Xã hội

Lênh đênh thương hồ

17/02/2015, 21:00

Ở ĐBSCL, có vô số người hành nghề thương hồ. Họ ăn uống, ngủ nghỉ và sinh hoạt ngay trên ghe hàng.

171
Buổi lên hàng của các ghe thương hồ

Mấy đứa con nít quê tôi ở tận miệt ngút ngàn xứ Cà Mau - Bạc Liêu bây giờ vẫn ngày ngày chờ tiếng kèn bin bin phát ra từ ghe hàng bông (một loại phương tiện bán hàng hóa trên sông). Tết đến xuân về, những chiếc ghe hàng này còn là những chiếc thuyền chở đầy văn hóa cho người dân vùng sâu của miệt sông nước Cửu Long...

Ba đời sống trên sông

Quê tôi nằm sâu trong vùng heo hút tận miệt Đồng Chó Ngáp (giáp ba tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau - Kiên Giang). Ở đây một tiếng gà gáy cả ba tỉnh đều nghe. Vì thế mà giao thương cách trở, mọi việc trao đổi, mua bán những nhu yếu phẩm hàng ngày đều được thông qua hệ thống ghe hàng chạy trên sông. Ngày tôi còn nhỏ, cứ mỗi lần má ngoắc ghe ông Hai Tiến (Nguyễn Văn Tiến, 64 tuổi) lại để mua gạo hay đổi dầu lửa, nước mắm… tôi đều đòi cho bằng được gói cơm gạo ngào đường.

Tôi hỏi ông Hai Tiến về quê quán, ông chỉ cười rồi bảo: “ Không nhớ rõ, chỉ nhớ mang máng quê nội ở Trà Vinh còn quê ngoại ở Ngã Năm (Sóc Trăng) gì đó”. Hai Tiến nói thiệt là mình cũng hổng nhớ chính xác đường về quê cha đất mẹ. Bởi, từ nhỏ ông đã theo cha mẹ trên chiếc ghe hàng rong ruổi khắp miền sông nước Cửu Long để bán hàng.

Đến khi cha mẹ ông qua đời, một người quen ở Thới Bình (Cà Mau) thương cho cái kiếp thương hồ mà cho đất chôn cất. “Tôi nối nghiệp thương hồ kể từ đó. Đến khi tôi lập gia đình, sinh con đẻ cái cũng trên ghe. Chúng nó lớn lên, tôi thuê người đóng thêm chiếc ghe giao cho tụi nó làm ăn”, ông Hai Tiến bùi ngùi kể lại.

Vùng sông nước Cửu Long có hàng vạn con sông lớn nhỏ, với hàng chục ngàn km chiều dài sông ngòi, kênh rạch nên ngay từ thời xa xưa, để áp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán các loại hàng hóa của người dân sinh sống len lỏi theo các con sông ở vùng sâu, vùng xa, ông cha ta đã nghĩ ra nghiệp buôn bán trên sông, phương tiện chủ yếu thời ấy là xuồng ba lá hay be mười… di chuyển bằng chèo.

Dần về sau khi “xã hội” thương hồ được hình thành, người ta đóng ghe tàu to hơn chạy bằng máy dầu để vận chuyển được nhiều loại hàng hóa. “Gần hết cuộc đời gắn với kiếp thương hồ, nay đây mai đó, tôi cũng không nghe ông bà xưa nói chính xác về mốc thời gian nghề này hình thành. Chỉ biết rằng cái nghề ăn ở trên sông ngót đã có hàng trăm năm…”, ông Tiến nói.

Trên khắp các con sông lớn nhỏ ở ĐBSCL, có vô số người hành nghề thương hồ. Họ ăn uống, ngủ nghỉ và sinh hoạt ngay trên ghe hàng của mình chứ ít ai có nhà riêng cố định ở trên bờ. Như trường hợp gia đình ông Tiến, cả nhà ba người sống trên chiếc ghe có chiều dài khoảng 10 m, bề ngang rộng độ chừng hơn 4 m. “Người theo nghề này phải có cái đầu tính toán chi ly. Vừa tính chuyện buôn bán làm sao có lời, lại tính chuyện thu hẹp diện tích ăn ở nhằm có nhiều chỗ trống để chứa đựng hàng hóa”.

172

Niềm vui người mua

Những ghe hàng trĩu nặng nghĩa tình

Nhiều lão thương hồ cố cựu khẳng định: “Nghề nào nghiệp nấy. Cần nhất là cái tâm của người làm nghề. Giữa người bán và người mua không đơn thuần chỉ là quan hệ cung cầu, mà ẩn sâu bên trong nó còn là cái tình, cái nghĩa ở đời…”.

Anh Nguyễn Văn Mi (con trai ông Tiến) tâm sự: “Mình đến với bà con vùng sâu thì phải biết họ cần những gì. Ngoài việc đáp ứng những nhu cầu họ cần, mình còn phải giúp họ nhiều việc khác. Nghĩa là có lúc nhà nào “ngặt nghèo” quá mình phải đầu tư cho họ gạo ăn (loại bao 50kg) theo kiểu gối đầu. Rồi có những lúc bà con nhờ mình sẵn chuyến đi bỏ hàng ngoài chợ huyện mua dùm họ thứ này thứ kia. Hay chuyển dùm tấm thiệp mời đám cưới, nhắn lời gia chủ mời thôi nôi, đầy tháng… những việc này mình làm không công là chính”, anh Mi giải thích.

"Người thương hồ vui khi lấy ghe làm nhà, quanh năm trôi dạt trên sông nước, bằng những chiếc ghe bầu. Dù là cơ cực nhưng rồi đời cha nối tiếp đời con cứ đeo mang nghiệp sông nước. Hai Tiến khẳng định rằng, “bất luận thời gian nhanh hay chậm, hễ còn sông nước Miền Tây thì chắc hẳn nghiệp thương hồ sẽ còn, nó như là một nét đẹp văn hóa của vùng đất Phương Nam”.

Có lẽ điều thú vị nhất nằm ở quy tắc “bất thành văn” mà bất kỳ tay thương hồ nào cũng phải tuân thủ. Đó là chuyện phân chia “lãnh địa” làm ăn, không được tranh giành hay mua bán theo kiểu chụp giật để câu mối.

“Thường thì khoảng chừng năm ghe được tập hợp thành một nhóm. Chúng tôi phân chia rõ ràng từng con kinh rạch để hành nghề. Trong trường hợp bà con cần hàng mà trên ghe mình không có thì chỉ cần a lô cho ghe bạn là có hàng đáp ứng ngay cho khách. Đặc biệt là thời gian gần Tết một tháng, bà con vùng sâu thường đặt hàng trước mà chủ yếu là những bộ quần áo mới cho trẻ em mặc Tết”, Ba Tuấn, một thương hồ nói.

Cũng theo Ba Tuấn, ngoài mùa Tết ra, còn mùa sôi động khác là những ngày sắp khai giảng năm học mới. Dân thương hồ ưu tiên chở tập vở, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập cho các em học sinh. Thời điểm này, bà con gọi chúng tôi là những “thuyền chở văn hóa”.

Những chủ ghe được các em đặt hàng đều phải ghi chép cẩn thận, để không thiếu một món nào. Điều tối kỵ của dân thương hồ sông nước là không lợi dụng tình thế chở hàng vào vùng sâu mà hét giá trên trời! Trên từng ghe hàng bông đều phải có bản giá niêm yết rõ ràng. Tuy là “chợ xa nhà vắng” nhưng người dân vùng nông thôn có thể thoải mái mua sắm vì chắc chắn không có chuyện mua lầm.

Ba Tuấn cười xởi lởi: “Bây giờ do nhu cầu của người dân tăng cao, nên chúng tôi ngoài việc bán những mặt hàng gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày còn bán thêm các mặt hàng khác như: Áo quần may sẵn, giày dép, nón, thẻ cào điện thoại… Cũng chính vì sự đa dạng này mà có người bảo vui rằng mỗi ghe hàng là một góc chợ thu nhỏ trên sông”.

Không muốn lên bờ

Vốn là nghề có từ thuở ông cha đi mở đất, nên nghề thương hồ ở phương Nam còn mang nét văn hóa riêng, đậm chất Nam Bộ. Đó chính là sự giao thoa văn hóa giữa các vùng trong khu vực. Mỗi ghe hàng đều có xuất xứ từ những vùng đất khác nhau, ấy thế nên khi họ hội tụ lại với nhau trên sông nước sau mỗi buổi chiều tà, người ta thường bắt gặp những bản đờn ca tài tử du dương, trải lòng người trên sông nước…

Đối với những con người như Hai Tiến, anh Mi hay Ba Tuấn thì chuyện tính toán tích góp để có ngày được lên bờ định cư là xa vời. “Chúng tôi được sinh ra và lớn lên không phải trên mặt đất, mà là lớn lên theo sự chông chênh của từng con nước. Không biết tụi nhỏ sau này như thế nào, chứ như đời chúng tôi chắc sẽ không thể xa rời những con nước thủy triều lên xuống hàng ngày”, anh Mi cười nói.

Còn ông Tiến thì nói chắc nịch rằng, bản thân ông từ nhỏ đã không tiền, không chữ, không đất cắm dùi... chỉ biết theo cha mẹ bám vào chiếc ghe mà sống. Cho nên bây giờ ông đã quen với công việc vào mỗi buổi sáng, đó là chuẩn bị xoong, chảo, bếp dầu... rong ruổi khắp ngõ ngách sông rạch bán hàng cho người dân quê. Hai Tiến bảo: “Mình sống được tới giờ này cũng nhờ vào sự “ưu ái” của bà con. Thôi thì gần hết đời mình cũng ở vậy cho trọn cái tình với người dân quê”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.