Hạ tầng

Lãnh đạo tỉnh "bật mí" GPMB QL1, 14 siêu nhanh

17/09/2014, 07:26

Kỷ lục giải phóng mặt bằng hơn 84 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng của Dự án nâng cấp, cải tạo QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14) chỉ mất hơn một năm đã cơ bản hoàn tất.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao Bộ GTVT, lãnh đạo các địa phương và nhân dân triển khai quyết liệt và hiệu quả công tác GPMB QL1, QL14
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao Bộ GTVT, lãnh đạo các địa phương và nhân dân triển khai quyết liệt và hiệu quả công tác GPMB
QL1, QL14


Chính sách đúng, dân sẽ ủng hộ


Là địa phương được đánh giá là làm tốt nhất công tác GPMB Dự án mở rộng QL1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho biết: “Cả tỉnh có 74 km phải GPMB, trong đó có gần 5 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, hàng trăm hộ phải tái định cư (TĐC) nhưng đa phần người dân rất ủng hộ. Nhiều trường hợp chưa cần hoàn thành các thủ tục bồi thường nhưng dân đã tự nguyện bàn giao mặt bằng…”. Cũng theo ông Điền, để đáp lại sự ủng hộ lớn của người dân, dù công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành, nhưng UBND tỉnh vẫn yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, giải quyết kiến nghị để bảo đảm quyền lợi cho người dân.
 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 

Nhân dân vì lợi ích Quốc gia


Tôi biểu dương tinh thần yêu nước của người dân, đặc biệt là các hộ bị ảnh hưởng tại dự án. Việc ít khiếu kiện là do chúng ta đã thực hiện một cách công bằng, tuân thủ nguyên tắc công khai, công bằng, minh bạch với dân, đối thoại với dân để tìm ra phương án tốt nhất. Nếu không làm được điều đó thì không thể thành công. Đó là nguyên tắc và cũng là phương pháp làm việc. Nhân dân đã vì lợi ích Quốc gia mà chấp hành nên chúng ta phải làm sao bảo đảm tối đa quyền lợi chính đáng, ổn định đời sống nhân dân…”.

 

8 tập thể nhận Bằng khen của Thủ tướng


Tại buổi tổng kết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 tập thể có thành tích trong công tác GPMB Dự án mở rộng QL1A đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cho nhân dân và cán bộ các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Nông, Ban QLDA ATGT (Bộ GTVT) và Ban QLDA 7 (Bộ GTVT).

Ở khía cạnh khác, là một trong những địa phương có khối lượng GPMB lớn nhất, ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lại cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là làm sao lập được phương án bồi thường, GPMB một cách chính xác, thống kê, kiểm kê đầy đủ, xác minh nguồn gốc đất đai một cách rõ ràng. Chỉ có như vậy, người dân mới cảm thấy thỏa đáng và sẽ ủng hộ tối đa.

Cũng là một địa phương có số hộ bị ảnh hưởng lớn với hơn 6 nghìn trường hợp phải giải tỏa, di dời nhưng Hà Tĩnh là địa phương không phải cưỡng chế một trường hợp nào. Chia sẻ kinh nghiệm GPMB thành công, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Ở những tỉnh khác, thông thường việc thống kê, phân loại và áp chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người dân có thể có cách áp dụng khác nhau. Tuy nhiên ở Hà Tĩnh, chúng tôi luôn có sự kết hợp giữa tỉnh và huyện để làm công tác rà soát, phân loại, xây dựng phương án GPMB. Việc làm này nhằm mục tiêu thống nhất chính sách trong cả tỉnh, để không có sự khác biệt giữa các huỵện với nhau. Điều này tránh cho việc người dân ở mỗi huyện, trên cùng một tuyến đường, có nguồn gốc đất đai giống nhau nhưng lại được áp dụng các chính sách khác nhau dẫn đến so bì, khiếu kiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Đây chính là kinh nghiệm mà Hà Tĩnh rút ra được từ việc thực hiện GPMB nhiều dự án lớn trên địa bàn trước khi thực hiện GPMB QL1…”.


Đồng tình với điều này, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Kinh nghiệm của chúng tôi là vướng ở đâu, khâu nào thì phải xử lý ngay đến đó để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Không để những vướng mắc, bức xúc kéo dài dẫn đến tình trạng khiếu nại, so bì trong nhân dân, rất khó giải quyết”.


Đánh giá về quá trình thực hiện công tác GPMB, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Tôi đánh giá cao Bộ trưởng Bộ GTVT đã rất quyết liệt, thường xuyên bám sát tiến độ GPMB dự án, có nhiều chỉ đạo được thực hiện ngay tại hiện trường. Bên cạnh đó, hình ảnh một số Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi vận động, giải thích cho bà con về những chủ trương, chính sách của Nhà nước để bàn giao mặt bằng cho dự án đã tạo ấn tượng sâu sắc. Khi có chính sách đúng và được tuyên truyền đầy đủ, người dân sẽ ủng hộ”. 

Các nơi làm tốt, sao Bình Định chậm?


Đến nay đã có 20/22 tỉnh có các dự án mở rộng QL1 và QL14 đi qua cơ bản hoàn thành việc bàn giao mặt bằng. Chỉ còn hai tỉnh là Bình Định và Phú Yên tồn tại một số vướng mắc. Đặc biệt, tỉnh Bình Định vẫn còn gần 30% khối lượng công việc chưa xong.


Cho biết lý do chậm GPMB so với các tỉnh khác, ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Chúng tôi cũng đã cố gắng, nhưng khối lượng công việc rất lớn. Hiện vẫn còn 118 km chưa hoàn thành GPMB và hơn 7.600 hộ dân chưa thực hiện xong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Vướng mắc nhất là đoạn BOT Bắc Bình Định còn 527 hộ bị ảnh hưởng, hơn 200 hộ chưa tháo dỡ. Đến nay tiền chưa có nên không có để chi trả. Tình hình ngày càng phức tạp do người dân nhìn nhau không chịu bàn giao”.


Tiếp đó ông Hải cũng kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công các đoạn đã bàn giao. Cho máy móc vào san ủi phần mặt bằng đoạn đã bàn giao để bảo vệ. Đồng thời đề nghị Bộ GTVT cần có biện pháp xử lý nhà thầu yếu kém, không có máy móc, phương tiện thi công gây ảnh hưởng tâm lý người dân.


Trước sự ý kiến không hợp lý trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cắt lời ông Hải nói: “Các nhà thầu thực hiện dự án này là do UBND tỉnh giới thiệu, cực kỳ yếu kém. Nên nếu tỉnh có yêu cầu đuổi chỉ cần có văn bản, Bộ sẽ xử lý luôn trong tuần này”. 


Liên quan đến công tác GPMB tại Bình Định, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Tại sao các tỉnh khác làm tốt mà chỉ Bình Định chậm? Đến nay Bình Định cũng mới được trên 70%, chậm hơn nhiều các tỉnh khác”.


Phó Thủ tướng cho rằng, để đẩy nhanh phải khảo sát từng tuyến một. Phải trực tiếp xử lý từng gói, từng đoạn cụ thể, đối thoại trực tiếp với dân để tìm hướng giải quyết. Ví dụ, các nhà đầu tư BOT phải giải quyết kịp thời về tiền còn Nhà nước sẽ tạm ứng cho Bình Định làm một số khu tái định cư bức thiết.


Tiến Mạnh - Duy Lợi

 

Kỷ lục mới về GPMB


Dự án cải tạo, mở rộng QL1A từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên dài trên 1.500 km, đi qua 22 tỉnh, thành phố với khoảng 84 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do GPMB. Đặc biệt, trong đó có gần 5.300 hộ cần phải bố trí vào các khu tái định cư tập trung. Đây được coi là một kỷ lục về khối lượng công việc thực hiện GPMB. Tuy nhiên, một kỷ lục khác cũng lại được thiết lập, đó là chỉ sau hơn một năm, công tác GPMB trên đã cơ bản hoàn thành.   


Còn nhớ, khi bắt tay vào triển khai dự án, Chính phủ đã cắt cử 3 Phó Thủ tướng phụ trách dự án để bảo đảm các khâu: GPMB, tài chính và chất lượng thi công. Trong đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giao phụ trách khâu GPMB. Ngay từ giai đoạn đầu của dự án vào tháng 7/2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp giao ban giữa Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương yêu cầu khẩn trương tổ chức triển khai công tác GPMB. Đến nay, Phó Thủ tướng cũng đã chủ trì chỉ đạo thêm 5 hội nghị giao ban trực tuyến và nhiều lần kiểm tra trực tiếp tại hiện trường để đôn đốc, giải quyết các khó khăn trong công tác GPMB. Nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt nên nhiều vướng mắc chung về mặt thể chế chính sách trong công tác GPMB tại dự án này đã được tháo gỡ.


Để hoàn thành sớm công tác GPMB dự án quan trọng này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT và lãnh đạo các địa phương. Theo Phó Thủ tướng, chưa có dự án nào khối lượng GPMB lớn và khó như dự án này nhưng chúng ta đã thực hiện nhanh nhất từ trước tới nay.


Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Để có thành công như vậy là do có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Tỉnh nào Bí thư, Chủ tịch vào cuộc thì hệ thống bên dưới mới khởi động. Công tác tuyên truyền, phổ biến được làm tốt nên nhân dân ủng hộ. Đây là phương pháp cổ điển nhưng rất hiệu quả bởi các cụ đã bảo “nói phải củ cải cũng nghe”. Bên cạnh đó, vốn cho GPMB phải được ưu tiên hàng đầu, giải quyết sớm để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống. Các đơn vị thi công cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra áp lực GPMB. Thi công có khi hỗ trợ cần thiết cho người dân. Nếu thi công không gắn bó, lắng nghe dân, với chính quyền địa phương thì cũng không có mặt bằng để thi công”.

 

T.M

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.