Văn hóa - Giải Trí

Lễ hội Đền Hùng 2017: Rộn ràng những làn xoan cổ

06/04/2017, 06:59

Về miền đất Tổ những ngày đầu tháng 3 Âm lịch, đi đâu cũng bắt gặp những chương trình giao lưu hát xoan...

13

Các nghệ nhân phường xoan An Thái, xã Phượng Lâu dạy nhóm bạn trẻ đang tìm hiểu về nghệ thuật hát những làn xoan cổ - Ảnh: Khánh Linh

Về miền đất Tổ những ngày đầu tháng 3 Âm lịch, đi đâu người ta cũng bắt gặp những chương trình giao lưu hát xoan trên khắp địa bàn Phú Thọ. Các nghệ nhân vẫn say sưa với các làn điệu hát xoan, dạy và truyền nghề cho các thế hệ trẻ với mong muốn giữ lại những làn xoan cổ - hồn cốt văn hóa cổ truyền đất Tổ Vua Hùng.

“Thầy già, con hát trẻ”

Theo những làn điệu mượt mà, chúng tôi tìm đến Miếu Lãi Lèn - “Nhà hát Lớn” đầu tiên của Việt Nam thời Văn Lang (hiện là thôn Hội, khu 6, xã Kim Đức, TP Việt Trì). Đây cũng là nơi phát tích nguồn xoan cổ.  Đã quá trưa nhưng những thiếu niên khoảng 11-16 tuổi vẫn hăng say tập hát ngoài sân. Tiếp chúng tôi, ông Lê Xuân Ngũ - trùm phường xoan Phù Đức cho biết, lứa thiếu niên đó chính là những lớp kế cận, mọi người đều đang đợi khách đến để hát phục vụ. Năm nay, trong những ngày diễn ra Lễ hội đền Hùng, phường xoan thường tập trung đón tiếp các đoàn khách du lịch tại miếu, đình thay vì trong đền Hùng như trước đây. Hiện tại, trong đền Hùng chỉ có các CLB hát xoan phục vụ du khách.

Ông Đặng Xuân Hội, người điều hành phường xoan Phù Đức kể lại, từ khi UNESCO công nhận hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể, mô hình hát xoan trong TP và phường, xã được mở rộng, với nhiều tầng lớp khác nhau. Các nghệ nhân cũng tích cực các hoạt động truyền dạy cho thế hệ trẻ, hỗ trợ các trường học dạy hát xoan. Tuy nhiên, mọi người vẫn chỉ học truyền miệng ở nhà là chính chứ ít khi có thời gian tập trung để tập luyện. Phường chỉ truyền dạy vào tối thứ bảy hàng tuần cho các cháu thiếu niên, còn chị em phụ nữ tự tập một tuần 3 buổi tối.

Tại phường xoan An Thái, bà trùm Nguyễn Thị Lịch tiết lộ, phường có 2 buổi tập vào cuối tuần tại đình làng hoặc nhà văn hóa, cũng như truyền dạy cho các thế hệ học sinh. Theo các nghệ nhân cao niên trong làng, hầu hết các cháu học sinh bảo nhau rồi tự kéo nhau đến nhà để học hát. Hiện tại, phường An Thái có hơn 100 nghệ nhân, trong đó nghệ nhân lớn tuổi nhất 94 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 6 tuổi.

Không chỉ có phường xoan Phù Đức và An Thái, 2 Phường xoan gốc khác trong tỉnh Phú Thọ là Phường Thét và Kim Đái cũng mở rộng các thế hệ nghệ nhân kế cận. Phường Kim Đái cũng có 4 thế hệ hát xoan là thế hệ cao niên trên 85 tuổi, thế hệ thứ hai trên 75 tuổi và lớp trung niên, thanh thiếu niên.

Đưa hát xoan vào trường học

Theo ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Phú Thọ, hiện nay đã có 80/90 trường học trên địa bàn tỉnh đưa hát xoan vào giảng dạy trong các giờ học ngoại khóa. Điều khó khăn nhất trong công tác tổ chức này là làm sao cho thế hệ trẻ tiếp cận và hát được các làn điệu xoan cổ đúng nhất và không bị sai lạc. Do đó, tỉnh hiện chú trọng việc phổ biến, tuyên truyền, khuyến khích lớp trẻ tham gia việc học và giữ hát xoan gốc, thường xuyên mời các nghệ nhân truyền thống bồi dưỡng kỹ năng hát xoan cho sgiáo viên và học sinh, cũng như đào tạo nghệ nhân để có khả năng giảng dạy. Sau 4 năm, từ 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy ban đầu, con số này đã lên tới 100 nghệ nhân.

Tuy nhiên, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, theo đà phát triển của quy luật thị trường, nhiều điểm trong tỉnh không còn giữ nguyên bản chất gốc hát xoan ban đầu. Các bản gốc được biến tấu, dàn dựng tiết tấu vui nhộn. “Chúng tôi phải dạy và cố gắng giữ những bản xoan gốc. Cách cải biên chủ yếu để phục vụ khách cho đỡ nhàm chán, nhưng hát xoan gốc thì vẫn tốt hơn ”, ông Xuân Hội tâm sự.

Các thầy cô dạy nhạc sẽ được tập trung và được các nghệ nhân truyền dạy về xoan liên tục trong 10 ngày, rồi về dạy cho học sinh. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà trùm Nguyễn Thị Lịch, có thể do chỉ học trong 10 ngày nên các thầy cô không nhớ hết những tuyến vào, ra của bài hát nên đôi khi có những sơ suất. Còn những lời xoan, giai điệu và cách múa xoan không có gì sai. “Muốn học chuẩn thì phải 4 tháng liền. Tôi cũng hay về dạy cho các học sinh cho CLB trong trường mỗi ngày 1 tiết, thường xuyên trong 3-4 năm nay”, bà Lịch cho biết.

Tự bỏ tiền túi để duy trì di sản

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Đặng Xuân Hội luôn hào hứng mỗi khi nói về hát xoan và truyền nghề cho các thế hệ trẻ. Tuy nhiên, ông tỏ ra trầm ngâm khi nói đến kinh phí và những chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân. Theo đó, từ khi hát xoan là di sản, tỉnh Phú Thọ đã đưa di sản này vào tour du lịch trong ngày cho các du khách. Cứ mỗi tour, phường xoan được xã chi trả 500.000 đồng tiền bồi dưỡng. Số tiền này chia đều cho hơn 20 người tham gia phục vụ. Sau đó, Phường sẽ trích quỹ để bồi dưỡng thêm cho các nghệ nhân ít nhất 100.000 đồng/người. Sở dĩ, việc phường phải tự trích quỹ ra vì nếu không có tiền bồi dưỡng, nhiều người có thể nản và không muốn tiếp tục. Được biết, trong 1 năm, TP Việt Trì hỗ trợ cho các phường 30 triệu đồng để duy trì hoạt động. Số tiền này một phần trích bồi dưỡng cho các nghệ nhân, một phần để động viên các em nhỏ. Tuy nhiên, nhân lực ngày càng đông, kinh phí không đủ nên các nghệ nhân vẫn phải bỏ tiền túi để hoạt động. Trong khi đó, xã và địa phương không có hỗ trợ.

“Mới đây, xã Kim Đức đã giao chỉ tiêu mỗi tháng, 1 hoặc 2 phường xoan gốc sẽ về công viên Văn Lang để trình diễn vào tối thứ bảy hàng tuần. TP hỗ trợ hơn 1 triệu  đồng tiền xe, còn tiền công cho các nghệ nhân trình diễn do phường tự trích quỹ trả. Nhiều lúc mọi người cũng ngại đi vì không có kinh phí”, ông Xuân Hội cho hay.

Mặc dù có nhiều vất vả và thiếu kinh phí hoạt động nhưng các nghệ nhân trong làng vẫn say sưa với các làn điệu hát xoan , say sưa dạy và truyền nghề cho các thế hệ trẻ. Bởi lẽ, không ai muốn con cháu mình lớn lên sẽ mất gốc và quên mất những cái nôi của cha ông từ thời vua Hùng để lại.

Hát Xoan dần thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp

Ông Nguyễn Đắc Thủy cho hay, tỉnh Phú Thọ hiện nay có chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng/ năm cho 1 CLB để duy trì việc hát xoan , TP. Việt Trì hỗ trợ 30 triệu đồng/năm. Theo ông Thủy, UNESCO không muốn cho Nhà nước can thiệp quá sâu vào các hoạt động bảo vệ di sản của cộng đồng, mà phải do cộng đồng tự nguyện cam kết và bảo vệ mới có thể bền vững. Bởi lẽ, nếu Nhà nước quá chú trọng vào việc hỗ trợ tiền cho cộng đồng sẽ khiến cộng đồng có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước để làm việc.

“Nhà nước hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể chứ không phải cứ đầu tư tiền cho cộng đồng để cộng đồng bảo tồn di sản. Phương án bảo tồn là cộng đồng tự bảo vệ di sản của mình một cách tự nguyện, chứ Nhà nước không can thiệp quá sâu bằng vật chất. Điều đó sẽ biến cộng đồng bảo vệ di sản vì mục đích thương mại chứ không phải tự thân với di sản mà họ cho rằng đó là tài sản của mình. Hiện nay, các nghệ nhân được công nhận là nghệ nhân hát xoan và nghệ nhân ưu tú vẫn được hỗ trợ bằng tiền mặt chính sách của Nghị định 62/2014/NĐ-CP”, ông Thủy cho biết.

Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát xoan Phú Thọ, ông Thủy cho biết thêm, hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã khôi phục được 100% các di tích, đình làng gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhất là ở 4 làng xoan gốc như trùng tu Miếu Lãi Lèn, khôi phục đình An Thái, tu bổ và khôi phục đình Kim Đái, Bảo Đà. Đến nay, hát xoan đã đảm bảo các tiêu chí của UNESCO để thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp, có thể trở thành di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 12/2017. 

Năm 2011, hát xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 - 2020) ngày 7/11/2013. Dự kiến, kinh phí thực hiện đề án là 165 tỷ đồng. Đến nay, chặng đường đề án bảo tồn và phát triển di sản đã sang giai đoạn hai và chỉ còn 3 năm nữa là kết thúc.

Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, Thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất Tổ Hùng Vương - Phú Thọ. Ngày 24/11/2011, Hồ sơ Hát xoan - Phú Thọ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.