Hạ tầng

Lâm Đồng chi ngân sách "khủng" đầu tư các dự án giao thông

20/08/2021, 08:45

Giai đoạn 2021-2024, Lâm Đồng triển khai 12 dự án đầu tư công, trong đó 3 dự án giao thông được bố trí vốn lớn nhất lên tới 1.100 tỉ đồng.

HĐND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công với 12 dự án, trong đó 3 dự án giao thông chiếm hơn 50% số vốn ngân sách tỉnh bố trí giai đoạn 2021-2014.

img

Đầu tư nâng cấp mạng lưới giao thông thúc đẩy phát triển du lịch, mũi nhọn kinh tế tỉnh Lâm Đồng

Theo đó, HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 3 dự án sử dụng nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương. Các dự án này do Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông thuộc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư.

Đó là các dự án đầu tư xây dựng đường Cam Ly - Phước Thành có tổng chiều dài hơn 9,4Km, rộng 9m với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng đường tránh thành phố Đà Lạt từ chân đèo Prenn đến xã Xuân Thọ dài khoảng 9km, rộng 9m với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng;

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng, thực tế hiện nay, hạ tầng GTVT trên địa bàn thành phố Đà Lạt còn tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên và có xu hướng ngày càng gia tăng nghiêm trọng.

Một phần nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng GTVT đô thị còn thiếu tính đồng bộ, thiếu hệ thống đường vành đai khép kín để kết nối giao thông đối nội và đối ngoại. Do đó, việc đầu tư vào chuyến đường tránh theo quy hoạch góp phần điều tiết hạn chế phương tiện vận tải tập trung vào khu vực trung tâm thành phố, giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ các xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành đi các huyện phía nam với khoảng cách là 17,7km. Và việc đầu tư tuyến đường Cam Ly - Phước Thành là rất cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao đô thị theo quy hoạch được duyệt, tăng cường kết nối hạ tầng giao thông đô thị thành phố Đà Lạt với hệ thống giao thông đối ngoại của tỉnh.

Ngoài ra HĐND đã đồng ý dự án đầu tư xây dựng thay thế 5 cầu yếu với tổng mức 300 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là cầu Phước Cát nối hai huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) với Bù Đăng (Bình Phước) rộng 12m.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện trạng 05: cầu Phước Cát thuộc đường tỉnh ĐT.721, huyện Cát Tiên (tải trọng khai thác 18 tấn); cầu Đạ Nha, cầu Đạ Bộ thuộc đường tỉnh ĐT.725, huyện Đạ Tẻh (tải trọng khai thác 18 tấn); cầu P’Ré nối KCN Phú Hội, huyện Đức Trọng (tải trọng khai thác 12 tấn); cầu Ba Cản, huyện Lâm Hà (tải trọng khai thác 13 tấn) là các cầu yếu, tải trọng khai thác thấp làm giảm khả năng khai thác, kĩm hãm, không thúc đẩy giao thương phát triển kinh tế xã hội.

Việc đầu tư cầu 5 cầu này phù hợp với định hướng quy hoạch GTVT tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1202/QĐ- UBND ngày 24/6/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng). Qua đó góp phần thúc đẩy giao thương, đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ vận chuyển, góp phần phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Ngoài ra, Nghị quyết của HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng phê duyệt chủ trương đầu tư 6 dự án sử dụng nguồn ngân sách cấp tỉnh với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 3 dự án đầu tư đường giao thông khác, trong đó 1 dự án sử dụng nguồn bổ sung từ trung ương và 2 dự án sử dụng ngân sách của tỉnh.

Nghị quyết của HĐND giao UBND tỉnh có trách nhiệm bố trí vốn cho các dự án đảm bảo về thời gian quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công.

Chủ đầu tư các dự án chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án trình UBND tỉnh quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan. Khi triển khai dự án, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án theo chủ trương của Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.