Chất lượng sống

Lý giải tình trạng rắn lục xuất hiện nhiều tại Việt Nam

02/01/2015, 20:30

Gần đây rắn lục xuất hiện nhiều ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Thanh Hóa, Nghệ An... nhiều người dân bị rắn lục cắn phải nhập viện.

Rắn lục đuôi đỏ
Rắn lục đuôi đỏ

Lý giải về hiện tượng này, chuyên gia Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, vẫn cần có nghiên cứu và thông tin cụ thể tại các địa phương mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra một số phán đoán như: thời tiết năm nay ấm áp là yếu tố thuận lợi cho rắn sinh sản (rắn thường giao phối vào khoảng tháng 3-5, sinh sản từ tháng 8 đến tháng 11); có thể do nguồn thức ăn dồi dào hơn và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng.

Trong khi đó, Việt Nam là nước có sự đa dạng về các loài rắn. Riêng về rắn lục, hiện ghi nhận 22 loài thuộc họ rắn lục Viperidae. Riêng nhóm rắn lục có màu xanh (thuộc giống Trimeresurus) có 8 loài. Loài phổ biến nhất là rắn lục mép trắng (hay còn gọi là rắn lục đuôi đỏ, rắn lục tre Trimeresurus albolabris).

Nhận dạng rắn lục

Các loài rắn lục có xương hàm trên ngắn, có 2 móc độc lớn ở phía trước hàm, có ống dẫn nọc thông với tuyến độc. Đầu rắn hình tam giác phủ toàn vảy nhỏ hoặc lẫn vảy lớn phân biệt rất rõ với cổ. Đa số loài có hố má trung gian giữa mắt và mũi. Hố má có chức năng cảm giác nhiệt, nhờ đó, rắn nhận biết con mồi có máu nóng (chim, thú) ở gần chúng.

Rắn dài khoảng 40-65 cm, lưng màu xanh lá cây, đôi khi có các vệt trắng mờ ngang thân, hai bên sườn có sọc màu trắng sát với bụng (sọc này thường không có hoặc rất mờ ở con cái), phần mút đuôi thường có màu đỏ tía (nên gọi là rắn lục đuôi đỏ).

Rắn lục thường sống trên đất hay trên cây (thân bám và đuôi cuộn vào cành cây, treo mình để rình mồi) và thường không chủ động tấn công người.

Phòng và cấp cứu tại chỗ khi bị rắn cắn

Trước tình trạng xuất hiện nhiều rắn lục trong thời gian gần đây, nhiều người bị cắn đã phải nhập viện, gây tâm lý lo lắng cho người dân, các nhà khoa học, chuyên gia đưa ra một số lời khuyên phòng tránh rắn cắn như sau:

Rắn lục thường sống ở trên các bụi cây ven rừng, nương rẫy hoặc vườn nhà dân, khi di chuyển có thể bò trên đất. Do vậy, để tránh rắn xâm nhập vào nhà cần phát quang các bụi rậm, dây leo quanh nhà. Do rắn thường ra hoạt động ban đêm, nếu đi lại vào ban đêm cần có đèn pin soi hai bên lối đi để kịp thời phát hiện rắn ở ven đường đi. Trong trường hợp đi rừng cần đi giầy, ủng. Bắt rắn cần có dụng cụ (gậy, kẹp, găng tay da)

Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, nọc độc của rắn lục thường tác động lên hệ tuần hoàn gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử. Nọc độc của rắn lục thường không tác dụng lên hệ thần kinh như nọc rắn trong nhóm hổ mang, cạp nong, cạp nia nên không gây liệt. Nếu không may bị rắn cắn cần hạn chế vận động tối đa vì vận động sẽ làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể. Khi bị cắn, nên đưa bệnh nhận đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và tiêm huyết thanh chống độc. Hiện ở Việt Nam đã có huyết thanh chống độc của rắn lục xanh.

Đối với rắn lục không nên rạch vết thương vì có thể làm mất máu cấp. Tốt nhất nên bắt con vật cắn đem theo đến bệnh viện để bác sĩ xác định đúng chủng loại huyết thanh cần sử dụng. Khi cấp cứu, người bị rắn lục cắn cũng không nên ga-rô bằng dây cao su (dễ gây hoại tử do thiếu máu cung cấp đến phần cơ thể phía dưới băng ga-rô). 

Chuyên gia cũng khuyến cáo, mỗi con rắn chỉ tiêm một phần của nọc độc của nó trong mỗi lần cắn, vì vậy nó vẫn có thể tiếp tục gây tổn thương sau khi đã cắn lần đầu tiên. Do đó, kể cả khi con rắn đã chết, thậm chí đầu rắn bị cắt rời, vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ, cho đến 90 phút sau khi chết. 

Theo Phạm Thanh/Dân Trí

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.