Thời sự

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sẽ tăng thời gian chất vấn

18/04/2017, 06:41

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được bố trí 3 ngày.

10

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được bố trí 3 ngày

Trình bày báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp này là 21,5 ngày (từ 22/5-20/6).

Về dự kiến chương trình kỳ họp, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, trong đó có Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); 3 dự thảo Nghị quyết. Dự kiến, chương trình cũng xin rút 4 dự án luật gồm: Luật Về hội; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tiếp tục hoàn thiện. Bên cạnh đó, bổ sung 2 nội dung trình Quốc hội thông qua: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đề nghị của ĐBQH tại kỳ họp thứ 2 về việc tăng thời gian làm việc tại hội trường, nhất là đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được bố trí 3 ngày (tăng 0,5 ngày so với trước đây).

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị bổ sung 3 nội dung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu, dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp). Tổng thư ký Quốc hội cho biết, sẽ điều chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp để gửi xin ý kiến ĐBQH.

Trình Quốc hội một số dự án trọng điểm quốc gia

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn khi kỳ họp thiếu nội dung quan trọng là cho ý kiến và thông qua các công trình trọng điểm quốc gia như đường cao tốc Bắc Nam, dự án chống ngập ở TP.HCM và dự án nâng cấp đường sắt Bắc - Nam. “Đã yêu cầu bố trí 80 nghìn tỷ đồng TPCP cho các dự án này rồi nhưng nay nội dung không thấy nói đến. Đề nghị báo cáo thêm, nếu dừng lại thì lại mất thêm thời gian 6 tháng, trong khi đó vốn không giải ngân được sẽ lãng phí”, ông Hiển đề nghị.

Về chuẩn bị công trình đầu tư công trung hạn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong tháng 4 cho ý kiến lần nữa để chốt, yêu cầu đến 30/4, bộ, ngành, địa phương nào chưa hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn thì nguồn vốn cho bộ, ngành, địa phương đó đưa hết vào dự phòng, 5 năm tới sẽ không đầu tư nữa. Riêng công trình trọng điểm quốc gia, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn vì đã bố trí 80 nghìn tỷ đồng TPCP, nhưng đến nay chưa thấy có gì để báo cáo Quốc hội.

Giải trình thêm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho biết, đối với các công trình trọng điểm quốc gia, sáng 17/4, Thủ tướng đã đồng ý để Bộ GTVT thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký gửi Quốc hội Dự án đường cao tốc Bắc - Nam và việc giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành.

Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế sẽ thẩm tra dự án cao tốc Bắc - Nam; Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra toàn bộ dự án đầu tư công trung hạn; Ủy ban KHCN-MT thẩm tra dự án chống ngập của TP HCM. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đồng ý việc tăng thời lượng chất vấn lên 3 ngày, nhưng không mở rộng thời gian và đối tượng chất vấn mà chỉ tăng thời lượng cho ĐBQH phát huy tranh luận.

Tranh luận về trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Sáng17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là dự án luật hiện đang có rất nhiều ý kiến tranh cãi. Trong phiên họp, nhiều ý kiến tập trung góp ý vào Điều 30 của dự luật, quy định trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề. Trách nhiệm của 2 đơn vị này được tách riêng chứ không gộp chung.

Trong phần thảo luận, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm, việc giao toàn bộ chức năng hỗ trợ toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa như dự thảo rõ ràng là không phù hợp với vị thế pháp lý của hiệp hội. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân lại tán thành quy định tại Điều 30 và cho rằng, hiệp hội rất mong muốn được giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết.

Được mời góp ý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng băn khoăn về ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc đưa ra. Ông Dũng thắc mắc khi ông Lộc cũng là thành viên ban soạn thảo, VCCI trước đây rất ủng hộ dự luật, nhưng không hiểu sao giờ lại phản ứng lại.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển vẫn đề nghị ban soạn thảo và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rà soát Điều 30 để không ảnh hưởng chức năng của VCCI và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.