Tài chính

Liên tục được điều chỉnh, gửi tiền ngân hàng nào hưởng lãi suất cao nhất?

17/03/2021, 05:35

Từ đầu tháng 3 tới nay, lãi suất tại các ngân hàng liên tục được điều chỉnh. Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất hơn 7%/năm.

img

Từ đầu tháng 3 tới nay, lãi suất tại các ngân hàng liên tục được điều chỉnh. Ảnh minh họa

Liên tục điều chỉnh

Đầu tháng 3 vừa qua, Techcombank là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng nhẹ 0,1–0,5%. Cụ thể, ở các kỳ hạn ngắn 1-8 tháng, lãi suất tăng 0,2-0,5%, các kỳ hạn 12-35 tháng lãi suất tăng nhẹ 0,1%, kỳ hạn 36 tháng cũng tăng 0,5% lên 5%/năm.

Tuy nhiên, đến ngày 15/3, Techcombank điều chỉnh biểu lãi suất lại lần nữa khi giảm nhẹ 0,1-0,2% tại các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng.

Hay tại VPBank, các kỳ hạn được tăng lãi suất là 2-5 tháng với mức tăng khoảng 2%/năm. ACB cũng tăng nhẹ không đáng kể 0,1% ở kỳ hạn ngắn 2-3 tháng.

Trong nhóm tăng lãi suất không có ngân hàng nào thuộc nhóm “big” 4 ngân hàng TMCP quốc doanh.

Ở chiều giảm, hồi tháng 2 một số ngân hàng Vietcombank, ACB, SHB… đã giảm lãi suất 0,1–0,4%.

Sang đến trung tuần tháng 3, một số ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ lãi suất huy động. Trong đó, Kienlongbank vừa giảm mạnh 0,3%. Kỳ hạn 3-5 tháng tại đây còn 3,7%/năm; Kỳ hạn 6-7 tháng về 5,9%/năm; Các kỳ hạn từ 10-11 tháng còn 6,1%/năm…

OCB cũng giảm 0,3% trên biểu lãi suất mới: Kỳ hạn 6 tháng còn 5,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 6%/năm, kỳ hạn 15 tháng 6,1%/năm... Hiện lãi suất gửi cao nhất tại OCB là 6,4%/năm áp dụng cho kỳ hạn dài 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ tại quầy.

Một số ngân hàng khác như DongABank, SeABank, PGBank, VietABank… cũng giảm lãi suất tiền gửi từ 0,05-0,3%.

Trong khi đó, một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietcombank hay BIDV vẫn chưa có động thái điều chỉnh lãi suất.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, một ngân hàng thuộc Top 4 đã có ý định tăng nhẹ lãi suất ở kỳ hạn dài trên 12 tháng kể từ đầu tuần này nhằm giữ chân khách hàng khi một số ngân hàng nhỏ đã điều chỉnh trước đó, đồng thời cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng tăng ở các kỳ hạn dài. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ngân hàng vẫn chưa có sự thay đổi nào.

Lãi suất cao nhất 7,4%

Xét về mặt bằng chung, lãi suất tiền gửi vẫn đang ở mức thấp, chủ yếu xoay quanh 3,5–4%/năm đối với các kỳ ngắn hạn và 6–7%/năm đối với các kỳ hạn trung và dài hạn.

img

Lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng

Theo thống kê, hiện nay lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 1 tháng là tại Sacombank với 3,8%, đối với kỳ hạn 3 tháng lãi suất cao nhất là 3,8% tại Eximbank, đối với kỳ hạn 6 tháng lãi suất cao nhất là 5,6% cũng tại ngân hàng này.

TS. Cấn Văn Lực: Việc lãi suất huy động tăng vừa qua chỉ mang tính cục bộ ở một số ngân hàng và việc tăng lãi suất này chủ yếu để tăng tính hấp dẫn đối với tiền gửi trong bối cảnh các kênh khác như chứng khoán, bất động sản cũng đang trở nên hấp dẫn hơn.

Tại kỳ hạn 12 tháng, Eximbank cũng đang đứng đầu thị trường khi huy động với lãi suất 6,3%. Eximbank cũng là ngân hàng áp dụng lãi suất tiết kiệm cao nhất với 7,4%, áp dụng cho kỳ hạn dài 24 tháng.

Theo TS Quách Mạnh Hào, giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Lincoln (Anh), mặt bằng lãi suất huy động tăng lên khá ở một số ngân hàng thương mại nhỏ nhưng giảm nhẹ tại một số ngân hàng lớn. Tính trung bình giản đơn thì mặt bằng lãi suất đang tăng nhẹ.

Trước triển vọng lạm phát, ông Hào cho rằng: “Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục thận trọng và kỳ vọng về lãi suất điều hành giảm thêm là không thực tế”.

Ở khía cạnh dự báo, hệ thống ngân hàng sẽ thận trọng hơn bởi nền kinh tế đang ở giai đoạn phục hồi, tín dụng tăng chủ yếu phục vụ cho việc trang trải chi phí doanh nghiệp, chưa phải tăng trưởng, thậm chí chạy vào thị trường tài sản. Lo ngại về nợ xấu cũng sẽ khiến các ngân hàng e ngại việc mở rộng tín dụng.

img

Kết quả xổ số Vietlott 13/3: Tìm người trúng giải độc đắc gần 100 tỷ đồng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.