Xã hội

Luật Báo chí 2016 sẽ tạo “cú hích” cho báo chí phát triển

21/06/2016, 13:19

Luật Báo chí 2016 tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đảm bảo sự chủ động, sáng tạo cho báo chí phát triển.

5

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc

Đó là khẳng định của ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & truyền thông) trong cuộc trao đổi với PV Báo Giao thông.

Bắt kịp xu thế báo chí hiện đại

Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Báo chí sửa đổi năm 2016. Ông có thể khái quát vài nét mới của Luật sửa đổi so với luật hiện hành?

Luật Báo chí 2016 có nhiều điểm mới như: Về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; Về đối tượng thành lập cơ quan báo chí cũng mở hơn so với Luật Báo chí 1999, theo đó cho phép các cơ sở giáo dục và tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài cũng được phép ra tạp chí khoa học; Cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết và chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí...

Có ý kiến cho rằng, những điều cấm trong Luật Báo chí khá rộng. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Tôi cho rằng, những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí được quy định khá cụ thể, rõ ràng hơn so với Luật Báo chí 1999, bổ sung một số hành vi như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng... Một số hành vi cấm đăng, phát thông tin cũng đã có sự tương thích với các quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, các hành vi bị cấm khác đã tương thích với Bộ luật Dân sự và các luật khác, đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Các hành vi quy định tại Luật này sẽ được cụ thể hóa trong Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực báo chí sẽ được sửa đổi trong thời gian tới.

Làm thế nào để quản lý tốt thông tin mạng?

Chúng ta khẳng định các thông tin trên mạng không phải là báo chí nhưng hoạt động lại có tính chất như báo chí, nếu tích cực thì rất tích cực nhưng xấu thì cũng rất xấu. Vậy cần phải có biện pháp gì để quản lý vấn đề này?

Đúng vậy, đó chính là vấn đề làm thế nào để quản lý tốt thông tin trên mạng. Thông tin trên mạng được truyền tải bởi các chủ thể khác nhau, do đó, phải căn cứ vào từng loại chủ thể để có biện pháp quản lý phù hợp.

"Trường hợp PV chưa được cấp thẻ nhà báo, tuy trong Luật không quy định về trường hợp này, nhưng thực tế thì cơ quan báo chí có thể cấp giấy giới thiệu để PV đi tác nghiệp. Việc không chấp nhận giấy giới thiệu hợp pháp, với mục đích tác nghiệp hợp pháp, là hành vi cản trở báo chí hoạt động."

Ông Lưu Đình Phúc

Báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép ở trong nước thì có thể quản lý được, còn truyền thông xã hội, nếu chủ thể được cấp phép ở trong nước thì quản lý được, ở nước ngoài thì rất khó quản lý.

Luật Báo chí 2016 đã quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp, không phải là cơ quan báo chí nhưng hình thức thông tin có tính chất báo chí. Quy định quản lý loại trang tin này khá cụ thể, như phải gỡ bỏ ngay thông tin trích dẫn khi tin bài gốc lấy từ báo điện tử vi phạm phải gỡ bài; cùng với đó, nội dung trên trang thông tin điện tử tổng hợp không được vi phạm các điều cấm quy định tại Luật này. Nghị định 72 về quản lý internet, Nghị định 174 về xử lý VPHC trong lĩnh vực CNTT…cũng đã quy định cụ thể chế tài xử lý các hành vi vi phạm trên mạng. Ngoài các biện pháp hành chính, kỹ thuật, cần tăng cường biện pháp giáo dục một cách có hệ thống nhằm nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi người dùng mạng xã hội, để họ chia sẻ thông tin có trách nhiệm, tuân thủ chuẩn mực, quy phạm đạo đức và quy định của pháp luật.

Luật Báo chí sửa đổi quy định, ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, còn bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học; Tổ chức nghiên cứu khoa học; Bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hoặc tương đương trở lên. Điều này có “ngược” với quy hoạch báo chí khi quy hoạch đang chủ trương giảm bớt các cơ quan báo chí?

Quy hoạch báo chí là định hướng lớn trong phát triển, quản lý báo chí hiện nay, nhưng Luật Báo chí 2016 là văn bản pháp quy có giá trị pháp lý cao hơn. Trong Luật đã quy định rất rõ đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, nhưng về điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí quy định tại Khoản 5, Điều 17 có quy định là phải phù hợp với quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, Luật và Quy hoạch không có gì trái ngược nhau.

6

 

Không chấp nhận giấy giới thiệu là cản trở tác nghiệp

Theo Luật Báo chí mới, những nhà báo có thẻ nhà báo được tiếp cận thông tin thế nào? Nếu có thẻ rồi mà cơ sở nhất định vẫn đòi giấy giới thiệu thì sao?

Nhà báo hay công dân thì đều có quyền tiếp cận thông tin, quyền này đã được Hiến pháp quy định. Trong lĩnh vực của mình, nhà báo có quyền tiếp cận những thông tin được phép tiếp cận. Luật Báo chí đã có quy định cụ thể các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí. Luật cũng quy định rất rõ là nhà báo khi tác nghiệp chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Trường hợp PV chưa được cấp thẻ nhà báo, tuy trong Luật không quy định về trường hợp này, nhưng thực tế thì cơ quan báo chí có thể cấp giấy giới thiệu để PV đi tác nghiệp. Việc không chấp nhận giấy giới thiệu hợp pháp, với mục đích tác nghiệp hợp pháp, là hành vi cản trở báo chí hoạt động. Vấn đề này đã được điều chỉnh bởi quy định tại Khoản 12, Điều 9, nghiêm cấm cản trở nhà báo, PV hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế, đã có không ít cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu tràn lan, không đúng đối tượng, dẫn đến việc các cá nhân lợi dụng danh nghĩa phóng viên để sách nhiễu DN, cơ quan, tổ chức, hoạt động tư lợi, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận. Cho nên mới có việc cơ quan, tổ chức yêu cầu phải xuất trình thêm thẻ nhà báo là vì thế.

Thu hút đầu tư vào báo chí để tận dụng thế mạnh phát triển

Trong Luật Báo chí mới được thông qua, quyền tiếp cận thông tin của nhà báo có gì thay đổi? Nếu cơ quan chức năng từ chối cung cấp thông tin cho báo chí sẽ bị xử lý thế nào?

Quyền tiếp cận thông tin của mỗi công dân đã được quy định trong Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin. Nhà báo cũng là công dân nên có đầy đủ các quyền được pháp luật quy định. Nhà báo có quyền hành nghề trên lãnh thổ đất nước, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Vấn đề này, Điều 38 về cung cấp thông tin cho báo chí quy định rõ, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Cơ quan hành chính Nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường.

Còn việc từ chối cung cấp thông tin cho báo chí mà không có lý do chính đáng thì đã có chế tài xử lý đối với hành vi cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí, quy định tại Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực báo chí.

Việc thu hút đầu tư vào báo chí được thể hiện thế nào trong Luật Báo chí mới?

Báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Cùng với Nhà nước, các nguồn lực trong xã hội được phép liên kết với cơ quan báo chí để sản xuất các sản phẩm báo in, báo điện tử, chương trình, kênh phát thanh, kênh truyền hình thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội. Điều này sẽ tạo điều kiện cho báo chí tận dụng thế mạnh của các nguồn lực này trong phát triển, đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan, nhất là trong điều kiện nhiều cơ quan báo chí không còn dựa vào ngân sách Nhà nước nữa.

Trân trọng cảm ơn ông! 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.