70 năm truyền thống ngành GTVT

Kỳ cuối: Nối nhịp cầu chiến thắng

05/04/2015, 11:10

Những tuyến đường “vắt” qua vùng núi hiểm trở do cán bộ chiến sĩ Ban giao vận Khu Trung Trung bộ “mở đường máu”.

171
Ban giao vận khu 5 mở đường (Ảnh tư liệu)

“Trận địa” giao thông

Những tuyến đường “vắt” qua vùng núi hiểm trở do cán bộ chiến sĩ Ban giao vận Khu Trung Trung bộ “mở đường máu” đã tạo thế trận giao thông chiến lược, giúp đoàn quân chủ lực thần tốc hành quân, thực hiện nhiều chiến thắng vang dội giải phóng Khâm Đức, Huế, Đà Nẵng.

Cựu binh Lê Văn Hoàng (hiện là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng) cẩn thận lật giở từng trang truyền thống hào hùng của Ban giao vận Khu 5. Sự kiện tháng 5/1971 khiến 22 chiến sỹ hi sinh, mà ông trực tiếp chứng kiến không làm tinh thần mọi người trong Ban lung lay. Tại Hà Nội, Bộ GTVT đã quyết định chi viện ngay 30 kỹ sư, cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm, các đồng chí kỹ sư trẻ đang công tác trên các công trường miền Bắc, các kỹ sư mới ra trường của Đại học GTVT vào chiến khu Trà My (Quảng Nam) xây dựng lại bộ máy Ban giao vận Khu.

Ông Bùi Công Định, Trưởng ban liên lạc cán bộ chiến sĩ (CBCS) ban Giao vận Khu 5 kể, sau 100 ngày đêm đi bộ vượt Trường Sơn qua đất Lào, đoàn đã đến điểm tiếp đón Khâm Đức (Quảng Nam), dẫn đầu là đồng chí Lê Khả, cán bộ vừa học xong trường Đại học GTVT Lê- nin-grát (Liên Xô cũ). Đội khảo sát thiết kế 5 cũng được tăng cường hàng loạt kỹ sư do kỹ sư Trần Ngọc Thọ, cán bộ Viện thiết kế giao thông dẫn đầu. Công trường 2/9 do đồng chí Nguyễn Cư làm chủ nhiệm. Công trường 3 do đồng chí Lê Khả phụ trách. Công trường Quảng Ngãi do đồng chí Nguyễn Đình, Tỉnh ủy viên, Phó ban giao thông tỉnh và Hồ Ai (người dân tộc H’Re, Tỉnh ủy viên) Bí thư Đoàn thanh niên Quảng Ngãi chỉ đạo. Đồng chí Kim Sơn, Phó ban giao vận tỉnh Bình Định trực tiếp lãnh đạo công trường Bình Định…

"Truyền thống Ban giao vận Khu 5 được phát huy, nhân rộng đến các thế hệ. Tinh thần mở đường thông tuyến trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt, dưới làn mưa bom đạn của kẻ thù mãi là hình ảnh sáng ngời cho tinh thần quả cảm, hi sinh vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 2010, Khu QLĐB V trực tiếp vận động, xây dựng bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Ban giao vận Khu 5 tại đường 14E (Km 87, xã Phong Trà, Hiệp Đức, Quảng Nam) ghi nhớ công lao, truyền thống các thế hệ Ban giao vận Khu 5 làm nên những khúc tráng ca mở đường lịch sử”.

Ông Võ Đình Dũng
Cục trưởng Cục QLĐB III
(Khu QLĐB V cũ)

Các đoàn xe vận tải 1, 2, 3 với 500 xe các loại như: Zin 3 cầu, xe Giải Phóng… được cấp tốc từ miền Bắc huy động vào. Tổng kho chi viện giao vận 5 được thành lập tại Hà Trung (Thanh Hóa) để làm đầu mối tiếp nhận vật tư trang thiết bị cho ngành GTVT khu 2 do đồng chí Nguyễn Thừa và Đỗ Hùng Trợ phụ trách.

Mùa thu năm 1972, Tư lệnh quân khu 5 Chu Huy Mân chỉ đạo lực lượng giao vận khu phối hợp cùng công binh quân khu tập trung cao độ mọi lực lượng hoàn thành thông tuyến đến phía Bắc đường 19 chỉ trong vòng 6-8 tháng. “Đường 19 là tuyến huyết mạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Tây Nguyên, chiến trường Khu 5. Nếu quân đội ta khống chế được sẽ có ảnh hưởng lớn đến cục diện chiến tranh miền Nam”, ông Định nhấn mạnh.

Thế trận giao thông ngày một nên hình hài. CBCS Ban giao vận Khu 5 cùng quân đội và nhân dân năm tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hoàn thành tuyến chiến lược với hai gọng kìm mà bây giờ gọi là Trường Sơn Đông - tuyến đường xuyên Trung Trung bộ. Ngay đầu năm 1972, hai đoàn xe số 1 và số 2 tham gia chiến dịch. Theo ông Định, tháng 6/1973 từ Khâm Đức, xe ô tô, xe tăng, xe kéo pháo đã thông đến Trường An giáp đường 5, nay là QL24. Tháng 11, xe tăng và pháo binh đã tập kết tại Trường An và tiến hành giải phóng Ba Tơ. Từ đây, đường được nối thông An Lão Kim Sơn đến Phú Phong, Bắc đường chiến lược 19 điểm phía Đông đèo An Khê. Về nhánh phía Tây, mùa thu năm 1974 cũng nối từ Sông Tang qua khu vực Công Hà Nhừng với thị trấn Dân Chủ phía Bắc đường chiến lược 19 điểm giữa đèo An Khê và đèo Măng Giang.

172
Phút trùng phùng của cựu cán bộ, chiến sĩ Ban giao vận khu 5

Thế trận giao thông chiến lược

Ông Định tự hào, vượt biết bao khó khăn gian khổ, thiếu thốn về con người, trang bị, thời tiết mưa lũ liên miên, bom đạn của địch, đến năm 1974, thế trận giao thông chiến lược do Ban giao vận Khu 5 phụ trách đã hoàn thành, mở ra hàng loạt trận tấn công, chiến thắng vang dội. Ngày 10/3/1975, trận đánh Buôn Ma Thuột nổ phát súng đầu tiên. Tây Nguyên, vùng đất bazan phì nhiêu rung động như núi lửa phun trào trước sự xuất hiện của đoàn quân giải phóng miền Nam. Đường 19, con đường duy nhất nối liền miền biển với Bắc Tây Nguyên bị pháo binh và các loại hỏa lực tên lửa của quân giải phóng cắt đứt cả hai phía Đông và Tây đèo An Khê. Cái “bẫy” Pleiku sập xuống khiến quân đoàn của địch bị tiêu diệt.

“Từ đây các thành trì, đồn ấp, khu chiếm cứ của Mỹ ngụy tại các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên nhanh chóng sụp đổ, lan nhanh từ địa phương này tới địa phương khác”, ông Định kể.

Bị “điểm đúng huyệt” Buôn Ma Thuột, địch choáng váng, rối loạn, tháo chạy khỏi Tây Nguyên, mở ra thời cơ mới để đoàn quân giải phóng thực hiện thắng lợi quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư chuyển phương án từ thực hiện kế hoạch cơ bản sang kế hoạch thời cơ; quyết định mở đòn tiến công chiến lược gối đầu kế tiếp Huế-Đà Nẵng nhằm giải phóng các tỉnh thuộc quyền kiểm soát của Quân khu 1 ngụy. Chiến dịch Trị Thiên và chiến dịch Nam – Ngãi đồng thời diễn ra từ ngày 5 đến 26/3/1975, tạo đà chiến dịch Đà Nẵng “vây ráp” Mỹ ngụy trong thế gọng kìm, co cụm giữa “ốc đảo”. Dọc thế trận giao thông do CBCS Ban giao vận khu 5 mở lối, những đoàn quân giải phóng thần tốc di chuyển, triển khai những thế đánh bất ngờ, hiệu quả. Chỉ sau ba ngày, ngày 29/3/1975, cờ giải phóng tung bay, kết thúc chiến dịch Đà Nẵng thắng lợi hoàn toàn.

Quân và dân Khu 5 tiếp tục tiến công giải phóng phần đất còn lại các tỉnh Khu 5, Khu 6, Quần đảo Trường Sa. Vùng giải phóng Khu 5 được mở rộng, nối liền với hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thuận tiện cho việc cơ động bằng đường bộ, đường biển, đường không, đáp ứng kịp thời yêu cầu tăng cường lực lượng, bổ sung vật chất cho cuộc tiến công quy mô lớn vào Sài Gòn trong thời gian ngắn nhất.

Thiếu tướng Võ Văn Chót (nguyên Sư trưởng Sư đoàn 324) kể, liên tiếp những ngày tháng 3/1975, một loạt chiến dịch thần tốc được triển khai. “Lúc đó, tôi đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324), một trong những quân chủ lực tham gia chiến dịch. Đoàn hành quân cấp tốc từ Huế vào khu vực Khâm Đức - Thượng Đức (Quảng Nam), tiến đánh giải phóng Huế và Quảng Nam. Đoàn hành quân qua những con đường Ban giao vận Khu 5. Đường đi được cả xe ô tô, cơ giới, các loại pháo kích di chuyển dễ dàng. Quân chủ lực chỉ biết đánh, còn đi được hay không là do đường xá, giao thông. Không có đường tốt, sao góp phần làm nên chiến thắng”, Thiếu tướng Chót nhấn mạnh. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.