Chuyện dọc đường

Lời cảnh báo từ vụ sập cầu dây văng ở Long An

19/11/2021, 06:47

Nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng vẫn có thể ập đến bất cứ lúc nào đối với chính cây cầu này cũng như đối với các cây cầu khác.

Vụ sập cầu dây văng Bình Phong Thạnh trên TL817 bắc qua sông Vàm Cỏ Tây đoạn qua huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An sáng 7/11/2021 vừa qua đã bộc lộ những bất cập trong các dự án xây dựng cầu cũng như công tác kiểm soát xe quá tải trên mạng đường bộ địa phương.

img

Sự cố sập cầu dây văng Bình Phong Thạnh nếu đủ yếu tố sẽ khởi tố vụ án hình sự

Tôi rất mừng khi gần đây các cơ quan chức năng đã rốt ráo hơn với việc kiểm soát trọng tải xe, nhằm hạn chế xe quá tải tàn phá cầu đường. Nhưng cũng cần phải nhắc lại lời cảnh báo từ vụ việc này.

Ngày 8/7/2011, Bộ GTVT đã có Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Một trong những “mục tiêu của Chiến lược đến năm 2020 là sẽ từng bước kiên cố hóa cầu cống trên đường GTNT; xóa bỏ hết cầu khỉ, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Cụ thể phần mục tiêu phát triển đối với kết cấu hạ tầng đã được khẳng định là “Đưa dần hệ thống đường Giao thông nông thôn vào cấp kỹ thuật, đường huyện đạt tiêu chuẩn đường tối thiểu cấp V, đường xã tối thiểu đạt cấp VI theo TCVN 4054:2005” và “Hệ thống cầu cống trên các tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch”.

Quyết định này quy định: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lập và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển Giao thông nông thôn của địa phương mình phù hợp với Chiến lược này; hàng năm có trách nhiệm báo cáo Bộ Giao thông vận tải và các Bộ liên quan về tình hình triển khai, thực hiện”.

Có thể thấy theo chiến lược phát triển này thì các tuyến đường huyện bao gồm cầu cống trên đó tối thiểu phải đạt cấp IV.

Thế mà cầu Bình Phong Thạnh nằm trên TL817 vượt sông Vàm Cỏ Tây có tổng chiều dài 190m do UBND huyện Mộc Hóa làm chủ đầu tư, lại được thiết kế là cầu dây văng chỉ với tải trọng 5T và bề rộng cầu 3,8m…

Chính báo Long An số ra ngày 7/2/2016 cũng phải cảm thán “Đến cầu dây văng Bình Phong Thạnh bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, kiểu dáng như cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, dừng lại vì đèn đỏ, phải chờ bên kia cầu qua hết mới có tín hiệu đèn xanh cho bên này qua, mà tiếc: Cầu quá đẹp mà sao lòng cầu quá hẹp”.

Xin được hỏi đơn vị nào là Tư vấn thiết kế, cơ quan nào đã phê duyệt và cây cầu đã thiết kế theo tiêu chuẩn nào? Được phê duyệt căn cứ vào những văn bản pháp quy kỹ thuật nào để cho ra đời một cây cầu phi tiêu chuẩn, phi kinh tế kỹ thuật như vậy?

Và sự cố đã xảy ra.

Theo báo chí đưa tin, khoảng 3h ngày 7/11, tài xế Nguyễn Duy Sỹ (sinh năm 1991), tạm trú phường Tân Vạn, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, điều khiển xe tải BKS 60C-566… lưu thông qua cầu Bình Phong Thạnh nằm trên TL817 đã làm nhịp dẫn phía mố B cầu dây văng bắc qua sông Vàm Cỏ Tây sụp đổ, hư hỏng hoàn toàn”.

Theo quy định của Thông tư 46/2015/TT-BGTVT thì “xe thân liền 3 trục có tổng trọng lượng khi chở hàng không được vượt quá 24T... mới được phép lưu hành bình thường các tuyến đường bộ”.

Thế mà, theo các cơ quan chức năng, chiếc xe gây ra vụ sập cầu dây văng Bình Phong Thạnh bắc qua sông Vàm Cỏ Tây có tổng trọng tải 48 tấn.

Vậy ai đã cho phép chiếc xe này lưu hành bình thường trên mạng đường bộ Việt Nam để đi vào TL817 của Long An và làm sập cầu dây văng Bình Phong Thạnh?

Cũng may là xe quá tải đi vào cầu dẫn lúc 3h sáng nên chỉ mới sập cầu dẫn và trên cầu, dưới sông lúc đó không có người và phương tiện nên không có thiệt hại về người.

Thế nhưng, nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng vẫn có thể ập đến bất cứ lúc nào đối với chính cây cầu này cũng như đối với các cây cầu khác được đầu tư xây dựng theo ý muốn chủ quan, bất chấp các yêu cầu về kinh tế kỹ thuật.

Vì muốn tạo điểm nhấn, muốn tạo cảnh quan, muốn làm sang hay vì lý do nào đó… người ta vẫn muốn tỉnh mình, huyện mình có một cây cầu vòm cuốn hay dây văng thay vì một cây cầu đơn giản, ít kinh phí, ít tiền bảo trì, bảo dưỡng.

Nguy cơ tai nạn lại càng thêm hiện hữu khi xe quá tải vẫn hoành hành và còn nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố khác nữa.

PGS. TS. Tống Trần Tùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.