Thị trường

Loạt nhà máy Trung Quốc đóng cửa do thiếu điện, tác động gì tới Việt Nam?

30/09/2021, 20:05

Thiếu điện, loạt nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa dẫn đến lo ngại thiếu nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất của Việt Nam.

Nguyên liệu đầu vào chưa thể hiện rõ sự thiếu hụt

Giá một số nguyên liệu nhập khẩu có thể tăng trong ngắn hạn nhưng việc sản xuất của doanh nghiệp Việt chưa bị ảnh hưởng ngay.

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đưa ra tại họp báo thường kỳ Bộ Công thương chiều 30/9.

img

Một phần nguyên nhân của việc thiếu điện do giá than tăng cao

Ông Thành phân tích: Từ đợt dịch đầu tiên năm 2020 xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đã quen dần và có phương án ứng phó, chuyển hướng nhập nguyên liệu từ các thị trường khác thay thế.

Ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng ngày một rõ nét của việc thiếu điện. Một phần nguyên nhân của việc thiếu điện do giá than tăng cao.

Hiện tại, giá than nhiệt giao sau tại Trung Quốc đã tăng 29% sáu tháng qua, lên 780 nhân dân tệ, tương đương 120,80 USD/tấn vào ngày 19/9, theo Bộ Thương mại nước này. Giá than liên tục lập kỷ lục do lo ngại về an toàn mỏ và ô nhiễm khiến nguồn cung trong nước hạn chế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nguyên liệu đầu vào (giá than) phục vụ ngành điện, cũng như tình hình cắt giảm khí thải của Trung Quốc đã gây ra tình trạng thiếu điện, dẫn đến nhiều nhà máy phải đóng cửa. Đồng thời dẫn đến lo ngại sẽ thiếu nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất của Việt Nam.

Hơn nữa, tình hình dịch bệnh lần 3, lần 4 diễn ra phức tạp. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước bị giảm, thậm chí nhiều đơn vị thuộc các tỉnh thành phía Nam phải dừng hoạt động.

Chính vì vậy, nhu cầu nguyên liệu đầu vào chưa thể hiện rõ sự thiếu hụt và doanh nghiệp chưa đề cập vấn đề này.

"Thời điểm này chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào từ doanh nghiệp về chuyện thiếu hụt nguyên liệu sản xuất do tác động từ khủng hoảng, thiếu điện của Trung Quốc

Tuy nhiên, về lâu dài, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để trao đổi, nếu xuất hiện biến động đầu vào các nguyên liệu trong ngành công nghiệp thì sẽ có phương án ứng phó", ông Thành nói.

Năm 2021, cả nước vẫn có thể xuất siêu

Nhận định chung về hoạt động xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin: Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tháng 9 là tháng thứ hai liên tiếp hoạt động xuất khẩu có sự suy giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu vẫn ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.

Với diễn biến như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD.

“Sau 1 thời gian bị ảnh hưởng sâu, nhập siêu đã quay trở lại và đến thời điểm tháng 7, mức nhập siêu tương đối lớn, lên đến hơn 2 tỷ USD. Tuy nhiên đến tháng 8, mức nhập siêu chỉ còn hơn 100 triệu USD và tháng 9, xuất siêu đã quay trở lại với con số khoảng 500 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng”, ông Trần Thanh Hải cho hay.

Mặt khác, theo ông Hải, Việt Nam đang có những thuận lợi khi đang khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có lợi thế.

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 18,8% sau 9 tháng, là con số khá lớn. Trong khi đó, cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ tăng khoảng 7%.

Hiện nay, tăng trưởng nhập khẩu đang lớn hơn với 30% và sau 9 tháng, cả nước đang nhập siêu 2,13 tỷ USD, tương đương 0,8% kim ngạch xuất nhập khẩu. Đây là con số không đáng lo.

"Chúng ta còn 3 tháng quý IV, nếu không có biến động lớn về kiểm soát dịch bệnh, hy vọng rằng 3 tháng cuối năm là thời điểm các địa phương phía Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng và kết thúc cả năm 2021 ở cán cân cân bằng. Còn nếu thuận lợi hơn thì có thể có xuất siêu", ông Trần Thanh Hải khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.