Hạ tầng

Ký ức làm đường Tây tiến “bắt sông uốn khúc, bắt núi cúi đầu”

07/09/2019, 06:45

Những TNXP đã đổ mồ hôi, máu và nước mắt để “bắt núi cúi đầu, bắt sông uốn khúc” mở nên con đường 12B.

img
Sau khi được nâng cấp, mở rộng, con đường 12B đã nườm nượp xe cộ, hai bên đường nhà cửa san sát

Những năm gần đây, con đường chiến lược 12B được nâng cấp, mở rộng ngày càng đông xe cộ qua lại. Hai bên đường, nhà cửa, hàng quán mọc lên san sát, nhộn nhịp.

Con đường lịch sử

Những ngày trung tuần tháng 8, PV Báo Giao thông có dịp quay trở lại con đường 12B dài gần 50km từ đỉnh Dốc Cun đến ngã ba Hàng Đồi (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) và ghi nhận cảnh tấp nập những dòng xe ngược xuôi. Hai bên đường mọc lên nhiều khu dân cư, nhà cao tầng san sát, khang trang, ruộng đồng nối dài, rừng keo, rừng luồng phủ kín đồi...

Dừng chân ở quán tạp hoá ven đường mua chai nước uống, anh Bùi Văn Huân, lái xe tải chở hàng nông sản chia sẻ: Đường12B nối liền đường mòn Hồ Chí Minh với QL6 nên việc đi lại, buôn bán rất thuận tiện. “Khoảng hơn 5 năm trước, đường 12B chưa được nâng cấp, mặt đường hẹp và xấu, chúng tôi muốn đi từ Kim Bôi lên TP Hòa Bình phải đi vòng lên Xuân Mai rất mất thời gian. Nhiều khi hàng hoá nông sản của bà con các xã ven ĐT12 tươi ngon, giá rẻ hơn nhưng cánh thương lái cũng không dám vào mua bởi vận chuyển khó khăn. Nhưng từ khi được nâng cấp, mở rộng, qua ĐT12B chỉ mất hơn 1 tiếng nên chúng tôi thường vào thẳng các xã ở đây lấy hàng”, anh Huân nói.

Theo lãnh đạo UBND huyện Kim Bôi, đường 12B được lực lượng TNXP mở vào năm 1960, đến năm 1974 giao lại cho địa phương quản lý, hiện nay con đường dài 47km đi qua các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy của tỉnh Hòa Bình.

Năm 2010, đường được đầu tư nâng cấp giai đoạn 1 từ Km 18 - Km 47+300 với số vốn 151 tỷ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ, do Sở GTVT tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư. Đến năm 2013, đường được đưa vào sử dụng.

Đánh giá về những hiệu quả mà con đường mang lại, ông Bạch Công Du, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kim Bôi cho biết: Đường 12B đi qua 11 xã, thị trấn của huyện Kim Bôi. Từ khi đường được nâng cấp, mở rộng đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện, giúp bà con nhân dân đi lại thuận tiện trong việc vận chuyển giao thương hàng hóa. Trên cơ sở đó, đã thu hút được các nhà đầu tư vào huyện đầu tư, đặc biệt là khu du lịch An Lạc, suối nước khoáng… giúp tăng nguồn thu cho địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người dân.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Xuân Hoàn, Chủ tịch UBND xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi cho biết: Đường 12B chạy qua địa bàn xã 4km, con đường giúp kết nối thông thương, hỗ trợ rất lớn cho việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Xã hiện có 800ha đất trồng các loại cây như ngô, lúa, cây có múi. Từ đường mòn Hồ Chí Minh vào đến trung tâm xã khoảng 8km, nên từ khi đường 12B được nâng cấp, việc tiêu thụ nông sản của bà con được dễ dàng thuận tiện.

Niềm vui của những người mở đường

img
Ba cựu TNXP làm đường 12B ngày ấy bây giờ vẫn khoẻ mạnh, luôn ghi nhớ về ký ức hào hùng và gian khó của những ngày làm con đường chiến lược

Là một trong gần hơn 4.000 TNXP từng tham gia mở đường 12B vào 60 năm trước, ông Nguyễn Như Uyên (SN 1937, khu đô thị mới Dịch Vọng, phường Dịch Vọng), Trưởng ban liên lạc của TNXP 12B nhớ lại, ngày ấy, Kim Bôi, Hòa Bình là nơi rừng thiêng nước độc, người ta thường nói: “Nước Kim Bôi, ma Hạ Bì”; “Yêu nhau cho thịt cho xôi, ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì”...

Đường 12B nối liền đường Hồ Chí Minh và QL6, được khởi công từ 15/2/1959, hoàn thành vào 31/12/1959, quả là một kỳ tích bởi chỉ với sức người, với đôi bàn tay, mà các TNXP đã làm nên con đường rộng 8m, dài 50km khi không có nền đường cũ, chỉ có đường mòn cho xe thồ, ngựa chở… ở một vùng rừng núi hiểm trở như Kim Bôi, Hòa Bình.


“Đội TNXP 12B do đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư thứ nhất đầu tiên của Trung ương Đoàn trực tiếp đứng ra chỉ huy, tổng cộng có 4.180 người, gồm cả cán bộ y tế, cán bộ giao thông, cán bộ đoàn từ Trung ương và đông đảo TNXP các tỉnh đã quyết liệt bám trụ, nỗ lực hết sức để ngày đêm xây dựng con đường. Hồi đó, tôi đang là học sinh lớp 10, được nhà trường cử đi làm đường 12B. Đội quân làm đường ngày ấy trẻ lắm, nhiều người chưa đến tuổi 20. Lúc đấy làm đường chỉ có các dụng cụ lao động thô sơ, chúng tôi phải phá núi đá, bạt đồi bằng búa, cuốc xẻng và vận chuyển đất đá bằng quanh gánh, sau thì có xe cút kít…”, ông Uyên kể.

Nhớ lại những ngày tháng đầy gian khổ nhưng hào hùng ấy, bà Trương Thị Thảo (SN 1937, ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) kể: “Tôi ở đơn vị TNXP 105 Hà Vĩnh Đông, là đơn vị của 3 tỉnh: Hà Nội, Hà Đông, Vĩnh Phúc. Hồi đó, ai cũng nhiệt huyết, nỗ lực hết sức mình. Buổi đêm, các anh con trai vẫn đi làm, ưu tiên con gái nên không gọi đi, nhưng chúng tôi vẫn đi theo, làm cùng”.

Để nâng cao năng suất, đảm bảo thời gian và tiến độ công trình, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công cụ lao động, các phong trào phát động thi đua được dấy lên. Bà Thảo vẫn nhớ, đợt thi đua “Bắt núi cúi đầu” là xẻ nửa quả đồi để đắp nền đường. Các TNXP tự đóng xe cút kít một bánh, làm phên chống nắng, chống mưa. Khí thế xẻ núi đắp đường, sôi động, từng mảng đồi sập đổ, từng đoàn xe cút kít chở đầy đất đá đổ xuống nền đường, mặt đường dần dần đã lên khuôn và phát triển nhanh chóng…

Còn đợt thi đua “Bắt sông uốn khúc”, là hàng ngày các TNXP phải nổ mìn lấy đá xếp kè suối, làm nền đường. Đoạn đường đá kéo dài vài trăm mét cũng được hình thành dần… Ngoài ra, còn có phong trào thi đua “Dậy trước mặt trời”, toàn công trường đi làm sớm, làm thêm giờ tạo không khí sôi động và hiệu quả năng suất tăng lên bất ngờ… “Từ bàn tay, khối óc và nhiệt huyết của các TNXP, cảnh âm u hoang dã của rừng núi Kim Bôi đã lùi dần. Đường mở đến đâu, xe bò, xe ngựa, xe thồ của người buôn đi theo đến đó, hàng quán, thợ may, thợ cắt tóc, thợ ảnh… dân cư đông dần lên”, bà Thảo nhớ lại.

Còn ông Nguyễn Như Phả (SN 1941, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể, hồi làm đường 12B, ông chưa đầy 18 tuổi, nhưng ngày nào cũng dậy từ 5h sáng khi trời còn tối om, làm đến tối mịt khi nào vai trầy hết, chai cứng lại, tay thì phồng rộp lên mới dừng lại. Trong rừng rất nguy hiểm, có người ở đơn vị Nam Định còn bị hổ vồ, cả đơn vị ùa ra mới cứu được. Khi đó, Kim Bôi là ổ của sốt rét, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch phải đưa đoàn chuyên gia của Liên Xô lên nghiên cứu chống sốt rét cho thanh niên, có người đã chết vì bệnh sốt rét.

“Sau khi hoàn thành con đường 12B, tôi về Hải Phòng công tác rồi được cử sang Liên Xô du học, về nước tôi công tác ở Hà Nội đến khi nghỉ hưu. Trở lại con đường 12B, tôi rất vui mừng và xúc động, con đường rất đẹp, nhà xây san sát, khang trang, cuộc sống của nhân dân hai bên đường đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, con đường này phục vụ cho việc chi viện miền Nam kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bây giờ giúp người dân phát triển kinh tế”, ông Uyên vui vẻ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.