Y tế

Kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc VN: “Mỗi ổ dịch Covid-19 là một trận đánh”!

27/02/2021, 06:20

Kỳ tích kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam hơn một năm qua có đóng góp rất lớn của đội ngũ các y bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước.

img

BS. Đào Hữu Thân

Trong đó, các y, bác sĩ, nhân viên thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) là những điển hình. Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2021), BS. Đào Hữu Thân, Phụ trách Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Nội chia sẻ với Báo Giao thông về chuyện nghề với nhiều kỷ niệm.

Xuất hiện ca nghi ngờ: Mọi việc phải thần tốc

Hơn một năm qua, cái tên CDC Hà Nội liên tục xuất hiện trong các thông tin liên quan đến phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, không ít người vẫn chưa hình dung một cách rõ ràng về công việc cụ thể của lực lượng CDC, ông có thể chia sẻ điều này?

Nhiệm vụ chính của chúng tôi là phòng chống các loại dịch bệnh, hạn chế thấp nhất những hậu quả, không để dịch bùng phát. Người dân Hà Nội đã có nhiều đợt dịch bệnh như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, tả, cúm… và nay là đại dịch Covid-19.

Sau hơn 1 năm, hậu quả của dịch Covid-19 để lại là rất nặng nề. Tuy nhiên, các cán bộ CDC như chúng tôi đã chuẩn bị và các hoạt động phòng chống đại dịch cũng đã được chuẩn bị chủ động từ trước.

Cũng chính vì thế nên khi có dịch chúng tôi không hề lúng túng mà rất chủ động. Chúng tôi sẵn sàng đến bất cứ đâu, bất cứ khi nào nếu có lệnh.

Bởi chúng tôi hiểu được sứ mệnh và trách nhiệm của mình với thành phố, với mỗi người dân, nhất là trong tình cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
BS. Đào Hữu Thân, Phụ trách Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Nội


CDC là đơn vị đầu mối giám sát phòng chống dịch của TP Hà Nội và làm việc trong mối quan hệ mật thiết với các đơn vị khác trong ngành như: Sở Y tế, các trung tâm y tế, các bệnh viện khác.

Công việc chính chống dịch của CDC là tổ chức hệ thống phát hiện bệnh nhân, sau khi phát hiện phải điều tra nhanh. Ví như trong dịch Covid-19, dù chỉ phát hiện ca bệnh nghi ngờ, các đội phải nhận lệnh xuống thực địa tiếp xúc ngay với bệnh nhân, điều tra khai thác lịch trình liên quan như: Mắc ở đâu, ai lây bệnh, lấy mẫu những người liên quan và chỉ đạo phòng chống dịch ngay...

Giả thiết kết quả điều tra bệnh nhân cùng các mẫu lấy xung quanh đều âm tính, thì có thể tạm kết thúc. Nhưng nếu kết quả dương tính, thậm chí phát hiện thêm các trường hợp dương tính khác thì vấn đề rất phức tạp, sẽ tiếp tục thực hiện cách ly, phong tỏa, tổ chức lấy mẫu... Nếu quá phức tạp thì có thể tiếp tục lấy mẫu diện rộng để điều tra…

Ở thực địa, anh em CDC tiếp cận trực tiếp bệnh nhân dương tính Covid-19 để điều tra khai thác thông tin dịch tễ rất kỹ. Đó cũng là công việc rất nguy hiểm mà chúng tôi phải tập huấn rất kỹ càng, làm sao để có thể lấy mẫu bệnh phẩm để chuyển về trung tâm làm xét nghiệm nhanh nhất có thể.

Với ca bệnh dù nghi ngờ thì cũng phải triển khai quy trình phòng dịch như đối với bệnh nhân dương tính, mọi công việc phải được thực hiện “thần tốc” để kịp thời kiểm soát tình hình.

“Covid-19 không cho mình ngủ”

img

Cán bộ CDC Hà Nội thường xuyên làm xét nghiệm xuyên đêm để cho ra kết quả nhanh nhất

Đến nay, Hà Nội đã ứng phó với 4 đợt dịch Covid-19 khá thành công dù đặc thù địa bàn rộng, phức tạp… Ông có thể chia sẻ những khó khăn của lực lượng CDC Hà Nội trong quá trình làm nhiệm vụ?

Đợt dịch đầu tiên đến sau khi phát hiện ca BN17 ngày 6/3/2020, khiến cả đêm Hà Nội không ngủ. Tiếp đến là tháng 4 với đợt dịch xâm nhập từ châu Âu và một số nước châu Á với các ổ dịch phát sinh khi đó là ổ dịch Hạ Lôi - Mê Linh, BV Bạch Mai và các khu cách ly.

Đợt dịch thứ 3 là ảnh hưởng từ Đà Nẵng, Hà Nội đã phải lấy mẫu, rà soát xét nghiệm cho hơn 70 nghìn người về từ Đà Nẵng và phát hiện 11 ca dương tính. Và đợt thứ 4 này liên quan đến Hải Dương và một số tỉnh, thành xung quanh.

Qua các đợt dịch này, dù chủ động, cố gắng nhưng không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Đó là áp lực về nhiệm vụ luôn luôn phải hoàn thành ngay vì “chống dịch như chống giặc”. Do vậy, khi nhận thông tin ca bệnh là anh em CDC phải lên đường ngay, bất kể đêm hôm vì “Covid-19 không cho mình ngủ”.

Khó khăn thứ 2 là mẫu bệnh phẩm phải làm nhanh với kết quả chính xác, nên dù lượng mẫu rất nhiều, anh em luôn hoàn thành đúng tiến độ.

Năm 2020, CDC Hà Nội đã làm trên 130 nghìn mẫu xét nghiệm và chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, chúng tôi cũng đã xử lý 1 lượng mẫu xét nghiệm cao khủng khiếp với trên 50 nghìn mẫu, gần bằng 50% số mẫu của năm trước. Để giải quyết lượng lớn mẫu như vậy, anh em phải dốc toàn lực, luân phiên làm suốt ngày đêm.

Thực tế, mỗi khi có ổ dịch bùng phát thì anh em CDC không có ca kíp gì cả, cứ xong công việc mới được nghỉ. Thật mừng, đến thời điểm này, anh em CDC đã vững vàng vượt qua được.

Đợt dịch thứ 4 này có gì khác so với 3 đợt trước? Mức độ nguy hiểm của nó ra sao và thời gian tới liệu tình hình sẽ thế nào, thưa ông?

Điều thuận lợi nhất là mọi người đã quen và có kinh nghiệm hơn trong việc đối phó với dịch so với những đợt dịch trước. Tuy nhiên, mức độ của của đợt dịch này ác liệt hơn. Bởi ổ dịch Hải Dương rất lớn, lại sát Hà Nội, lượng người về rất đông, khó kiểm soát. Hơn nữa nhiều tỉnh phía Bắc có diễn biến dịch phức tạp hơn nhiều.

Nếu trước chúng ta xác định chống dịch xâm nhập từ nước ngoài về thì giờ dịch đã ở trong nước, lây lan ở nhiều tỉnh, thành nên tạo thêm thách thức với công tác phòng chống dịch.

Với Covid-19, vaccine chưa có nhiều mà số người mắc nhiều, dự báo thời gian ngắn tới vẫn sẽ ác liệt, chưa có thay đổi nhiều, do vậy công tác phòng chống dịch vẫn sẽ rất căng thẳng…

Dù vất vả nhưng chưa từng chùn bước

img

Cán bộ Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân về từ vùng dịch Hải Dương (Chụp ngày 20/2). Ảnh: Hồng Vân

Đối mặt với nhiều đợt dịch bệnh, với ông, tình huống phòng chống dịch nào khiến ông nhớ nhất?

Với lực lượng phòng chống dịch thì mỗi một ổ dịch, một bệnh nhân đều là mới và là một trận đánh, cần kiểm soát càng sớm càng tốt.

Chúng tôi trải qua rất nhiều đêm ở các ổ dịch lớn, nhỏ, như ổ dịch Hạ Lôi, BV Bạch Mai và đợt dịch này để lại nhiều cảm xúc.

Ấn tượng với chúng tôi nhất trong đợt này đó là ổ dịch tại Xuân Phương, Nam Từ Liêm vì diễn biến rất phức tạp. Tất cả bộ máy chính quyền, các ban ngành đoàn thể đã thức nhiều đêm, cân não để quyết định phương án chống dịch sao cho phù hợp.

Việc quyết định cách ly tại trường Tiểu học Xuân Phương rất căng thẳng, vì đây là việc chưa từng xảy ra, hay trường hợp 5/6 người trong gia đình cùng mắc Covid-19, chỉ còn lại mỗi cô con út tuổi mẫu giáo… Hoặc nửa đêm ra quyết định phong tỏa khu chung cư 99 Trần Bình, quận Cầu Giấy…

Sự quyết tâm rất cao và đồng lòng của chính quyền các cấp cùng người dân đã góp phần kiểm soát tốt đợt dịch này.

Cuộc chiến với Covid-19 kéo dài suốt hơn 1 năm qua và chưa biết điểm dừng khi nào, cuộc sống gia đình của ông cũng như các đồng nghiệp khác ảnh hưởng thế nào, xáo trộn ra sao?

Đi chống dịch là cả hệ thống, với sự tham gia của tất cả các cán bộ CDC Hà Nội, cán bộ ngành Y tế Hà Nội… đều với mục tiêu duy nhất là chống dịch thành công.

Trong những đợt có bệnh nhân, ổ dịch thì tất cả thời gian, giờ giấc, cuộc sống của anh em CDC không tránh khỏi những xáo trộn. Có thể bất ngờ nhận lệnh, lên đường vài ngày không về nhà, hoặc làm việc xuyên đêm điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm… vì dịch bệnh này không cho phép chúng tôi được chần chừ một phút.

Với công việc của chúng tôi, thiệt thòi hơn cả là các chị em phụ nữ, trong khi số nữ giới trong CDC chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, điều may mắn là chúng tôi được hậu phương thấu hiểu, chia sẻ và được nhận nhiều sự quan tâm động viên.

Cũng chính vì vậy mà lực lượng CDC từ đầu đợt dịch đến nay dù căng thẳng, vất vả nhưng chưa thấy ai chùn bước, chúng tôi cố gắng đến cùng vì lương tâm trách nhiệm công việc phải làm, vì mong muốn sự bình yên cho người dân Thủ đô.

Cuộc chiến với dịch Covid-19 vẫn chưa thể xác định hồi kết, ông có những chia sẻ gì với người dân, với những đồng nghiệp ở dưới cơ sở?

Chúng ta vẫn phải xác định cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn. Dù mong muốn dịch càng kết thúc sớm càng tốt nhưng đến thời điểm này nhiệm vụ của hệ thống CDC chúng tôi vẫn còn nhiều.

Vì vậy, mọi người phải cùng nhau cố gắng vượt qua. Nhất là đối với người dân, mỗi người phải phối hợp với ngành Y tế và chính quyền và có ý thức thực hiện theo quy định 5K và các khuyến cáo của ngành Y tế. Mong giai đoạn tới, người dân giữ tinh thần phối hợp, đó là yếu tố quyết định hiệu quả phòng chống dịch và kiềm chế dịch.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.