Bạn cần biết

Kỹ năng bí truyền của người A Rem

20/06/2015, 07:52

Người A Rem không có siêu thị, internet và ô tô nhưng kỹ năng sinh tồn của họ phát triển tới đỉnh cao.

1
Hang đá là nơi người A Rem trú tránh từ xa xưa đến nay.

Người A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) không có siêu thị, internet và ô tô. Họ có mái nhà nhỏ dưới dãy núi đá Bàn Chân Lớn, nhưng kỹ năng sinh tồn của họ được phát triển tới giới hạn đỉnh cao. Một người A Rem trưởng thành đi rừng không mang gì ngoài con dao, cái gùi nhỏ, ít bùi nhùi hoặc hòn đá đánh lửa. Thức ăn, nước uống đều từ rừng mưa nhiệt đới.

Vùng đất bí mật

Chúng tôi là những người bên ngoài đầu tiên được già làng A Rem, Đinh Rầu cho phép đi theo họ chứng kiến lễ trưởng thành của Đinh Khinh, một chàng trai của tộc người này. Đáng ra, Đinh Khinh đã làm lễ trưởng thành từ mấy năm trước, nhưng vì lễ cưới vợ và sinh con nên Đinh Khinh được phép gác lại cho đến năm nay.

Phải qua nhiều lần thuyết phục của Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Chí Sỹ, già làng A Rem mới đồng ý cho chúng tôi đi theo về vùng đất “bí mật”, nơi những đứa con bản làng này làm lễ trưởng thành. Có cảnh không được ghi hình bằng bất cứ loại máy nào, phải hứa trước già làng A Rem chúng tôi mới được phép. Con đường về vùng đất “bí mật” đó là một khu rừng rộn ràng. Trên tán cao nhất của  cây cổ thụ bầy linh trưởng mặt đỏ chuyền cành, hú hét vào buổi sáng khi thấy con người xâm nhập lãnh thổ của chúng. Ở tầng thấp hơn, những con Chà Vá ngũ sắc như xấu hổ bẻ cành che mặt.

Đinh Cu đi theo giải thích: “Bọn Chà Vá sợ mình bắt nên chúng hái lá che mặt, chúng không thấy người, chúng tưởng mình không thấy nên yên tâm lắm. Bọn này vì thế mà gặp kẻ săn trộm là cả bầy bị bắt hết. Vì chúng bịt mặt mà cái thân, cái mông, cái đuôi không kín, lại ngồi một chỗ không chạy”. Bên kia hẻm Đá Lớn, bầy Voọc đen má trắng đang ngái ngủ, khẹc khẹc kêu nhau dậy nhìn đoàn người nhấp nhô sâu dưới đáy rừng.

Đi qua một khu vực, ông Rầu chỉ vào một số cây cổ thụ khổng lồ đến hơn hai người ôm, cao chót vót, cành của chúng vươn xa và rộng. Nhìn ngạo nghễ. Anh bạn đồng nghiệp đưa máy lên chụp, liền bị cản lại. Ông Nguyễn Chí Sĩ giải thích: “Đây là cây thiêng của người A Rem, không chụp hình được. Nó tốt hơn cả lim. Nhưng giờ rất hiếm nên bà con bảo tồn và không cho người khác biết về chúng”.

Càng đi xuống con dốc, có đoạn thoai thoải, có đoạn dựng đứng, lối mòn đi sát một vực sâu hun hút. Cảnh rừng hai bên có khi là vạt luồng xanh mướt, có đoạn cả một rừng chuối lút tầm mắt. Càng đi, cảnh tượng nguyên sinh rêu mốc, dương xỉ, tiếng chim đủ loài râm ran khó tả. Đi hết hai tiếng đồng hồ xuống dốc thăm thẳm là con suối A Rinh Plai-suối trưởng thành.

Lễ vật con trai lớn

Xuống đoạn suối trưởng thành, Đinh Rầu ra dấu cho Đinh Khinh kiếm lễ vật thành con trai lớn. Một rổ nhỏ ốc khe phải bắt đều nhau, không có con lớn nhất, không có con bé nhất. Điều đặc biệt, Khinh phải kiếm ra loài cây có tác dụng “tăng lực”-A Roang Plài. Phần quan trọng là phải kiếm rễ nó từ dưới đáy suối, nơi nó mọc rễ không bén đá, đoạn suối đó là nơi phơi mình của đá cuội.

Khinh cũng được giao nhiệm vụ kiếm mớ cá piu bằng tất cả mọi cách biết được để thết đãi chúng tôi. Ngày trước, khi rừng rậm khu vực này chưa cấm, lễ trưởng thành còn bắn một con heo rừng hoặc một con linh dương. Nhưng ngày nay, lễ tục được giản lược để bảo vệ tự nhiên nên những bí truyền cổ xưa nhất về mũi tên độc hiện rất ít người biết đến trong tộc người A Rem.

Nhận tất cả các chỉ dẫn, Đinh Khinh thoắt cái đã lên mái đá, vượt vực Kalong Ktui. Đấy là một hẻm nước đẹp như tranh vẻ. Dòng nước để lại trầm tích đáy sông là đá cuội xô đẩy bào mòn nhau như những quả dưa hấu trên ruộng đồng.

Chúng tôi không được đi theo Đinh Khinh, nhưng không lâu sau đó anh đưa về sản vật của suối là cá piu, ốc khe cùng rễ cây A Roang Plài. Khinh ra suối, tỉ mẫn dùng dao chặt đít từng con ốc một, rửa sạch rồi đi lên mái đá lấy nhúm lá lốt về bắc lửa luộc đãi khách và mời già Đinh Rầu.

Bữa trưa còn có món cá nướng, mỗi người được chia bốn con cá như hai ngón tay. Mọi người ăn xong ra suối uống nước. Ngơi nghỉ một chút dưới bóng râm cây Cợp ít phút rồi lại lên đường.

Món quà hào phóng

3
Tác giả, đi với người A Rem qua vùng không khe suối, được hướng dẫn cách lấy nước từ dây leo rừng để tiếp nước tránh kiệt sức do khát.

 Con đường đi từ ngã chiều đến đích trời buông buổi tối. Đoạn suối Rục Cà Roòng hùng vĩ. Nơi đó được giới thiệu như tổ tiên người A Rem từng hội hè xuống nước, từng họp bàn lúa mới, từng luận việc giữ đất, từng định đặt suất đi săn, từng chỉ dạy con cháu về nguồn gốc núi rừng thiêng liêng của họ. Muốn đến đó, phải vượt nhiều vực sâu với đá tai mèo lởm khởm, người A Rem lên đó như không, nhanh nhẹn, dẻo dai. Hết ngọn Gấu Đực rồi xuống Hẻm Đá Lớn, lại đi qua vực Kalong Krin.

Đấy là cung đường đầy dây leo bụi rậm dưới tán rừng cổ thụ. Những loài cây bụi mọc thêm gai cọ rách áo, gây xước da thịt mọi người, ai cũng tứa máu nhưng người A Rem như Đinh Rầu, Đinh Cu, Đinh Khinh... chả mấy quan tâm. Con đường qua vực còn có khe để vốc lên ngụm nước thấm môi cho thoát cơn khát rát khô cổ. Nhưng lên những triền núi cao giữa đường rừng hẻo lánh, đến cành cây cũng khô khấc vì nắng hạn mùa hè. Không một giọt nước...

Trên ngọn Gấu Đực, dưới tàng cây rậm rịt, Đinh Rầu khe khẻ vào sâu giữa rừng hanh khô, con dao phạt của ông chặt liên tù tì rồi ôm một bó lớn đưa ra phát mỗi người một khúc. Đinh Cu nheo mắt: “Uống đi, mát lắm”. Nhìn Đinh Khinh, Đinh Rầu... ngửa cổ, dốc từng khúc cây lên, nước từ trong đó chảy ra thành dòng đầy vòm họng, mát tê lưỡi, mùi thơm thảo dã xông lên mũi, ngon đến nhớ đời. Ai nấy được một bữa giải khát chưa từng có trong đời.

Vừa đi, Đinh Cu vừa nói, đó là cây A Rin Góp-dây có nước. Nó có nhiều trong rừng mưa khu vực lãnh thổ người A Rem sinh sống. Nó có nhiều hơn 30 loài khác nhau, từ vị ngon như mía, đến vị ngọt như mùi khoai lang, có vị như mùi dâu chín, có loại A Rin Góp thơm mát và chát khó tả, nhưng tựu chung là không gây độc. Già Đinh Rầu kể với chúng tôi: “Người miền xuôi đi rừng thường dùng ống luồng hay ống đương (một loại họ tre-NV) để uống. Đồng bào A Rem mình không uống nước đó. Nó chỉ để rửa thôi. Uống nó đau bụng chịu không được”.                              

Mọi người cứ đi, đi hết các hẻm vực thì trước mắt là con suối Rục Cà Roòng, mát rượi và đẹp đến mê hồn. Cũng cần kể thêm, ở những đoạn suối chúng tôi đi qua có núi đá vôi, anh em A Rem khuyên không nên uống nhiều nước đó vì có cặn đá vôi gây hại sức khỏe. Nhưng nguồn nước Rục Cà Roòng lại là câu chuyện khác.

2
Đinh Khinh và mớ ốc bắt bên suối bí mật.

Rừng ở trên núi có nhiều thảo dược, hai bên bờ suối như một vườn thuốc với đủ thứ cây cho cách người A Rem chữa các loại bệnh mà xa xưa cha ông họ áp dụng. Đinh Cu chỉ cho tôi thứ cây lá như cây xấu hổ, nhưng động vào nó không khép lá, ấy là A Râu Linh, thứ cây chữa đau bụng hữu hiệu. Còn cây A Roang Plài thì khá nhiều. Đặc biệt, Đinh Rầu kiếm được một cây cà chua núi, lá đỏ như máu, đó là loài cây rất hiếm và ông đưa nó vào gùi để về nhà gầy giống, vì nó tốt cho sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ lúc sinh nở.

Chúng tôi hạ trại ở đó, nước suối chảy như bất tận vào hang Túi có ba cửa. Anh em A Rem đi theo kể, dòng nước này đi về phía hang Phong Nha. Nếu đi đường rừng mất ba ngày để chạm cửa Thiên Đường, đi thêm nữa sẽ về tận Phong Nha và họ đã đi rất nhiều lần như thế mà không mang thức ăn, hay nước uống. Bởi có ốc khe, cá suối, có nước dây A Rinh Góp mọc khắp nơi, có lửa từ viên đá thần kỳ.

Đêm đó, Đinh Rầu mời chúng tôi bữa cơm rừng, gạo từ lúa rẫy, nấu bằng củi bên Rục Cà Roòng. Tất cả đều rất hào hứng khi mọi người xuống suối bắt cá, mò ốc. Đêm giữa rừng, tiếng nai tác xa xa, tiếng chim kêu đêm rợn ngợp. Bất cứ tiếng động nào đều được anh em A Rem giải thích rõ ràng. Ngửa mặt lên trời để ngủ, nơi vòm rừng chúng tôi nằm, là đường bay quốc tế xuất phát từ Thái Lan băng qua, Đinh Rầu bảo, mấy chục năm nay lớn lên không biết cái gì cứ bay qua đây vào ban đêm, đèn nhấp nháy. Ông lý giải cho thanh niên A Rem đó là sao bay. Nhưng chúng tôi giải thích đó là máy bay, ánh trăng đêm còn rọi tỏ cả đường khói sau khi máy bay đi qua lúc gần tối. Những người A Rem nghe thế, họ bất giác ồ lên như vừa khám phá điều mới mẻ.

Sáng hôm sau, chúng tôi được thết đãi bữa cá nấu canh chua với lá dâu da bên mé suối. Ngon kỳ lạ. Tất cả đều hào phóng từ sản vật rừng. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời. Mặt trời lên, đàn linh trưởng ở Rục Cà Roòng bắt đầu rộn ràng trên núi cao, mọi người nhổ trại ra về. Vượt lại từng vực sâu, không cần bới theo nước. Đi đoạn nào khát, cứ thế tìm A Rinh Góp mà uống. Trải nghiệm của chúng tôi chỉ mới là phần nhỏ trong thế giới sinh tồn của anh em A Rem mà đã huyễn hoặc khách bên ngoài, nếu ở lâu với đồng bào ở đây, chắc chắn sẽ biết thêm nhiều cách sinh tồn bí truyền nơi rừng mưa nhiệt đới Kẻ Bàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.