Thời sự

Luật hóa "quyền im lặng" sẽ giảm được oan sai

29/09/2014, 14:02

Nếu luật hóa quyền im lặng trong Bộ luật Tố tụng hình sự ở lần sửa đổi này, kết hợp những quy định hiện hành về việc thời điểm luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi và bào chữa cho bị can...

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội nói trong cuộc trao đổi với PV Báo Giao thông ngày 28/9.
 

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến


Phải luật hóa quyền im lặng


Khi cho ý kiến về Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) mới đây, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng có đặt câu hỏi: Bị can, bị cáo, người bị tạm giữ có quyền im lặng cho đến khi luật sư của họ xuất hiện. Ông bình luận thế nào về ý kiến này? 


Là người làm chuyên môn, tôi thấy ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng rất xác đáng. Bởi đơn cử trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, ở Bắc Giang bị tù oan 10 năm, khi được ra tù, được minh oan, đã làm đơn tố cáo là bị bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra. Cho nên, tôi thấy cần thiết phải có quyền im lặng. Người bị bắt giữ có quyền giữ im lặng cho đến khi có luật sư của mình. 


Hiến pháp 2013 bổ sung rất nhiều quyền con người, quyền công dân. Một trong những quyền của con người là không được sử dụng nhục hình, không được bức cung, rồi quyền tự do thân thể. Nên nếu quyền im lặng không được luật hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự, sẽ không chống lại được bức cung, sử dụng nhục hình của cơ quan điều tra trong quá trình điều tra. Và khi đó, sẽ xâm phạm đến một trong những quyền tự do của con người là quyền bất khả xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. 

Đáng buồn là nhiều vụ việc xâm phạm lại chẳng ai biết hoặc đương sự chẳng biết kêu ai? 


Trong vụ việc của ông Chấn, trong quá trình điều tra, chỉ có người bị bắt giữ, bị can với cán bộ điều tra thôi. Ngoài ra không có người nào khác. Do đó, nếu có bức cung, nhục hình thì cũng không có gì để chứng minh. Vì vậy, theo tôi cần đưa quyền im lặng vào trong Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo và cũng là giải pháp để loại bỏ những hành vi vi phạm pháp luật trong điều tra là bức cung, nhục hình. 

Nhưng cũng có ý kiến lo ngại, khi luật hóa điều này trong luật, sẽ đẩy khó khăn, áp lực cho cơ quan điều tra về thời gian, thậm chí là cả đòi hỏi của xã hội phải nhanh chóng đưa những tội ác ra truy tố, xét xử?


Không hẳn như thế, bởi quyền im lặng hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp liên quan đến người bào chữa, thời điểm mà người bào chữa tham gia trong quá trình tố tụng. Hiến pháp, Luật tố tụng hình sự, rồi Luật Luật sư đều có quy định, ngay từ khi bị bắt giữ thì đã có quyền tự mình bảo vệ quyền lợi hoặc mời luật sư, mời người bào chữa bảo vệ cho mình rồi. Việc thời gian vừa qua chưa chấp hành tốt những quy định này đó là lỗi của nhiều phía, trong đó có việc chấp hành của các cơ quan tiến hành tố tụng. Người ta viện nhiều lý do để cho rằng, chưa cần thiết phải có luật sư, nhất là lý do “đây là vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, tức là luật sư không được tham gia ngay từ đầu. 

Ông cho rằng nhiều vụ việc đã được “nghiêm trọng hóa” để ngăn luật sư tham gia?


Để xác định tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng thì đánh giá ban đầu là cơ quan điều tra. Họ là người tiếp nhận thông tin, tin báo về tội phạm và trên cơ sở điều tra xác minh để đánh giá được mức độ. Người ngoài chưa thể đánh giá được. Nếu họ nói, vụ việc này rất nghiêm trọng, chưa thể vào được thì mình cũng chỉ biết thế thôi, chứ cũng không có chứng cứ gì để chứng minh cả. Quy định đó rất dễ bị lách, gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 
 

Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm chịu cay đắng, tủi hờn
Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm chịu cay đắng, tủi hờn

Tranh tụng để thay án thẩm vấn


Chính vì việc điều tra, truy tố giống như một “thế giới riêng” nên vai trò tranh tụng tại tòa bị xem nhẹ. Cơ quan tố tụng cũng trọng cung hơn trọng chứng?


Bộ luật Tố tụng hình sự khẳng định, trọng chứng hơn trọng cung và việc chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Có thể là hơi chủ quan nhưng đúng là thời gian qua, trong quá trình thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, trong thực tiễn tiến hành tố tụng thì ý thức của những người tiến hành tố tụng là trọng cung hơn trọng chứng. 

Nhưng chính vì trọng cung hơn trọng chứng nên nếu nghi can khai sai, gian dối thì việc điều tra sẽ lạc sang một hướng khác?


Trong cách gọi của các cơ quan tiến hành tố tụng có phân ra là “án rõ”, “án mờ”... Với những vụ “án mờ”, căn cứ chính là từ lời khai của nghi can chứ thực ra tang chứng, vật chứng rất ít được coi trọng. Ví dụ, trong một vụ án ma túy, thực ra nghi can đó chỉ buôn bán một bánh ma túy thôi, nhưng quá trình đấu tranh khai thác, người đó khai ra người nọ, người kia, cuối cùng thành mấy chục bánh.

Tang vật đưa ra tại phiên tòa chỉ có một bánh được bắt tại trận. Nhưng khi xét xử vẫn xác định là buôn bán mấy chục bánh. Và cái đó cũng chỉ căn cứ trên lời khai. Nói vậy để làm rõ thêm ý thức hiện nay vẫn còn trọng cung hơn là trọng chứng. Chính điều đó dẫn đến oan sai và cũng giảm vai trò tranh tụng của luật sư tại tòa. 

Nếu vậy thì vai trò “cầm cân nảy mực” của tòa án lại càng quan trọng. Đâu chỉ có mỗi căn cứ vào quá trình thẩm vấn, lấy lời khai, các bút lục...?


Theo quy định của Luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự thì các căn cứ để tòa xác định và quyết định về tội phạm và hình phạt là tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân. Trong Luật Tố tụng còn nói rõ là căn cứ vào quá trình tranh tụng tại phiên tòa.

Quá trình thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa chính là quá trình thẩm định lại các tài liệu, chứng cứ, lời khai có trong hồ sơ. Nên khi nghị án, để ra phán quyết đúng với quy định pháp luật, đúng người, đúng tội, tòa phải căn cứ vào kết quả tranh tụng ở tại phiên tòa chứ không chỉ căn cứ vào những cái mà cơ quan điều tra, cơ quan truy tố tiến hành thu thập, truy tố. Thực ra, dần dần việc tranh tụng đã được cải thiện tốt hơn nhưng để đáp ứng yêu cầu thì vẫn chưa đủ.


Nếu trao cho người bị bắt giữ, bị can, bị cáo quyền im lặng cho đến khi có người thứ ba; thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan đến thời điểm tham gia của luật sư và trong quá trình tiến hành tố tụng các vụ án hình sự kể từ thời điểm bắt giữ, tạm giam, tạm giữ để chống lại việc bức cung, nhục hình. Và đặc biệt nâng cao hiệu quả của quá trình tranh tụng tại phiên tòa thì chắc chắn sẽ giảm được oan sai, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời cũng phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội.

Cảm ơn ông!

Bình Minh

(Thực hiện)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.