Đường thủy

Loạn dịch vụ cứu hộ đường thủy

08/04/2021, 06:24

Hoạt động này rất phức tạp nên có những khu vực ở sông Hồng, sông Lô được mặc định chỉ một số nhóm nhất định...

img

Một phương tiện thủy không thắng được dòng nước ngược cầu Đuống được Đội chốt trực điều tiết giao thông cứu hộ, lai dắt thành công

Các nhóm cứu hộ thường tự phân chia nhau địa bàn hoạt động để ép giá. Thậm chí, nhiều phương tiện thủy không mắc cạn vẫn phải trả tiền để được “đảm bảo dịch vụ”. Hoạt động này phần lớn mang tính tự phát vì chưa có quy định cụ thể.

Hoạt động tự phát, vô tư ép giá

Nhiều năm qua, trên tuyến sông Hồng từ Việt Trì đến Hà Nội xuất hiện các nhóm chuyên làm dịch vụ cứu hộ, trục vớt phương tiện thủy gặp sự cố, chìm đắm. Các nhóm này thường dùng phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm có gắn cần cẩu, tời kéo… để cứu hộ phương tiện.

Một số thuyền viên cho biết, vào mùa nước cạn (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm) hoạt động này diễn ra sôi động nhất, bởi luồng lạch thay đổi, phương tiện dễ mắc cạn.

“Các nhóm kéo cạn thường phân chia nhau địa bàn, khi tàu mắc cạn, gặp sự cố chỉ thuê được đúng nhóm “quản lý” khúc sông đó, còn gọi nhóm khác cũng không đến”, anh Trung, thuyền viên một tàu chở hàng biển số Nam Định nói và cho biết, để tránh rủi ro, không ít phương tiện thủy phải trông cậy hoàn toàn vào các nhóm cứu hộ và nộp tiền thường xuyên cho những nhóm này.

Anh M.P, một thuyền viên khác cũng chia sẻ: “Có nhóm còn yêu cầu các tàu nộp tiền theo từng chuyến để khi mắc cạn được kéo ra ngay với giá rẻ. Tàu nào không đồng ý, khi gặp sự cố mới gọi thì họ đòi giá cao mới kéo. Có lần tàu tôi nộp thiếu tiền, khi bị mắc cạn trên sông Hồng phải trả 5 triệu đồng mới được kéo ra. Nếu không kéo kịp, tàu bị nghiêng, đắm thì tốn kém nhiều hơn”.

Tuy nhiên, khi PV hỏi rõ về nhóm cứu hộ trên, anh P. lắc đầu không dám nói, sợ nếu gặp sự cố sẽ không được hỗ trợ kịp thời.

“Để được “bảo lãnh” trục vớt, nhóm cứu hộ thu 300.000 - 500.000 đồng mỗi lượt tàu có hàng đi qua và phát cho phiếu thu. Khi tàu bị mắc cạn, gọi điện họ sẽ đến và cứu hộ ngay, chỉ cần bồi dưỡng 200.000 - 300.000 đồng. Còn tàu nào không đóng, lúc bị cạn phải trả 3.000.000 - 5.000.000 đồng”, anh P. thông tin.

Cũng theo một số thuyền viên khác, hiện luồng phức tạp nhất, nhiều phương tiện phải thuê “bảo lãnh” cứu hộ là đoạn Trung Châu - Cao Đại. Khu vực này hiện do nhóm cứu hộ của Công ty H.N thực hiện.

Đại diện một đơn vị quản lý bảo trì đường thủy cho biết, từng đi thực tế cùng phương tiện thủy chở hàng và chứng kiến nhiều phương tiện thủy không mắc cạn nhưng vẫn trả tiền cho nhóm cứu hộ, trục vớt để được “đảm bảo dịch vụ”.

Theo ông Việt, chủ một DN trục vớt đường thủy lâu năm ở khu vực Hà Nội, hoạt động này rất phức tạp nên có những khu vực ở sông Hồng, sông Lô được mặc định chỉ một số nhóm nhất định hoạt động. Hiện không có quy định nào về giá trục vớt mà chủ yếu do tự thỏa thuận.

“Tùy vào tàu to, nhỏ và mức độ phức tạp, giá cứu hộ, trục vớt có thể chỉ vài triệu song cũng có thể lên đến vài chục thậm chí vài trăm triệu đồng”, ông Việt nói.

Thiếu quy định cụ thể, rõ ràng

Theo thông tin từ Sở GTVT Hà Nội, hiện ở sông Hồng chưa có DN nào được đầu tư bài bản, hoạt động chuyên nghiệp trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Hiện đang có một số nhóm tự phát tổ chức hoạt động cứu hộ, cứu nạn, không có các phương tiện chuyên nghiệp, hiện đại. Thậm chí có tình trạng ép giá dịch vụ, gây mất ANTT.

Vừa qua, một DN đề xuất được thí điểm thành lập, hoạt động mô hình cứu hộ, trục vớt, cứu nạn phương tiện thủy trên sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội). Đề xuất trên được UBND TP Hà Nội thống nhất và giao Sở GTVT Hà Nội hướng dẫn DN thí điểm.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, sông Hồng thuộc tuyến đường thủy quốc gia nên cần được Bộ GTVT, Cục Đường thủy nội địa VN chấp thuận, phê duyệt mô hình thí điểm. Sau đó, DN báo cáo Công an TP Hà Nội, Sở GTVT và chính quyền địa phương để phối hợp giám sát, tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Trong khi đó, ông Phan Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN lại cho biết, Cục không có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận việc tổ chức thí điểm mô hình cứu hộ, trục vớt phương tiện thủy.

“Những năm qua, Cục Đường thủy nội địa VN giao, tổ chức đấu thầu dịch vụ điều tiết, hướng dẫn giao thông và chống tàu thuyền va trôi tại các “điểm đen” cầu vượt sông, khu vực luồng nguy hiểm. Chúng tôi không có thẩm quyền cấp phép hoạt động cứu hộ, trục vớt phương tiện thủy, nên đã hướng dẫn DN đề xuất, liên hệ cơ quan chức năng để làm thủ tục”, ông Duy nói.

Ông Dương Hải Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 4 cho biết, dù Luật Giao thông Đường thủy nội địa có quy định về hoạt động cứu hộ, tuy nhiên còn khá chung chung. Việc thiếu quy định cụ thể và chưa được tổ chức quản lý chặt chẽ nên hoạt động này phần lớn mang tính tự phát.

“Đây là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, nên trước hết cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho DN hoạt động, như điều kiện trình độ nhân lực, trang thiết bị, giá dịch vụ, thẩm quyền quản lý… Cùng đó cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước để đưa hoạt động này vào nền nếp”, ông Thanh đề xuất.

Vừa qua, Công ty TNHH MT&VT Thịnh Phong đã đề xuất được thí điểm hoạt động cứu hộ, trục vớt, cứu nạn phương tiện thủy trên sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Mê Linh. Phương án đầu tư thí điểm là sử dụng 700m2 đất bãi sông Hồng hoạt động trong mùa khô để làm bãi tập kết, sửa chữa phương tiện thủy. Đồng thời, sử dụng 4 phương tiện thủy cùng đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên môn, y tá… để thực hiện dịch vụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.