Kinh tế

Kỳ vọng ở đột phá thể chế

17/02/2015, 13:51

Theo ông Trần Đình Thiên, nền kinh tế của chúng ta mới được hồi sức, song vẫn mang trong mình không ít thương tật.

121
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, bài học lớn nhất chúng ta nhận được qua khủng hoảng là những thành công dễ dàng không còn nữa. Năm 2015 và những năm tới, chúng ta buộc phải học cách đối diện, vượt qua khó khăn, thay đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế để kinh tế có thể phát triển bền vững.

Thành tựu vượt mong đợi, giá phải trả cũng không nhỏ

Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2014, nền kinh tế đã đi qua vùng đáy. Quan điểm của ông thế nào?

Năm 2014, kinh tế Việt Nam thấy rõ nhiều dấu hiệu phục hồi, thể hiện qua hai chỉ số cơ bản: Tăng trưởng GDP khá cao 5,98% - vượt qua nhiều dự đoán; Ổn định vĩ mô, biểu hiện qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm chỉ tăng chưa đầy 2% và tính bình quân cả năm cũng chỉ hơn 4% - cũng là một kết quả bất ngờ so với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm.

"Hội nhập là áp lực rất lớn cho nền kinh tế, theo hướng chúng ta đã cam kết ở đẳng cấp rất cao và chúng ta có những cơ hội thị trường rất lớn; Vừa là sức ép, vừa tạo điều kiện để chúng ta vươn lên trình độ thể chế cao, cải thiện năng lực cạnh tranh, từ đó tạo ra sự nhảy vọt về chất. Do vậy, 2015, chúng ta phải nỗ lực cải cách thể chế để vươn lên tầm cao của hội nhập, của các cam kết hội nhập đòi hỏi và đó chính là cơ hội lớn của nền kinh tế”.

Ông Trần Đình Thiên

Ngoài ra, nhiều mặt hoạt động khác cũng có kết quả rất tích cực. Chẳng hạn, hoạt động xuất khẩu, sau nhiều năm nhập siêu, chúng ta xuất siêu hơn 2 tỷ USD, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, đặc biệt là trước nhiều lo ngại tác động tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên biển Đông…

Dự trữ ngoại tệ, chúng ta cũng tăng được một lượng đáng kể. Ngân sách năm nay cũng vẫn vượt thu, dù chúng ta rất lo lắng khi doanh nghiệp khó khăn, phá sản hàng loạt...

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung, để đạt được những kết quả nói trên, chúng ta cũng phải trả những cái giá không nhỏ. Chẳng hạn, tăng trưởng GDP của chúng ta vẫn dựa nhiều vào đầu tư từ khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Khu vực nông nghiệp, nông thôn của chúng ta năm nay vẫn khá, nhưng tỷ trọng lĩnh vực này còn rất nhỏ. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp (DN), kể cả DN Nhà nước (DNNN) cũng như DN tư nhân vẫn yếu ớt.

Mặt khác, chỉ số lạm phát thấp giúp giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế, tạo tiền đề giảm mặt bằng lãi suất, song cũng cho thấy, sức khỏe của DN cũng như sức mua của dân còn thấp.

Có điều gì chúng ta có thể làm tốt hơn nữa, thưa ông?

Có thể nói, nền kinh tế của chúng ta giống như một người bệnh, chỉ mới được hồi sức, song vẫn mang trong mình không ít thương tật. Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tiến triển tái cơ cấu kinh tế rất chậm so với mục tiêu, kỳ vọng. Chẳng hạn, khu vực đầu tư công, dù chúng ta đã rất quyết liệt, song vẫn còn lãng phí, dàn trải.

Hay cải cách DNNN, đến nay mới chỉ cổ phần hóa (CPH) được hơn 100 DN, số lượng ít ỏi mà chất lượng CPH đứng trên quan điểm tái cơ cấu chưa cao, cả ở khía cạnh tỷ trọng vốn được thay đổi chủ sở hữu lẫn thay đổi cấu trúc quản trị. Tương tự, khu vực ngân hàng, xử lý nợ xấu vẫn khá trầy trật, sở hữu chéo còn đó nhiều thách thức…

122

Năm 2015 và những năm tới cần chú trọng phát triển nhân lực công nghệ cao, gắn với năng suất, hiệu quả - Ảnh: Trần Hải

Trông chờ, thụ động là “tự sát”

“Di sản” nào của năm 2014 có thể kế thừa cho năm 2015, thưa ông?

Có nhiều nỗ lực, dù chưa tác động ngay đến thành quả của năm, nhưng tôi tin là sẽ tạo đà cho nền kinh tế năm nay. Ví dụ, Luật Đầu tư công có nhiều điểm sửa đổi giúp tránh tầm nhìn ngắn hạn, tình trạng xin cho, dàn trải... Luật DN vừa được thông qua mở ra cho khu vực DN nhiều quyền hơn, giảm bớt lệ thuộc vào các thủ tục hành chính từ phía các cơ quan quản lý.

NN cũng cải cách một số “trận tuyến”, có tính chất mở đường như xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân trong thực hiện mục tiêu giảm thời gian nộp thuế của DN, giúp DN tiết kiệm hàng trăm giờ mỗi năm trong thực hiện thủ tục này. Hay việc gắn trách nhiệm cá nhân với CPH DNNN đã thúc đẩy hoạt động này tại một số bộ, ngành, trong đó điển hình là tốc độ CPH trong khối DN GTVT… Thực tế cho thấy cách làm này đã tạo ra chuyển động rất mạnh và có tính gợi ý rất cao.

Bao trùm lên, tôi cho rằng cách tiếp cận thị trường trong tư duy của Chính phủ rất tốt. Ví dụ, quan điểm phân bổ nguồn lực phải dựa trên cạnh tranh, giá cả thị trường chứ không phải dựa trên mệnh lệnh hành chính. Điều đó định hướng cho chúng ta xử lý những vấn đề cốt lõi về giá, như giá điện, giá đất đai...

Cùng với đó, chúng ta cũng ráo riết đàm phán những Hiệp định thương mại tự do với những cam kết rất mạnh như: Hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định tự do thuế quan với Nga, Belarus, Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (PPP)… Mặc dù chưa đạt được kết quả cuối cùng nhưng đó cũng là những điểm rất sáng, khẳng định quyết tâm hội nhập, quyết tâm vươn lên đẳng cấp cao trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn.

Tăng trưởng kinh tế của chúng ta nhiều năm qua có phần trông chờ, phụ thuộc vào nhiều lợi thế có sẵn như: Khai thác khoáng sản, nông nghiệp… Nhưng bước sang năm 2015 và những năm tới, những lợi thế đó giảm dần, mà việc giá dầu giảm là một dẫn chứng. Bài học cho chúng ta là gì và chúng ta có thể thay thế bằng nguồn lực nào?

Bài học quan trọng chúng ta nhận được là những thành công dễ dàng không còn nữa và chúng ta buộc phải học cách liên tục vượt qua khó khăn. Càng trông chờ một cơ hội may rủi mới hay sự trợ giúp của Chính phủ sẽ càng làm chúng ta mất thời gian, tụt hậu, thậm chí là “tự sát”.

Do đó, năm 2015, không cách nào khác, chúng ta phải thay đổi mô hình tăng trưởng. Nông nghiệp lâu nay đặt mục tiêu tăng sản lượng thì nay phải tăng chất lượng. Hay thu hút FDI, phải nhằm mục tiêu không chỉ tạo ra sản lượng, việc làm mà phải kéo nền kinh tế tiếp cận sâu hơn với công nghệ hiện đại, cả trên phương diện kỹ thuật, quản trị. Chiến lược phát triển nhân lực cũng phải hướng tới nhân lực công nghệ cao, gắn với năng suất, hiệu quả…

Khi đó, giá dầu giảm cũng không phải là thảm họa. Ngân sách có thể giảm thu, song bù lại sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho cả nền kinh tế, từ đó giúp doanh nghiệp hồi phục, sức mua tăng lên và nhiệm vụ của Chính phủ là thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi ấy. Làm được như vậy, doanh nghiệp khỏe lên, ngân sách sẽ có nguồn thu, và khi đó giá dầu giảm có thể được nhìn nhận như một cơ hội tăng thu ngân sách, dù có thể chậm một nhịp, song bền vững...

Để cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, điểm đột phá là gì, theo ông?

Tôi cho rằng, đột phá có hai nghĩa thế này: Có những điều thị trường đòi hỏi bình thường thôi, nhưng ta không làm, hoặc làm chưa tới nơi tới chốn; nay ta làm đúng mức, đó cũng là đột phá. Tôi lấy ví dụ, tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN tư nhân, đó là đột phá, mặc dù thể chế thị trường là đương nhiên. Hoặc nỗ lực để có những tập đoàn tư nhân lớn, đó là đột phá, vì chả có nền kinh tế thị trường nào lại chỉ toàn DN vừa và nhỏ mà có thể bứt lên được...

Điểm đột phá quan trọng khác là trong cải cách hành chính bộ máy NN. Thực tế đã cho thấy, một số bộ, ngành đã đi trước, mở đường và đã tạo ra sức lan tỏa tích cực, như lĩnh vực GTVT, thuế, hải quan…

Theo ông, rào cản cải cách lớn nhất nằm ở đâu?

Rào cản nằm ở chính chúng ta, chúng ta chưa chịu thay đổi thôi chứ các mẫu hình có hết rồi.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.