Hàng hải

Loay hoay mở tuyến quốc tế mới đến cảng Cửa Lò

21/10/2022, 07:26

Để hoạt động hiệu quả khi mở các tuyến tàu container quốc tế trực tiếp từ cảng biển miền Trung, cần có các chính sách phát triển kinh tế.

Nhiều khó khăn mở tuyến mới

Chuyến tàu container cập Cảng Cửa Lò ăn hàng để đi Malaysia - Ấn Độ - Banglades là tuyến đường biển kết nối khu vực Bắc miền Trung Việt Nam và Kolkata (Ấn Độ).

Sau 5 tháng triển khai, tuyến tàu này đang duy trì khoảng 1 chuyến/tháng và đã có được 4 chuyến tàu. Điều này cũng được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho việc mở thêm những tuyến tàu đi quốc tế trực tiếp từ cảng biển miền Trung.

img

Tàu container cập cầu Cảng Cửa Lò được kỳ vọng là tiền đề thiết lập nhiều tuyến vận tải container từ khu vực miền Trung Việt Nam trực tiếp đi đến các cảng trên thế giới. Ảnh TH

Thế nhưng, ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông - đơn vị có tàu khai thác tuyến trực tiếp cho biết, việc mở tuyến mới cũng không mấy dễ dàng.

Theo ông Tiến, luồng Cửa Lò cơ bản đã đáp ứng được cho tàu có sức chở hơn 1000 Teus, nhưng vẫn phải lợi dụng thủy triều để hành hải. Nếu tàu làm hàng quá thời gian, sẽ rất khó khăn.

Ông Tiến đánh giá việc không phải cảng nước sâu là một trong những yếu tố gây bất lợi cho cảng biển như Cửa Lò trong việc phát triển các tuyến tàu quốc tế. Nếu không nạo vét luồng lạch, cảng sẽ bị hạn chế trong việc đón thêm những tuyến tàu mới.

Đại diện của Vận tải Biển Đông cũng cho hay: Việc mở tuyến mới đi thẳng Ấn Độ giúp chủ hàng tiết kiệm khá nhiều chi phí logistics, rút ngắn thời gian và chủ động hơn so với việc phải chuyển hàng qua cảng trung chuyển.

"Trước đây, hàng từ tỉnh này sẽ được chở ra Cảng Hải Phòng và từ đó xuất đi quốc tế. Tuy nhiên, khi muốn xuất hàng sang Ấn Độ, thường hàng sẽ phải qua một số cảng trung chuyển ở các nước khác", ông Tiến nói và nhấn mạnh: Khó khăn duy nhất hiện nay là nguồn hàng. Thực tế, chủ tàu phải tích hợp hàng từ nhiều nguồn và nhiều cảng để đảm bảo khai thác từ 80-90% công suất của tàu.

Cũng trăn trở không kém là ông Bùi Kiều Hưng, Tổng Giám đốc CTCP Cảng Nghệ Tĩnh. Ông Hưng cho rằng, mở tuyến là mong muốn của hãng tàu, cảng biển và tỉnh, nhưng để thành công vẫn cần sự phát triển của vùng và nguồn hàng.

Hiện nay, các địa phương như Thanh Hoa, Nghệ An, Hà Tĩnh... còn nhiều khó khăn, thị trường kém hơn các tỉnh phía Bắc - Nam. Do đó, tàu đi tuyến quốc tế chưa có đủ lượng hàng để vận chuyển thường xuyên.

Chủ tàu mong được hỗ trợ chi phí

img

Khi chân hàng ổn định, các tuyến tàu quốc tế sẽ hiệu quả

Có thể nói, nguồn hàng là một trong những yếu tố chủ chốt để các doanh nghiệp vận tải biển quyết định có mở tuyến vận tải hay không. Khi chưa có nguồn hàng ổn định, ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, với những khó khăn của chủ tàu hiện tại khi cập cảng Cửa Lò, nếu tỉnh Nghệ An có thể hỗ trợ về chi phí phần nào như một số địa phương như Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho chủ tàu.

Thực tế, khi ghé cảng sẽ mất thời gian và tốn thêm chi phí, nhất là hiện tại ở địa phương này không có vỏ container rỗng nên chủ tàu phải mang theo, mất thêm thời gian và chi phí.

Được biết hiện nay, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.

Theo đó, hãng tàu biển, đại lý hãng tàu hoạt động kinh doanh vận chuyển container thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 210.000.000 đồng/chuyến. Đây cũng là cách tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh áp dụng, dù khác nhau về mức hỗ trợ.

“Chúng tôi muốn thay đổi thói quen logistics và giai đoạn đầu, nếu có sự hỗ trợ sẽ giúp tăng hiệu quả. Tất nhiên, mục tiêu xác định ít nhất phải khoảng 6 tháng để dần hình thành thói quen cho các nhà xuất nhập khẩu”, ông Tiến nói.

Theo thông tin từ ông Bùi Kiều Hưng, hiện doanh nghiệp này đã trình đơn đề nghị hỗ trợ lên UBND tỉnh Nghệ An và đang chờ xem xét. Ông Hưng nhận định trước mắt, cần sự kết nối để hình thành một “chợ” và sau này, các khu công nghiệp phát triển, nhu cầu cao hơn, lượng hàng tốt hơn mới có thể mở thêm tuyến.

Để hỗ trợ cho hãng tàu và kích cầu, Cảng Nghệ Tĩnh đã ưu ái về chi phí xếp dỡ lấy ở mức thấp nhất, tàu vào được cập cảng làm hàng ngay, thời gian làm hàng nhanh hơn. Đồng thời, cảng cũng tạo điều kiện hết sức trong việc kết nối hải quan, làm các thủ tục liên quan.

Nói về luồng, ông Hưng cho biết luồng tàu tại khu vực Cửa Lò được công bố đáp ứng được cho tàu khoảng 30.000 DWT giảm tải, nhưng luồng chưa đáp ứng được kết cấu xây dựng. Hiện nay, luồng chỉ đón được tàu khoảng 20.000 DWT.

“Bộ GTVT đã có dự án nâng cấp luồng Cửa Lò từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai giai đoạn 2 do vấn đề kinh phí”, ông Hưng chia sẻ.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng biển VN Trần Khánh Hoàng, miền Trung có các “chân hàng” (các nguồn hàng sản xuất tại chỗ) khá yếu và chủ yếu dồn về Hải Phòng hoặc khu vực phía Nam. Bởi thế, để có thể phát triển các tuyến tàu container quốc tế, các địa phương cần có những chính sách thu hút đầu tư sản xuất hàng hóa, tạo nên hậu cần tốt. Đó là tiền đề để phát triển cảng.

“Các cảng tìm cách phát triển là điều cần được ủng hộ, nhưng cũng cần có cơ sở. Việc hỗ trợ chi phí cho các doanh nghiệp vận tải biển hoặc doanh nghiệp XNK để kích cầu tốt nhưng khó có hiệu quả vì việc dùng ngân sách để hỗ trợ không thể dài lâu. Quan trọng nhất vẫn là phát triển chân hàng”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.