Thị trường

Liên kết vùng trong tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam

03/04/2016, 13:27

Phát triển kinh tế vùng là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

khai-mac-hoi-thao-lien-ket-vung

Ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, ông Trương Quang Nghĩa - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư; ông Lê Thanh Quang - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung; bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN; ông Carl Georg Christian Berger – Đại sứ CHLB Đức tại VN đồng chủ trì phiên khai mạc.

Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại sứ quán CHLB Đức tại VN và Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung tổ chức. 

Phát biểu tại phiên khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ khẳng định, việc phát triển kinh tế vùng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện vẫn bộc lộ một số hạn chế. Vì vậy, thông qua hội thảo, những ý kiến, kinh nghiệm của các đại biểu sẽ đóng góp giúp việc phát triển kinh tế vùng đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.  

Ông Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu thảo luận, xác định rõ tính cần thiết của liên kết vùng và các yếu tố tác động đến phát triển kinh tế vùng như địa lý, văn hóa, lợi ích. “Mọi liên kết mà không có yếu tố lợi ích thì chỉ là hình thức. Vậy cần giải quyết yếu tố lợi ích như thế nào để khắc phục tình trạng VN có 63 tỉnh, thành cũng có nghĩa là có 63 nền kinh tế? Nguồn lực có hạn, nếu tỉnh thành nào cũng chỉ tính đến lợi ích của mình thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chung của kinh tế vùng, kinh tế đất nước”, ông Huệ nói.

Khẳng định Đức cũng như một số đối tác quốc tế hoàn toàn ủng hộ vấn đề thúc đẩy điều phối vùng tại VN, Đại sứ Carl Georg Christian Berger cho rằng, bên cạnh việc phát triển kinh tế vùng cần thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. “Tại sao lại không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song song với bảo vệ môi trường? Biện pháp này có thể đưa ra định hướng cụ thể cho phát triển vùng và củng cố hai mục tiêu thúc đẩy kinh tế và môi trường”, ngài Đại sứ nhấn mạnh.

Đại diện Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung với sự tự nguyện liên kết của 9 tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, ông Lê Thanh Quang kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho thí điểm triển khai Thể chế hóa cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Ban điều phối vùng, như một mô hình thể chế điều phối vùng tự nguyện chính thức có tính chất pháp lý. Ông Quang cũng cho rằng, do đây là mô hình hợp tác tự nguyện của các địa phương, vì vậy cần phân cấp cho Ban điều phối vùng trực tiếp điều phối chính sách phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng nhằm phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý cho các chương trình, dự án, công trình cấp vùng và các dự án đầu tư lớn của địa phương cần ưu tiên đẩu tư…

Trong khuôn khổ hội thảo, sau phiên khai mạc các đại biểu tiếp tục tham luận và đóng góp ý kiến tại các phiên họp “Lý luận, kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho VN” và “Chủ trương, cơ chế chính sách, thể chế phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng và tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.