Bất động sản

Liên tiếp chính sách "gỡ rào" cho thị trường bất động sản

03/01/2023, 10:46

Để giúp thị trường bất động sản sớm phục hồi, Chính phủ đã liên tiếp ban hành nhiều chính sách "gỡ vướng".

Liên tiếp "kê đơn thuốc bổ"

Thời gian qua, thị trường bất động sản đối diện nhiều khó khăn, mức độ quan tâm, thanh khoản sụt giảm so với những năm trước. Để giúp thị trường sớm phục hồi, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách "gỡ vướng". Những chính sách này được ví như liều thuốc bổ, giúp thị trường sớm vực dậy.

img

Thị trường bất động sản đặt nhiều kỳ vọng phục hồi trong năm 2023

Theo đó, trong 3 ngày liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện, chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản. Cụ thể:

Công điện số 1156 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế". Công điện 1156 của Thủ tướng Chính phủ gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Ngày 17/11/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg về việc Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, trước thực tế là có đến khoảng 70% dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại bị “vướng mắc pháp lý”, Quyết định số 1435 ban hành rất kịp thời, tác động tích cực ngay tức thì, lan tỏa, giúp cho thị trường bất động sản phần nào lấy lại “niềm tin”, ổn định một bước “tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư”.

Đồng thời tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp phải nỗ lực “tự cứu mình” để giữ “chữ tín” với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực.

Cơ quan này được yêu cầu rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững...

Tiếp đến là Công điện số 1164 "về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở". Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai tích cực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác theo Quyết định số 1435 về Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Tiếp tục làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, tích cực rà soát khó khăn, vướng mắc cho thị trường và trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp...

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Công điện số 1163 "về thị trường trái phiếu DN"; Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sớm có biện pháp chấn chỉnh để ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư.

Sau đó (10/12/2022), Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng năm 2022 thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240.000 tỷ đồng cộng với khoảng 200.000 tỷ đồng của room tín dụng 14% còn lại, sẽ có tổng nguồn vốn tín dụng khoảng 440.000 tỷ đồng để "bơm" vào nền kinh tế.

Cùng với đó Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án lùi thời gian áp dụng Nghị định 65, từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024.

Bộ này còn đề xuất cho phép DN được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Nhà nước hỗ trợ qua cơ chế, chính sách

Với những chính sách vừa được ban hành, các chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường sớm được "giảm đau", tiến tới phục hồi, phục hồi một cách minh bạch, bền vững.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận: “Dù còn khó khăn nhưng triển vọng của thị trường bất động sản là có. Thị trường địa ốc cần điều chỉnh, hạn chế đầu cơ quá đà, sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều. Có như vậy, thị trường mới có nền tảng phát triển tốt”.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoRA) chia sẻ, Nhà nước hỗ trợ thị trường thông qua cơ chế chính sách, pháp luật. Tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều tiết và chính cộng đồng doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu; đi đôi với xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu... để tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường, giúp DN BĐS vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường BĐS phục hồi, tăng trưởng theo hướng minh bạch, an toàn và bền vững.

"Các động thái quan tâm hỗ trợ của Chính phủ như làn gió mới giúp DN phấn khởi kỳ vọng, lan tỏa niềm tin tới các nhà đầu tư DN, người tiêu dùng", ông Châu nhấn mạnh.

Còn TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam đặt hy vọng, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1435) về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản sẽ đạt được những kỳ vọng của các nhà phát triển bất động sản trong việc tháo gỡ khó khăn cũng như sự tồn đọng về vấn đề pháp lý của các dự án trong thời gian qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.