Hạ tầng

Lần đầu tàu "khủng" vào TP HCM qua luồng Soài Rạp

16/05/2014, 14:52

Sở GTVT TP HCM vừa cho biết, chiều 17/5 tới, lần đầu tiên tàu container tải trọng lớn của Nhật sẽ cập cảng SPCT qua luồng Soài Rạp.

Tại buổi họp báo sáng nay (16/5), Sở GTVT TP HCM đã công bố việc tàu container NORTHERN GENIUS (Nhật Bản) tải trọng 54.020 DWT sẽ cập cảng SPCT qua luồng Soài Rạp vào chiều 17/5/2014

Sơ đồ tuyến luồng Soài Rạp
Sơ đồ tuyến luồng Soài Rạp

Đây sẽ là con tàu đầu tiên có tải trọng lớn nhất lưu thông qua luồng Soài Rạp, mở đầu cho thời kỳ các cảng biển và luồng lạch ở khu vực TP HCM được nâng lên một tầm cao mới, có đủ năng lực tiếp đón các tàu trọng tải từ 50.000 DWT trở lên.

Ông Lê Hồng Minh - Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Dự án luồng Soài Rạp cho biết, tháng 4/2012, UBND TP HCM phê duyệt dự án đầu tư “Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2)” với tổng mức đầu tư 2.797 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn tài trợ của Vương quốc Bỉ trị giá 76 triệu Euro và 624 tỷ đồng vốn đối ứng của ngân sách TP HCM.

Mục tiêu chính của dự án trong giai đoạn này là nạo vét nâng cấp mở rộng luồng tàu và hệ thống phao tiêu báo hiệu đáp ứng yêu cầu thông qua tàu có tải trọng đến 30.000 DWT đầy tải và 50.000 DWT giảm tải ra vào cảng dọc trên sông Soài Rạp một cách an toàn.

Qua gần 14 tháng thực hiện, đến ngày 14/5/2014, khối lượng nạo vét đã đạt gần 12,4 triệu m3, đạt hơn 99% kế hoạch đề ra. Trên toàn tuyến từ KM0 đến KM54 đã cơ bản đạt theo như thiết kế. Hiện nay nhà thầu thi công đang rà soát làm sạch toàn tuyến. Dự kiến đến cuối tháng 5 sẽ hoàn thành công tác nạo vét và nghiệm thu công trình vào ngày 5/6/2014.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Tất Thành Cang - Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, dù dự án chưa hoàn tất nhưng do nhu cầu vận chuyển hàng hóa vào các cảng khu vực Hiệp Phước của các hãng tàu quá cấp thiết nên cảng SPCT đã có công văn đề nghị xem xét cho tàu có trọng tải trên 50.000 DWT sớm cập cảng SPCT.

Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở GTVT chủ trì đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để đưa luồng vào khai thác an toàn trong thời gian sớm nhất. 

Ông Tất Thành Cang - Giám đốc Sở GTVT TP HCM phát biểu tại buổi họp báo
Ông Tất Thành Cang - Giám đốc Sở GTVT TP HCM phát biểu tại buổi họp báo

Theo ông Nguyễn Lê Chơn Tâm - Phó Tổng Giám đốc cảng SPCT, từ hơn 100 năm nay, luồng Lòng Tàu đảm đương vai trò là thủy lộ chủ chốt kết nối giao thương giữa TP HCM với thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, luồng này đã biểu hiện những hạn chế như về chiều sâu (chỉ đạt 8,5 mét), lòng sông hẹp lại có nhiều khúc cua gấp.

“Sông Lòng Tàu chỉ thích hợp cho tàu hàng rời tải trọng 30.000 tấn và tàu container có sức chở 2.800 TEU. Giới hạn này cũng là điểm bất lợi cho sự phát triển của hệ thống cảng biển TP HCM” – ông Tâm nói.

Trong khi đó, sông Soài Rạp rộng từ 1 đến 3 km, chiều rộng luồng tàu ở thượng lưu là 120 - 200 mét và hạ lưu là 160 mét. Vì vậy, luồng này có thừa khả năng đón tàu 50.000 tấn đầy tải và tàu container 5.000 TEU ra vào SPCT và các cảng ở khu vực Cát Lái một cách dễ dàng.

Sự kiện tàu hàng 50.000 tấn cập cảng SPCT đánh dấu việc hoàn tất giai đoạn 1 của dự án nạo vét luồng Soài Rạp, với độ sâu 9,5 mét và 12,5 mét khi thủy triều lên. Và khi hoàn tất nạo vét giai đoạn 2 để hạ chiều sâu luồng tàu xuống 12,5 mét và 15,5 mét khi thủy triều lên, sẽ có các tàu trọng tải 80.000 - 100.000 tấn vào các cảng ở khu vực Hiệp Phước.

Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện hành trình trên tuyến sông Soài Rạp trong điều kiện có nhiều tàu lớn qua lại, Cảng vụ Hàng hải TP HCM đã khuyến cáo các tàu thuyền hành trình từ khu vực phà Bình Khánh về hạ lưu cần bám sát bờ phải, giữ khoảng cách an toàn với các tàu thuyền neo dậu tại các bến phao, khu neo; để phao báo hiệu màu đỏ bên trái phương tiện.

Trường hợp các phương tiện đi từ hạ lưu về phà Bình Khánh cũng cần bám sát bờ phải và giữ đúng khoảng cách; để phao báo hiệu màu xanh bên trái. Cùng với đó, nghiêm cấm các phương tiện cắt mũi tàu biển, hạn chế tối đa việc cắt mom; khi cần cắt qua luồng tàu biển, cắt càng vuông góc với luồng càng tốt; tăng cường cảnh giới, đảm bảo an toàn…

Mai Văn Huyên

 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.