Thế giới

Liberia: 50 bác sỹ chăm sóc cho 4 triệu người dân

08/08/2014, 11:18

Bộ trưởng Ngoại giao Liberia Augustine Kpehe Ngafuan: Vì dịch Ebola, "hệ thống y tế Liberia đang sụp đổ, người dân có thể chết ngay cả khi mắc những bệnh bình thường".

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 7/8, Bộ trưởng Ngoại giao Liberia, ông Augustine Kpehe Ngafuan cho biết: “Hệ thống y tế Liberia đang sụp đổ, người dân có thể chết ngay cả khi mắc những bệnh bình thường”.

Cả đất nước Liberia có 50 bác sĩ chăm sóc cho 4 triệu người dân
Cả đất nước Liberia có 50 bác sĩ chăm sóc cho 4 triệu người dân

Những bệnh nhân bị sốt rét, tiêu chảy không được chữa trị vì lúc này người dân Liberia vô cùng sợ hãi đến trung tâm y tế. Số người chết vì những loại bệnh đơn giản này có thể lớn hơn từ 3 đến 4 lần số người thiệt mạng vì virus Ebola. Mặc dù vậy, quan tâm lớn nhất và hàng đầu lúc này của chính phủ vẫn là đại dịch đang lan tràn Ebola.

Ông Ngafuan cho biết, “vấn đề tôi lo ngại nhất là không biết được bao nhiêu người sẽ thiệt mạng. Ngay lúc này đây, dịch bệnh đã nằm ngoài tầm kiểm soát và nhảy từ vùng này sang vùng khác”. “Dịch Ebola sẽ có tác động rất lớn, thậm chí hệ quả vẫn còn ngay cả khi khủng hoảng đã đi qua” - ông Ngafuan nói. 

Ông Ngafuan cho biết, “ngành y tế Liberia đang bị tàn phá vì dịch bệnh này, nó không chỉ lây cho người bình thường mà còn lây cả cho nhiều bác sĩ, y tá. Có kha khá nhân viên y tế thiệt mạng vì dịch bệnh này”. Số lượng bác sĩ, y tá được đào tạo vốn đã ít ỏi do nhiều năm nội chiến nay còn ít hơn vì họ bị nhiễm bệnh, cách ly hoặc sợ phải báo cáo công việc. Đất nước này đang chống lại đại dịch với ít ỏi 50 bác sĩ chăm sóc cho 4 triệu người dân.

Trong một cuộc phỏng vấn khác tại Washington, Bộ trưởng Ngoại giao Sierra Leone cho biết, “bệnh dịch Ebola đã vượt ngoài khả năng của 3 chính phủ Sierra Leone – Liberia - Guinea. Chúng tôi cần cộng đồng thế giới ủng hộ và cân nhắc những phản ứng toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng y tế toàn thế giới này”. 

Sierra Leone ước tính chi phí cho các biện pháp khẩn cấp từ tháng 7 đến tháng 12 tới sẽ vào khoảng 25 triệu USD nhưng ngân sách hiện nay chỉ có 7 triệu USD. Theo Bộ trưởng Y tế Liberia, chi phí cho giai đoạn này tại Liberia vào khoảng 21 triệu USD và có thể sẽ thiếu hụt từ 10 triệu – 15 triệu USD. Chưa kể đến, quá trình xây lại hệ thống chăm sóc y tế linh hoạt hơn sẽ tiêu tốn hàng triệu USD.

Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng y tế lần này một lần nữa cảnh báo thế giới trước khả năng tàn phá kinh tế của dịch bệnh. “Dịch bệnh xảy ra khiến nền kinh tế như thể bị ấn nút tạm dừng. Trường học không mở cửa, người dân bị cách ly và không đi làm”.

Đến nay, USAID - Cơ quan viện trợ quốc tế, cam kết hỗ trợ thêm 5 triệu USD và một nhóm nhân viên y tế khẩn cấp; Ngân hàng Thế giới cũng thông báo phân bổ 200 triệu USD để chống lại dịch bệnh Ebola khiến 932 người thiệt mạng và đã lây lan sang Nigeria.

Trang Trần (Theo Reuters)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.