Thị trường

Lạc lối giữa “mê trận” giá dịch vụ y tế xã hội hoá

Đứng trước “mê trận” của hàng trăm loại dịch vụ, bệnh nhân không thể phân biệt được đâu là dịch vụ xã hội hóa hay thông thường...

img
Người bệnh và người nhà xếp hàng dài chờ khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Hồng Hạnh

Dù đã có quy định niêm yết giá dịch vụ y tế tại bệnh viện, song đứng trước “mê trận” của hàng trăm loại dịch vụ, bệnh nhân không thể phân biệt được đâu là dịch vụ xã hội hóa hay thông thường, mà chỉ biết nghe theo lời bác sĩ.

Đáng chú ý, tại Bệnh viện Bạch Mai, nơi vừa xảy ra vụ nâng khống giá dịch vụ y tế xôn xao dư luận, bệnh viện này còn “quên” thay biển niêm yết, khiến nhiều người không biết đâu mà lần.

“Bảo đóng bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu”

Một ngày cuối tháng 9, tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Lê Thị Minh, người nhà bệnh nhân Lê Thị Sim (trú tại Bắc Ninh) sấp ngửa, ngược xuôi tìm nơi đóng viện phí vào sát giờ nghỉ trưa để kịp đưa em về nhà vào chuyến xe đầu giờ chiều.

Cầm trên tay hóa đơn hơn 30 triệu đồng, chị Minh cho hay: “Tôi cũng không biết gì đâu, họ bảo đóng bao nhiêu thì mình đóng bấy nhiêu thôi! Nhanh rồi còn về”.

Trong hóa đơn đóng tiền viện phí, các khoản được kê gồm: Cùng chi trả BHYT - 6,811 triệu đồng gồm phí ngày giường chuyên khoa 5,599 triệu đồng; xét nghiệm hơn 124 nghìn đồng; Thăm dò chức năng hơn 95 nghìn đồng, thuốc, dịch truyền vật tư y tế… khoảng 1 triệu đồng.

Cùng đó là khoản bệnh nhân thanh toán 100% (dịch vụ) gồm: ngày/giường chuyên khoa 23,490 triệu đồng; thăm dò chức năng và khác 120 nghìn đồng...

Còn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, anh Thắng (Thái Nguyên), một bệnh nhân cho biết, cách đây 1 tháng anh bị gãy chân vào nhập viện khi tình trạng chân bị nhiễm trùng nặng.

Lúc đó, anh chỉ nghĩ đến việc làm sao để chân nhanh khỏi chứ không quan tâm đến việc bệnh viện sẽ làm thế nào, dùng máy móc kỹ thuật gì hay giá cả thế nào. Hơn nữa, bệnh viện cũng chỉ thông báo ngày giờ làm phẫu thuật, còn tiền thì lúc thanh toán mới biết bao nhiêu.

“Chỉ nhớ, lúc làm phẫu thuật, bệnh viện có đưa ra thêm dịch vụ cắm máy giảm đau với mức chi phí 1 triệu đồng/ngày. Hầu hết chúng tôi đều chấp nhận vì không thể không dùng, bởi sau phẫu thuật rất đau”, anh Thắng nói và cho hay, phần lớn bệnh nhân đi khám và điều trị đều phụ thuộc hết vào bác sỹ nên cũng không thể tránh được việc “bác sỹ bảo làm dịch vụ gì cũng nghe theo”.

Đó cũng là câu chuyện của bệnh nhân Nguyễn Văn Hưng ở Ngọc Thanh, Phúc Yên, Vĩnh Phúc khi mẹ của bệnh nhân này chia sẻ: “Chỉ nằm viện thời gian ngắn để điều trị gãy chân nhưng khi ra quầy thanh toán làm thủ tục ra viện thì “choáng váng” với số tiền lên đến 43,8 triệu đồng.

Nhìn vào bảng thanh toán không biết con mình dùng những gì, giá bao nhiêu với những con số tóm tắt như tiền xét nghiệm 1.823.100 đồng; Tiền CĐHA và TDCN 1.756.900 đồng; Máu và chế phẩm máu 4.545.000 đồng; Thủ thuật 3.614.500 đồng; Phẫu thuật 4.676.000 đồng; Thuốc 4.603.998 đồng; Vật tư 11.456.639 đồng; Dịch vụ 7.145.040 đồng …”.

Đáng chú ý, tại Bệnh viện Việt Đức, ngoài công bố bảng giá dịch vụ y tế theo Bộ Y tế ban hành, còn treo thông báo về “khoản thu thêm ngoài phần viện phí theo quy định” khi thực hiện các kỹ thuật tại khu nhà kỹ thuật cao (nhà D) gồm phụ phí ngày/giường điều trị, phí phẫu.

Cụ thể, phí điều trị nội trú mức 220 nghìn đồng/ngày; phí ngày/giường hồi sức tích cực 1 triệu đồng/ngày; phí phẫu thuật loại đặc biệt là 3 triệu đồng/ca; loại 1 là 2 triệu đồng/ca…

Còn tại BV Phụ sản T.Ư, PV ghi nhận có tới hơn 700 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm được niêm yết theo hình thức xã hội hóa được treo ngay tại khoa khám bệnh.

Bệnh viện Bạch Mai “quên” thay biển niêm yết?

img
Dù đã có quyết định điều chỉnh song bảng giá dịch vụ xã hội hóa treo tại BV Bạch Mai ngày 29/9 vẫn theo giá cũ. Ảnh: Hoàng Vân

Ngày 29/9, ghi nhận tại khoa Khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai, PV Báo Giao thông dễ dàng quan sát 2 tấm bảng lớn công bố chi tiết giá dịch vụ y tế theo BHYT và dịch vụ kỹ thuật trên máy xã hội hóa.

Theo đó, có 61 kỹ thuật y tế hiện đang được thực hiện trên máy xã hội hóa, trong đó 49/61 kỹ thuật được Quỹ BHYT thanh toán một phần và một phần chênh lệch người bệnh cần thanh toán; 8 kỹ thuật xã hội hóa có giá bằng giá BHYT.

Đáng chú ý, trong 4 kỹ thuật mà người bệnh phải chi trả toàn bộ trong đó có 2 kỹ thuật có liên quan đến thiết bị nâng khống giá đó là: sử dụng Robot Mako trong phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng nhân tạo có giá dịch vụ 31 triệu đồng và Robot Rosa trong phẫu thuật thần kinh sọ não có giá 36 triệu đồng.

Trong kỹ thuật dùng máy xã hội hóa, có 8 kỹ thuật có giá bằng giá BHYT, còn lại được 1 phần BHYT thanh toán và chênh lệch người bệnh phải chi trả cùng từ 6.000- 11.210.000 đồng (tùy kỹ thuật), chênh lệch cao nhất là phẫu thuật sử dụng dao Gramma (trọn gói, có giá 40.000.000 đồng, được BHYT thanh toán 28.790.000 đồng và bệnh nhân chi trả 11.210.000 đồng).

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bảng giá đó đã “lỗi thời”, bệnh viện chưa kịp cập nhật bởi vừa qua sau rà soát, bệnh viện đã kéo giảm tất cả các giá dùng máy xã hội hóa về giá bằng với BHYT.

Vị này cũng trưng ra quyết định do Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai ký ngày 20/8, điều chỉnh giá 25 dịch vụ trên các máy liên doanh liên kết bằng giá Bộ Y tế ban hành, bao gồm các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, X-quang số hóa, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp can thiệp tim mạch; các dịch vụ thăm dò chức năng: hệ thống nội soi phế quản, nội soi dạ dày, đại tràng, điện não đồ vi tính…

Sau đó, ngày 1/9, bệnh viện tiếp tục có đợt giảm giá với 12 dịch vụ trên máy xã hội hóa đợt 2, bao gồm các dịch vụ chụp PET/CT, xạ phẫu bằng Gramma knife; hệ thống máy chụp can thiệp tim mạch chụp CT Scanner 64 đến 128 dãy…

Riêng với hai dịch vụ có sử dụng robot (liên quan đến vụ việc nâng không giá thiết bị liên doanh, liên kết đang được công an điều tra) đều đã dừng hoạt động. Theo đánh giá của ông Dương Đức Hùng, Phó giám đốc BV Bạch Mai, trên thực tế, 2 dịch vụ này “hoạt động không hiệu quả”!

Lý giải vì sao giá các dịch vụ liên doanh liên kết có giá cao hơn, hoặc giữa các Bbệnh viện chênh nhau, ông Hùng cho biết: “Bản chất liên doanh liên kết cho phép tính thêm các yếu tố đảm bảo tính đúng, tính đủ nên giá sẽ cao hơn giá dịch vụ y tế BHYT, vì giá BHYT mới chỉ tính có 4 yếu tố.

Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, sau khi rà soát lại các đề án liên doanh liên kết, giá dịch vụ y tế được đưa về bằng với giá BHYT”.

Khẳng định chủ trương liên doanh liên kết đã huy động được sự đóng góp kỹ thuật cao vào điều trị song ông Hùng cũng thừa nhận hành lang pháp lý còn thiếu sự chặt chẽ.

“Khi liên doanh, liên kết, bệnh viện có thể góp nhà xưởng, thương hiệu, nhân sự…. Về vật chất như nhà xưởng thì có quy đổi định giá nhưng thương hiệu bệnh viện, thương hiệu bác sĩ lại là giá trị phi vật thể, không thể định giá… như vậy rất thiếu cơ sở để tính toán giá một cách cụ thể. Để định giá cần sự vào cuộc của Bộ Tài chính”, ông Hùng dẫn giải.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc nâng khống giá thiết bị xã hội hóa tại BV Bạch Mai, Bộ Y tế đã liên tiếp ra văn bản yêu cầu các bệnh viện rà soát lại hình thức liên doanh liên kết tại đơn vị và báo cáo lại kết quả.

Để ghi nhận kết quả rà soát trên, PV Báo Giao thông đã gửi nội dung tới lãnh đạo Bộ Y tế nhưng tới nay vẫn chưa có phản hồi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.