Xã hội

Lần đầu tiên nữ đại biểu Quốc hội đề xuất một Dự án luật

17/02/2016, 10:13

Lần đầu tiên, một nữ đại biểu Quốc hội đã xin trình một dự án Luật là sáng kiến lập pháp của cá nhân.

DSC_0459
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh xin trình Dự án luật Hành chính công trước Thường vụ Quốc hội

Sáng nay (17/2), phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Điều đặc biệt tại phiên họp lần này là có một nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lần đầu tiên trong nhiệm kỳ có sáng kiến xây dựng Dự án Luật và xin trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 11 tới đây.

Nữ ĐBQH đó là bà Trần Thị Quốc Khánh (đoàn ĐBQH TP Hà Nội). Dự án luật Hành chính công là sáng kiến lập pháp của cá nhân bà, được bà cùng với các chuyên gia, các thành viên của Viện nghiên cứu Lập pháp soạn thảo.

Trong phiên làm việc sáng 17/2, bà Khánh đã trình bày trước Thường vụ Quốc hội Dự án Luật này, trên cơ sở đó, xin trình và bổ sung Dự án luật hành chính công vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và kỳ họp thứ 11 của QH vào tháng 3 tới.

Theo nữ ĐB Trần Thị Quốc Khánh, Dự án Luật Hành chính công được đại biểu và nhóm nghiên cứu của viện Lập pháp soạn thảo hướng đến triển khai thi hành Hiến pháp 2013 với điểm mới là tôn trọng quyền con người, quyền công dân và kiểm soát quyền lực, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế và thực tiễn thi hành pháp luật về hành chính công đang là những rào cản gây khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Từ đó, góp phần vào việc tăng tính hiệu quả, năng động của nền hành chính và tính cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Dự luât còn nhằm khắc phục và lấp đầy những khoảng trống trong nền hành chính công.

Cụ thể, nội dung Dự án luật hành chính công đề cao nguyên tắc nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hoạt động của cơ quan, tổ chức.

Mặt khác, để thực hiện nguyên tắc kiểm soát quyền lực của Hiến pháp, Dự án Luật còn tập trung quy định vấn đề kiểm soát hành chính công.

Nữ ĐB cũng nhấn mạnh, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang đặt ra những nhiệm vụ hết sức cấp bách là phải đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế, nền tài chính, quản trị công, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập sâu vào ASEAN, tham gia Hiệp định TPP. Nhiều bất cập. hạn chế của việc xây dựng, thực hiện pháp luật về quản lý hành chính Nhà nước ngày càng bộc lộ rõ, các cơ quan chưa có sự chia sẻ thông tin công, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu, các cổng TTĐT chưa tạo ra sự kết nối với người dân, rất ít lãnh đạo cơ quan điều hành công việc qua mạng. Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn thực hiện với phương thức thủ công, lạc hậu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin…

“Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2014, chỉ số phát triển chính phủ Việt Nam xếp hạng thứ 99 trên thế giới, giảm gần 16 bậc so với năm 2012. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến thấp, chỉ đạt 0,41 điểm, trong khi Singapore là 0,992 điểm; Malaysia là 0,667 điểm” - bà Khánh dẫn chứng và cho rằng, yêu cầu của Chính phủ là tăng cường môi trường, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hành chính công theo hướng tinh nhanh, hiện đại là tất yếu khách quan và rất cần thiết.

“Dự án luật Hành chính công xây dựng nhằm khắc phục những bất cập này, theo đó thuật ngữ Chính phủ điện tử lần đầu tiên sẽ được đề xuất sử dụng trong Dự án Luật, chứ không quy định chung chung là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước” – bà Khánh khẳng định. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.