Thời sự

Lấy kết quả công việc làm thước đo khen thưởng

08/12/2015, 07:26

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX chính thức khai mạc với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua...

1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội - Ảnh: Khánh Linh

Tới dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư T.Ư Đảng; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành T.Ư, địa phương và 1.800 đại biểu chính thức.

Chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân

Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư điểm lại những thành tựu nổi bật của đất nước trong 5 năm qua gắn với các phong trào thi đua - yêu nước trên tất cả các lĩnh vực, ở mọi tầng lớp nhân dân, đoàn thể, doanh nghiệp...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong suốt 67 năm qua, với trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015 và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.

"Những kết quả đạt được của phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua là rất to lớn, song vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều, liên tục. Nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Một số phong trào tác dụng lan tỏa chưa cao”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trình bày báo cáo tổng kết phong trào Thi đua yêu nước và công tác khen thưởng từ 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn  2016-2020, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư Nguyễn Thị Doan cho biết, trong 5 năm qua, công tác khen thưởng đối với người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu... đã có nhiều chuyển biến tích cực, chiếm trên 50% số bằng khen cấp bộ, ban ngành, đoàn thể, tỉnh, thành phố; chiếm 15% số bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc. Đối với giai đoạn 5 năm tới, chỉ tiêu đặt ra là nâng các tỉ lệ này lên tương ứng là 60% và 20%.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong 5 năm qua, ở ngành nào, cấp nào cũng có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành mình, đơn vị mình. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất, đã có hàng vạn đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước và xã hội; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, có sức lan toả trong cả nước.

“Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi nhưng cũng phải làm rõ ai thi đua với ai, hạn chế tối đa những chênh lệch về năng lực và điều kiện phấn đấu trong thi đua; bảo đảm hài hòa ba lợi ích: Lợi ích của người lao động; Lợi ích của tập thể, địa phương, đơn vị; lợi ích của xã hội. Công tác khen thưởng phải kịp thời, chính xác, đúng người, đúng việc, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo khen thưởng, đặc biệt quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen đột xuất; Chú trọng khen thưởng công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cùng ngày, Đại hội đã nghe một số báo cáo tham luận của các điển hình tiên tiến, xuất sắc như: TS. Nguyễn Bá Hải, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM, người trao tặng gần 1.000 thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị ở hơn 10 tỉnh, thành tại Việt Nam và một số nước khác; Đại tá Vũ Công Sơn, Phó Chính ủy vùng 4 Hải quân (Bộ Quốc phòng); Đại úy Sằn A Phật, Phó Đội trưởng, Đội an ninh Công an huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh); bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty Vinamilk...

2
Đoàn đại biểu Bộ GTVT do Bộ trưởng Đinh La Thăng làm trưởng đoàn tham dự Đại hội - Ảnh: Khánh Linh

31 đại biểu Bộ GTVT tham dự Đại hội Thi đua yêu nước

Tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, đoàn của Bộ GTVT có 31 đại biểu đến từ Bộ GTVT và các đơn vị thuộc ngành GTVT gồm: Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Chủ tịch Công đoàn GTVT Đỗ Nga Việt, lãnh đạo, đại diện các đơn vị như Vụ Tổ chức cán bộ, TCT Tư vấn thiết kế GTVT, TCT Xây dựng CTGT 4, Đại học Hàng hải VN, TCT Cảng hàng không VN, TCT Xây dựng công trình 545, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải, TCT Đường sắt VN, TCT Hàng không VN, TCT Hàng hải VN, TCT Công nghiệp tàu thủy VN…

Đặc biệt, đại biểu trẻ nhất trong đoàn của Bộ GTVT tham dự Đại hội lần này là nữ phi công Nguyễn Thị Ngọc Bích (SN 1987, quê ở Hải Phòng) - cơ phó của đội bay A321 của Hãng Hàng không quốc gia VN (Vietnam Airlines).

Mới đây, tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT, nữ phi công Nguyễn Thị Ngọc Bích đã được vinh dự đại diện cho tập thể phi công cũng như thế hệ trẻ của TCT Hàng không VN đọc tham luận điển hình tiên tiến. Trong đó, Ngọc Bích đã chia sẻ: “Lòng yêu nghề, tận tâm với công việc, luôn đặt an toàn và sự thoải mái của hành khách lên hàng đầu chính là động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Sau mỗi chuyến bay áp lực, vất vả, nhận được những lời cảm ơn, khen ngợi hay những cái bắt tay nồng ấm và sự hài lòng của hành khách là những phần thưởng quý giá nhất, là nguồn động viên quý báu để chúng tôi thêm yêu và gắn bó lâu dài với công việc đã lựa chọn”.

Cũng là một nữ điển hình tiên tiến được vinh danh lần này, tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines Tạ Thị Thu Hường 24 đã qua hơn 20 năm khoác lên mình bộ đồng phục của người tiếp viên hàng không. Trong 5 năm qua, tiếp viên trưởng Thu Hường 24 đã thực hiện được hơn 5.000 giờ bay, nhận được rất nhiều thư khen của hành khách và bằng khen, giấy khen của Bộ GTVT, Ban lãnh đạo TCT Hàng không VN và Đoàn tiếp viên.

Nữ tiếp viên trưởng chia sẻ, chị rất yêu công việc tiếp viên vì đây là công việc năng động, đòi hỏi tính kỷ luật, tinh thần đồng đội và đặc biệt khi chị được tham gia phục vụ trên những chuyến bay chuyên cơ chở các nguyên thủ quốc gia đi công tác trong và ngoài nước; được tham gia những chuyến bay đặc biệt để làm tròn trách nhiệm với Tổ quốc như đến những nơi đang có dịch bệnh lây nhiễm nguy hiểm, nơi đang có chiến sự khốc liệt xảy ra để chở những người lao động từ Libya về Việt Nam, hay nơi đang xảy ra rò rỉ chất phóng xạ - Nhật Bản trong đợt động đất, sóng thần năm 2011,… Chính nghề tiếp viên hàng không đã giúp chị trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.