Chính trị

Kỳ vọng vào một Chính phủ kiến tạo và hành động

11/04/2016, 07:38

ĐBQH bày tỏ tin tưởng đội ngũ lãnh đạo mới vừa có tính kế thừa, vừa có những nhân tố mới sẽ đoàn kết...

11

Ông Đặng Ngọc Tùng (Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam)

Các ĐBQH bày tỏ tin tưởng đội ngũ lãnh đạo mới vừa có tính kế thừa, vừa có những nhân tố mới sẽ đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực đổi mới mạnh mẽ, vượt qua những lực cản để góp phần đổi mới đất nước.

Tuần qua, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết phê chuẩn nhân sự theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn 3 Phó Thủ tướng và 18 Bộ trưởng, trưởng ngành.

Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, các ĐB bày tỏ kì vọng vào một Chính phủ kiến tạo và hành động, với những quyết sách năng động, nhạy bén, quyết liệt hơn nữa trong quản lý điều hành đất nước.

Ông Đặng Ngọc Tùng (Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam):

Kỳ vọng kiên quyết chống “ung nhọt” tham nhũng

Tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào Chính phủ mới được Quốc hội phê chuẩn lần này. Tôi thấy có nhiều thành viên trong Chính phủ mới gần gũi với người lao động và nhân dân, am hiểu về tình hình của đất nước. Tôi hy vọng Chính phủ mới trên cơ sở nguyện vọng, thực tế, phấn đấu đưa đất nước phát triển trong thời gian sắp tới.

Đặc biệt, Chính phủ mới phải cương quyết hơn nữa trong việc đấu tranh chống tệ nạn xã hội, phòng, chống tham nhũng, vốn là những ung nhọt trong xã hội. Kế đó, Chính phủ mới phải xây dựng nền kinh tế đất nước bền vững, tự chủ, không lệ thuộc vào bất kỳ nước lớn nào. Những năm vừa qua, kinh tế nước ta lệ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc. Nhập siêu ngày càng tăng. Các công trình Trung Quốc trúng thầu thường bị kéo dài tiến độ, chất lượng không tốt. Điều này làm nền kinh tế đất nước bị trì trệ. Tôi cho rằng, về đầu tư chúng ta cần tập trung vào những công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới chứ không nên đầu tư vào công nghệ lạc hậu của Trung Quốc.

Một điều nữa chúng tôi kỳ vọng là Chính phủ phải làm sao bảo vệ, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, đặc biệt ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải cương quyết, vững vàng, trên cơ sở ý nguyện của nhân dân. Tôi tin rằng, nhiệm kỳ này Chính phủ sẽ có những bước tiến, là một Chính phủ hành động, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân cả nước.

12

Ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM)

Ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM):

Kỳ vọng lời tuyên thệ được thực hiện đầy đủ

Sau khi Quốc hội bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo Nhà nước, không chỉ riêng các ĐBQH mà nhân dân, cử tri cả nước đều rất kỳ vọng vào đội ngũ lãnh đạo mới. Nhìn vào quá trình công tác, năng lực, học vấn của các đội ngũ lãnh đạo vừa được bầu, tôi thấy đặc điểm chung là đều rất căn cơ, tuổi bình quân trẻ hơn so với nhiệm kỳ trước. Vì vậy, hy vọng sẽ có sự đột phá trong quản lý, lãnh đạo, đưa đất nước lên một bước phát triển mới mạnh mẽ hơn.

Một điều đặc biệt lần này là chúng ta được chứng kiến nghi thức tuyên thệ hết sức trang trọng của các lãnh đạo chủ chốt nên cử tri chờ đợi, hy vọng lời tuyên thệ ấy sẽ được thực hiện một cách đầy đủ.

Tôi lạc quan và tin tưởng vào các lãnh đạo mới sẽ đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh, vững chắc hơn, nhưng đây chỉ là sự khởi đầu, vẫn còn 5 năm ở phía trước trong khi tình hình diễn biến phức tạp hơn. Về những vấn đề bức thiết, làm sao phải bảo đảm kinh tế phát triển bền vững chứ không nhất thiết phải đẩy mức tăng trưởng lên thật cao mà hiệu quả và chất lượng lại thấp. Phải đạt được mức tăng trưởng nhất định nhưng đảm bảo chất lượng, hiệu quả bền vững mới là tiêu chí quan trọng nhất, đủ sức giúp chúng ta cạnh tranh. Với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, chúng ta giữ vững môi trường hòa bình nhưng phải bảo đảm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

13

Ông Trần Du Lịch (TP HCM)

Ông Trần Du Lịch (TP HCM):

Kiên trì đổi mới, kiên trì hội nhập

Tôi hoàn toàn ủng hộ các thành viên Chính phủ, gồm 3 tân Phó Thủ tướng và 18 Bộ trưởng, trưởng ngành vừa được Quốc hội phê chuẩn. Tôi cho rằng, Chính phủ đã có sự chuẩn bị về nhân sự khá kỹ lưỡng, chọn được những người phù hợp với các vị trí. Những thành viên Chính phủ mới đều là những người có kinh nghiệm, có sự kế thừa, hoàn toàn không có sự bị động hay “đưa vào cho đủ”.

Chính phủ mới có nhiều thuận lợi, nhưng cũng sẽ đối diện không ít khó khăn. Tôi mong Chính phủ mới sẽ kế thừa những ưu việt của nhiệm kỳ trước là kiên trì đổi mới, kiên trì theo kinh tế thị trường và kiên trì hội nhập. Chính phủ nhiệm kì mới phải là một Chính phủ hành động và đổi mới trên 3 phương diện gồm: Đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đổi mới trong quản lý kinh tế và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

16

Ông Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận)

Ông Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận):

Sức bật mới, khí thế mới

Trong bộ máy Chính phủ lần này có những gương mặt mới, nhiều thành viên còn khá trẻ. Tôi tin tưởng với sự năng động, lợi thế của sức trẻ cùng với sức bật mới, khí thế mới, Chính phủ sẽ sâu sát, quyết liệt trong quản lý điều hành đất nước thời gian tới.

Nhiệm kỳ tới đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho bộ máy Chính phủ, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, với việc gia nhập và ký kết các hiệp định thương mại tự do. Tôi hy vọng sẽ có những điểm mới, điểm sáng trong lĩnh vực này. Hiện nay, cũng còn nhiều vấn đề nổi lên, như bảo vệ chủ quyền, biển đảo, liên quan đến đời sống dân sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý sử dụng đất đai... Đó là những vấn đề đang đặt ra và cũng là thách thức đối với các thành viên Chính phủ khóa mới.

17

Bà Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM)

Bà Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM):

Làn gió mới thổi vào công tác lãnh đạo, quản lý

Những lãnh đạo được lựa chọn lần này hầu hết là những gương mặt nổi bật, có nhiều hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực. Hơn nữa, công tác nhân sự lần này đã được Đảng chuẩn bị kỹ thông qua Đại hội Đảng vừa rồi nên nhân dân, cử tri đều rất yên tâm. Đặc biệt, 3 tân Phó Thủ tướng vừa được Quốc hội phê chuẩn đều rất “lão luyện” trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Tôi chia sẻ những khó khăn của nhiệm kỳ trước và kỳ vọng rất nhiều vào nhiệm kỳ này. Hy vọng đội ngũ lãnh đạo mới sẽ thổi làn gió mới vào công tác quản lý, lãnh đạo.

Tới đây, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, lớn nhất là thách thức về chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc. Muốn giữ vững chủ quyền, chúng ta phải đủ mạnh, có các đối sách ngoại giao, quốc phòng phù hợp. Nếu chúng ta đủ mạnh thì vị thế của chúng ta sẽ khác, không dễ quốc gia nào bắt nạt được.

Người dân chúng ta cần cù, đất nước ta có tài nguyên. Mọi người đều mong cống hiến, đóng góp xây dựng đất nước, nhưng vì chúng ta quản lý chưa tốt nên vẫn chưa thể giàu mạnh. Tôi kỳ vọng, nhân dân và cử tri đòi hỏi bộ máy lãnh đạo mới sẽ khắc phục được điều này.

14

Ông Chu Sơn Hà (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội)

Ông Chu Sơn Hà (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội):

Phải tập trung chống lãng phí

Bộ máy lãnh đạo được lựa chọn lần này đều đã được Đại hội Đảng “chọn mặt gửi vàng”, thông qua Quốc hội xác định một lần nữa những người đủ tư cách và khả năng đứng ra để gánh trọng trách nặng nề của đất nước trong giai đoạn mới, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn.

Bộ máy nhân sự lãnh đạo nói trên nhìn chung đã được trẻ hóa, năng động, có tư duy đổi mới, đặc biệt dám làm và dám chịu trách nhiệm. Họ luôn sẵn sàng đóng góp, cống hiến lớn cho đất nước. Tôi kỳ vọng và đó cũng là đòi hỏi của nhân dân, là nhiệm kỳ tới đây, họ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ để đưa đất nước thoát khỏi khó khăn.

Riêng về công tác cán bộ, tôi mong đội ngũ lãnh đạo mới sẽ đánh giá được thực chất cán bộ, ai tốt phải ghi nhận, ai chưa tốt phải đánh giá và xử lý một cách minh bạch. Về vấn đề bảo vệ chủ quyền, tôi muốn đội ngũ lãnh đạo mới sẽ thực hiện theo đúng tinh thần “tôi là người Việt Nam”, phải có bản lĩnh của dân tộc, không thể rời một tấc đất của Tổ quốc. Một vấn đề nữa theo tôi phải làm ngay, là tập trung chống lãng phí, bởi lãng phí nếu tính đầy đủ còn lớn hơn tham nhũng.

15

Ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

Ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

Chính phủ kiến tạo và hành động

Chính phủ kiến tạo và hành động là xu thế chung trên thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Song, để làm được điều đó, Chính phủ cần rút kinh nghiệm và xây dựng bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thực sự phục vụ nhân dân.

Nội các Chính phủ mới được kiện toàn gồm nhiều thành viên trẻ. Đây là bước đệm để tạo bộ máy Chính phủ mới với sinh khí mới. Những người trẻ thường được học hành bài bản hơn, có nguồn lực mạnh mẽ khi họ bước vào trọng trách mới. Nhưng cũng cần sự đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, nếu không sẽ không bao giờ đòi hỏi họ có được đổi mới mạnh mẽ.

Đội ngũ Chính phủ mới là cơ quan hành pháp nhưng các thành viên Chính phủ chỉ thực hành được trên nền tảng bộ máy trong sạch, minh bạch. Những người ở cơ quan hành pháp trực tiếp đối diện với người dân, nên Chính phủ mới phải cải tổ tổ chức bộ máy, giảm biên chế, phải tìm ra được phương thức hợp lý để tinh giản.

Danh sách 27 thành viên Chính phủ

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ngày sinh: 20/7/1954.
Quê quán: Xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

* Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Ngày sinh: 15/3/1957.
Quê quán: Xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

* Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình
Ngày sinh: 13/4/1955.
Quê quán: Xã Long Đước Đông, Cần Giuộc, tỉnh Long An.

* Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Ngày sinh: 26/3/1959.
Quê quán: Xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

* Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Ngày sinh: 3/2/1963.
Quê quán: Xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

* Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng
Ngày sinh: 25/8/1956.
Quê quán: Xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc.

* Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch
Ngày sinh: 20/4/1954.
Quê quán: Xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam.

* Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Ngày sinh: 10/7/1957.
Quê quán: Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

* Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Ngày sinh: 6/4/1964.
Quê quán: Quảng Ngãi.

* Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh
Ngày sinh: 17/6/1965.
Quê quán: Xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.

* Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến
Ngày sinh: 10/11/1962.
Quê quán: Xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

* Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung
Ngày sinh: 6/6/1962.
Quê quán: Xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

* Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ Mai Tiến Dũng
Ngày sinh: 8/1/1959.
Quê quán: Xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

* Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Ngày sinh: 5/8/1960.
Quê quán: Xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

* Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Ngày sinh: 10/5/1961.
Quê quán: Xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

* Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà
Ngày sinh: 20/1/1958.
Quê quán: Xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

* Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà
Ngày sinh: 19/4/1963.
Quê quán: Xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng
Ngày sinh: 11/12/1970.
Quê quán: Xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

* Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Ngày sinh: 23/9/1963.
Quê quán: Huyện Quảng Xương,tỉnh Thanh Hóa.

* Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa
Ngày sinh: 19/8/1958
Quê quán: Xã Cẩm Kim, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

* Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Ngày sinh: 3/6/1963.
Quê quán: Xã Tống Phan,huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.

* Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát
Ngày sinh: 25/5/1956.
Quê quán: Xã Yên Khang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

* Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu
Ngày sinh: 9/10/1959.
Quê quán: Xã Long Thuận,huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

* Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Ngày sinh: 2/7/1958.
Quê quán: Xã Tân Hòa,huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

* Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện
Ngày sinh: 27/3/1959.Quê quán: Xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

* Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Ngày sinh: 1/8/1959.
Quê quán: Xã Cẩm Hưng,huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

* Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông Trương Minh Tuấn
Ngày sinh: 23/9/1960.
Quê quán: TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.