Sợ mắt lão kém, một người đọc to hàng con số ba mươi bảy triệu hai trăm mười lăm ngàn đồng chẵn.

- Cái này... thằng Quy...

- Vâng, cụ vào nhà đá mà hỏi nó.

Chúng tôi chỉ căn cứ vào sổ sách. Ai ký nợ, người ấy phải thanh toán. Đó là nguyên tắc có pháp luật bảo trợ đấy cụ ạ. Lão Quảng sờ vội vào chỗ bọc tiền. Giá kể nôn ra được tất cả những gì lão ăn vào bụng lão cũng sẽ nôn. Nhưng bữa nay lão chỉ có ruột non và ruột già.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.