Giao thông

Làm thế nào để có lực lượng trí thức giao thông mạnh?

03/04/2014, 21:07

Ngành GTVT đang đứng trước thách thức lớn, cần có những đầu tư thích đáng cho nguồn nhân lực khoa học công nghệ để đáp ứng được yêu cầu về đột phá phát triển kết cấu hạ tầng GTVT.

Ngành GTVT đang đứng trước thách thức lớn, cần có những đầu tư thích đáng cho nguồn nhân lực khoa học công nghệ để đáp ứng được yêu cầu về đột phá phát triển kết cấu hạ tầng GTVT.

Thiếu trí thức đầu ngành

Chiều 3/4/2014, Bộ GTVT phối hợp Hội KHKT Cầu đường VN tổ chức Hội thảo Đội ngũ trí thức trong phát triển bền vững kết cấu hạ tầng giao thông ở VN. Phó bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Ngọc Đông và Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức chủ trì Hội thảo.

Ông Ngô
Ông Ngô Thịnh Đức - Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN

Theo báo cáo được ông Ngô Thịnh Đức trình bày, nhân lực có trình độ đại học, trên đại học toàn ngành GTVT hiện có trên 23.000 người. Trong đó, lĩnh vực xây dựng hạ tầng có gần 7.000 người; Cơ khí công nghiệp gần 4.500 người; Vận tải, xếp dỡ gần 6.000 người; Khoa học và giáo dục gần 4.600 người; Quản lý nhà nước gần 1.300 người.

Trong giai đoạn vừa qua, công tác KHCN xây dựng kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông đã thu được những thành tựu cơ bản trên nhiều các lĩnh vực. Đội ngũ trí thức giữ vai trò chủ chốt trong quá trình đó.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Thịnh Đức, trước yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của đất nước cũng như của Ngành, xét về tổng quan, đội ngũ trí thức ngành Giao thông vận tải còn bộc lộ một số hạn chế.

Số lượng và chất lượng trí thức về cơ bản còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Ngành. Đặc biệt là trí thức có trình độ chuyên môn cao, chuyên gia đầu ngành còn ít, đội ngũ kế cận hẫng hụt. Trí thức GTVT có nguy cơ tụt hậu so với yêu cầu phát triển đất nước và so với một số nước tiên tiến trong khu vực ở một số trường đại học, cơ quan nghiên cứu, quản lý.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó vụ trưởng Vụ KHCN Bộ GTVT, nghiêm túc kiểm điểm lại, công tác KHCN trong giai đoạn vừa qua vẫn bộc lộ những tồn tại, yếu kém. Nguồn nhân lực còn thiếu nhân tố rất quan trọng là các chuyên gia đầu ngành, có chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm để chủ trì các đề án nghiên cứu lớn, có tính trọng điểm của ngành GTVT. Cơ chế quản lý đề tài còn có những điểm bất cập chưa huy động được lực lượng cán bộ khoa học ngoài ngành tập trung nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học công nghệ của ngành GTVT. Hoạt động KHCN phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác, duy tu, bảo dưỡng…cho hệ thống KCHT GTVT còn rất lạc hậu.

Các phòng thí nghiệm tuy đã được đầu tư, do hạn chế về kinh phí nên trang bị vẫn thiếu và chưa đồng bộ, nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình nghiên cứu, nhiều công nghệ mới không thể thí nghiệm và thực hành được trên trang thiết bị  hiện có. Tính thị trường trong nghiên cứu, ứng dụng KHCN hạn chế. Ứng dụng đưa vật liệu mới vào sản xuất chưa được quan tâm.

Theo Tiến sỹ Tống Trần Tùng – Phó chủ tịch Hội KHCN Cầu đường VN, công tác phản biện xã hội của trí thức độc lập và các tổ chức xã hội rất quan trọng, song chưa được khuyến khích. Cơ chế tài chính cho hoạt động này còn rất bất cập, đây là khó khăn lớn nhất của công tác.

Ưu tiên đào tạo nhà khoa học

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh kéo theo nhu cầu vận tải gia tăng. Tới giai đoạn năm 2020 dự báo vận tải hàng hóa và hành khách liên tỉnh sẽ tăng gấp 2,8 - 3,0 lần so với hiện nay tạo nên sức ép mà KCHT phải đáp ứng. Theo ông Trần Bảo Ngọc – Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GTVT, công tác của Bộ GTVT sẽ đặc biệt chú trọng nội dung phát triển, đào tạo nhân lực KHCN ngành GTVT trong quá trình đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.

Để giao thông đi trước một bước, cần đội ngũ trí thức GTVT lớn mạnh hơn nữa
Để giao thông đi trước một bước, cần đội ngũ trí thức GTVT lớn mạnh hơn nữa

Trong đó sẽ tập trung phát triển đào tạo nhân lực ngành GTVT, ưu tiên đào tạo các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Đào tạo trong nước và ngoài nước các chuyên gia đầu ngành công tác trong các cơ quan hoạch định chính sách và các tổ chức KHCN, tham gia các tổ chức quốc tế về GTVT là rất quan trọng, cần phải tìm ra cơ chế chính sách cho công tác này. 

Dựa vào định hướng phát triển ngành GTVT, đề nghị Bộ có đề tài nghiên cứu khoa học hoặc dự án về chiến lược phát triển đội ngũ trí thức KHCN cầu đường dài hạn, trung hạn và ngắn hạn ; Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi đối với đội ngũ trí thức KHKT cầu đường trẻ. Nghiên cứu phân loại, hoàn thiện các chức danh hiện nay như kỹ sư, kỹ sư trưởng, công trình sư, tổng công trình sư.

(Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến kỹ Nguyễn Xuân Trục – Hội KHKT Cầu đường VN)

Cùng đó, một vấn đề quan trọng không kém lúc này, đó là khuyến khích, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tin học và các kỹ năng quản lý, thực hành khác để tiếp cận, hội nhập vào khu vực và quốc tế.  

Đào tạo kỹ sư trình độ cao và công nhân lành nghề phục vụ cho các cơ sở khoa học công nghệ, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm: tiếp tục thực hiện và mở rộng mục tiêu, quy mô các dự án đào tạo kỹ sư tài năng trong các ngành GTVT. Hình thành các chương trình dạy nghề theo mục tiêu.

Theo TS Tống Trần Tùng, phải xuất phát từ bản chất của trí thức để sử dụng, phát huy sức mạnh của trí thức. Quan trọng nhất chính là phải tin tưởng, tạo điều kiện, tạo môi trường cho trí thức làm việc.

Phương hướng phát triển bền vững về cơ sở hạ tầng, khi kinh tế phát triển lên, đường bộ lúc đó không thể đáp ứng, mà cần đến các ngành vận tải khối lượng lớn, đi xa như hàng hải, theo ông Nguyễn Ngọc Hải – Tổng thư kí Hội Cảng đường thủy và thềm lục địa. Do đó phát triển mạnh nhân lực lĩnh vực này cần được các nhà quản lý  sử dụng lao động sớm xác định.

Kinh phí cho phản biện không lớn, song đóng góp của phản biện lại rất lớn, cần có quy chế rõ ràng để sử dụng trí thức, kinh nghiệm của các chuyên gia lớn tuổi. Để đội ngũ trí thức đóng góp tốt hơn cho Ngành, Bộ cần có quy định cơ chế để sử dụng đội ngũ trí thức trong các Hội. Cần quy định rõ công trình lớn là lớn đến mức nào thì cần có phản biện độc lập? Như hiện nay thì hoàn toàn cảm tính, nhà quản lý cảm thấy là lớn thì mời, cho rằng là chưa lớn thì không cần mời phản biện, ông Hải nêu ý kiến.

Để phát triển GTVT đi trước 1 bước tạo đột phá cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần một đội ngũ trí thức GTVT lớn mạnh hơn nữa. Đội ngũ trí thức GTVT hiện nay rất mỏng, vậy mà chưa có kết nối để sử dụng hết. Phải rất coi trọng các trí thức đầu đàn, quyết liệt tháo gỡ những lúng túng, trói buộc hiện nay để sử dụng lực lượng trí thức có nhiều kinh nghiệm, nhiều tâm huyết đóng góp vào các công trình, dự án lớn của ngành. Tới đây cần đưa ra được những chương trình cụ thể về xây dựng cơ chế chính sách để đào tạo, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ trí thức trẻ kế cận - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

                                                                                            Phương Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.