Bảo hiểm

Lái xe càng vi phạm, mức đóng bảo hiểm càng cao

09/04/2017, 07:21

Những lái xe vi phạm trật tự ATGT hoặc gây tai nạn sẽ phải đóng mức bảo hiểm cao hơn.

5

Lái xe mất an toàn, hay để xảy ra tai nạn sẽ phải đóng bảo hiểm cao hơn người lái xe íthoặc không để xảy ra tai nạn - Ảnh: Tạ Tôn

Lái xe an toàn, bảo hiểm đóng thấp

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc dùng công cụ kinh tế thông qua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ phương tiện xe cơ giới để tác động vào hành vi của lái xe đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới. Những lái xe vi phạm trật tự ATGT hoặc gây tai nạn sẽ phải đóng mức bảo hiểm cao hơn. Ngược lại, những lái xe an toàn, chấp hành đúng các quy định pháp luật sẽ có mức đóng rất thấp. “Các nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế cho thấy, công cụ kinh tế có tác động rất lớn tới hành vi và trong nhiều trường hợp thậm chí hiệu quả hơn phương pháp hành chính mệnh lệnh”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, mức đóng bảo hiểm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Trình độ tay nghề, kỹ năng, thâm niên an toàn của người lái xe, phương tiện mà họ sử dụng, các thuộc tính chuyến đi... Để xác định được mức độ rủi ro hay an toàn của lái xe, phải qua thống kê, phân tích và sử dụng các mô hình tính toán có đầy đủ căn cứ khoa học. Những ai đã lái xe trong vòng 10 năm, 20 năm mà không có TNGT, mức đóng bảo hiểm rất thấp. Còn những lái xe có rủi ro cao, chẳng hạn những người là nam giới, tuổi từ 18 - 25, vừa mới nhận bằng, qua thống kê là những người hay gặp TNGT thì mức bảo hiểm phải đóng sẽ cao hơn. Lái xe vi phạm hoặc tai nạn phải đóng mức bảo hiểm cao, nhưng những năm sau đó lái xe an toàn thì mức bảo hiểm cũng sẽ giảm dần.

“Cách tiếp cận trên phù hợp với bản chất của bảo hiểm là dùng số đông để bù cho số ít trường hợp gặp tai nạn, lái xe nào có rủi ro cao, gây tai nạn nhiều, phải đóng bảo hiểm cao và ngược lại. Điều này giúp thị trường bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới vận hành một cách công bằng và hiệu quả hơn, dùng mức phí bảo hiểm như một công cụ kinh tế để tác động đến hành vi tham gia giao thông, khuyến khích người dân lái xe an toàn hơn. Đây là động lực về kinh tế có hiệu ứng xã hội rất tốt. Rõ ràng khi lái xe an toàn, tai nạn giảm, lợi ích với cộng đồng là rất lớn và những người lái xe an toàn như vậy xứng đáng được hưởng mức bảo hiểm thấp hơn những người khác”, ông Minh nói.

Cùng quan điểm này, ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm VN phân tích, quy định mức phí bảo hiểm bắt buộc của Bộ Tài chính đang áp dụng đồng hạng khi mà chúng ta chưa có quy định mức bảo hiểm phải tính theo mức độ rủi ro của phương tiện và người lái. Trong khi đó, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đều áp dụng hình thức lái xe an toàn nên được giảm phí đóng bảo hiểm. Phí đóng bảo hiểm sẽ được chia làm 3 mức: Khi người lái xe bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm thì hệ số phí bảo hiểm phải đóng là 1, lái xe càng an toàn sẽ được giảm xuống đến hệ số 0,6 hoặc lái xe mất an toàn hay để xảy ra tai nạn sẽ cộng lên 1,1 cho đến mức cao nhất là hệ số 1,7 tùy theo mức độ mất an toàn của lái xe. Nếu 2 hay 3 năm liên tục lái xe không bị TNGT sẽ được hạ một bậc phí bảo hiểm. Các năm tiếp theo lái xe an toàn sẽ được giảm tiếp. Khi lái xe bị hệ số phí bảo hiểm lên đến 1,7 sẽ phải phấn đấu giảm xuống, qua đó sẽ góp phần kéo giảm TNGT.

Ở góc độ người phải đóng bảo hiểm, ông Phan Đình Cương, Giám đốc điều hành Công ty CP xe khách Bắc Sơn (Sơn La) cho rằng, nếu việc này được thực hiện sẽ đảm bảo tính bình đẳng, quyền lợi cho cả lái xe và chủ xe, không thể đánh đồng người gây ra tai nạn nhiều với người lái xe an toàn, người được bồi thường bảo hiểm nhiều với người bồi thường ít. “Khi doanh nghiệp phải đóng phí bảo hiểm cao, chúng tôi sẽ điều chỉnh lái xe gắn với chế độ thưởng phạt. Từ đó, lái xe sẽ có ý thức hơn khi tham gia giao thông”, ông Cương nói.

Cần có cơ sở dữ liệu ATGT quốc gia

Để triển khai thành công phương thức đóng phí bảo hiểm nói trên cần thiết phải có hệ dữ liệu quốc gia được cập nhật đầy đủ, khoa học về mặt hạ tầng, môi trường giao thông, đặc biệt là về người lái, phương tiện và được chia sẻ với các cơ quan liên quan phục vụ cho quản lý ATGT. Theo ông Trần Hữu Minh, hệ dữ liệu này không chỉ theo dõi những vụ TNGT mà còn cần có khả năng ghi chép và lưu trữ lại những lỗi vi phạm về trật tự ATGT của người tham gia giao thông qua từng năm (như việc đỗ xe không đúng quy định, chạy quá tốc độ, không thắt dây bảo hiểm, uống rượu bia khi lái xe...). Nếu hệ thống cho thấy một cá nhân có dấu hiệu tái phạm cùng một lỗi trong một khoảng thời gian nhất định có thể áp dụng mức phạt lũy tiến.

“Việc xây dựng hệ dữ liệu sẽ còn nhiều khó khăn đặc biệt về nguồn lực. Tuy nhiên, muốn có một hệ thống giao thông an toàn và văn minh tôi cho rằng, chúng ta cần phải quyết tâm trước hết là hoàn thiện hành lang pháp lý, sau đó là tổ chức thực hiện. Đối với hệ dữ liệu quốc gia ATGT, do mang tính liên ngành nên cần phải có nghị định của Chính phủ mới thực hiện được. Theo tôi được biết, nội dung xây dựng Nghị định về thống kê báo cáo và chia sẻ dữ liệu về TNGT đã được đưa thành một trong những công việc trong kế hoạch Năm ATGT 2017 của Ủy ban ATGT Quốc gia”, ông Minh khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam, để thực hiện thành công cần quá trình tuyên truyền, vận động, cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở dữ liệu ATGT quốc gia, cần sớm được hình thành, kết nối giữa dữ liệu về TNGT, dữ liệu về người lái, phương tiện, để cơ quan bảo hiểm khi xác định mức bảo hiểm được khai thác, sử dụng dữ liệu này. Vì vậy, cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là mức bảo hiểm quy định đối với từng đối tượng”, ông Quyền nói.

Trong khi đó, ông Phùng Đắc Lộc cho biết, hiện Bộ Tài chính đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu về bảo hiểm và giao cho Hiệp hội Bảo hiểm VN điều hành. Tuy nhiên, hệ cơ sở dữ liệu này hoạt động chưa hiệu quả do các doanh nghiệp bảo hiểm không nhập dữ liệu. Trong khi văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể những loại dữ liệu bảo hiểm phải nhập và việc xử phạt nhiều doanh nghiệp bảo hiểm không nhập dữ liệu. Vì vậy, cần có chế tài quy định cụ thể, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp bảo hiểm hòa nhập với cơ sở dữ liệu chung thì mới được bán bảo hiểm.

Thế giới tính phí bảo hiểm ô tô thế nào?

Tại nhiều nước trên thế giới như: Anh, Mỹ... các công ty bảo hiểm ô tô quyết định mức phí bảo hiểm dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có ý thức tham gia giao thông của khách hàng. Hồ sơ giao thông của khách hàng là một trong những yếu tố quan trọng để các hãng bảo hiểm tại Mỹ cân nhắc quyết định mức phí. Qua đánh giá “tiền sự”, thái độ tham gia giao thông như vi phạm bao nhiêu lần, vì tội gì, mức độ và thái độ tham gia giao thông, các công ty sẽ đánh giá độ rủi ro “dính” TNGT ở mức nào để từ đó định mức giá bảo hiểm. Nếu khách hàng thường xuyên vi phạm giao thông, nhiều lần bị phạt vì vi phạm tốc độ, nguy cơ bị xếp vào “danh sách” có thái độ cẩu thả trong tham gia giao thông càng cao, đồng nghĩa, phí bảo hiểm sẽ tăng.

Tại Anh, nhiều công ty còn cân nhắc lối sống, tuổi tác... của khách hàng để tính phí bảo hiểm. Chẳng hạn, cùng mua bảo hiểm cho một loại xe tại Công ty Aviva nhưng người điều khiển xe trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm có thể phải trả phí cao hơn những người lớn tuổi, dày dặn kinh nghiệm hơn.

Trang Trang

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.