Thế giới giao thông

Ly kỳ chuyện xây đường băng đặc biệt ở Nam Cực

26/06/2022, 06:30

Phải mất trung bình 30 giờ để dọn sạch tuyết và băng đủ để bắt đầu kiến tạo đường băng. Đội ngũ xây dựng cũng tốn thêm 12 giờ để dọn lại tuyết.

Là lục địa duy nhất không có con người sinh tồn, mọi thứ hỗ trợ cho hoạt động sống của con người tại Nam Cực đều phải đưa từ nơi khác đến. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là bằng máy bay và để máy bay có thể hạ cánh, chắc chắn phải cần tới đường băng.

Nỗ lực phi thường làm đường băng đặc biệt

Công ty du lịch White Desert chuyên phục vụ khách hạng sang và hiện có ba khu trại phục vụ du khách tại Nam Cực. Luke Brauteseth và đồng nghiệp hiện đang được giao phát triển cơ sở mới nhất của White Desert ở Nam Cực, được đặt tên là Wolf’s Fang ở vùng Queen Maud Land.

Theo CNN, mọi dự án xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ở Nam Cực đều được lên kế hoạch trước ít nhất hai năm.

Dù đã chuẩn bị kỹ nhưng trong quá trình làm việc, Luke Brauteseth và các thành viên trong nhóm liên tục phải tính toán và thay đổi cho phù hợp.

img

Đội ngũ phi hành đoàn của Icelandair đã được huấn luyện đặc biệt để điều khiển các chuyến bay tới Nam Cực

Khó khăn đầu tiên đối với các dự án tại Nam Cực đó là băng ở đây luôn nhích dần về phía Bắc, hướng ra phía đại dương.

Vì vậy, dù một địa điểm đã được khảo sát hoàn hảo để xây dựng thì khi thời gian qua đi, địa điểm đó lại cần đánh giá và nghiên cứu lại. Theo ông Brauteseth, trung bình băng di chuyển khoảng 80m về phía Bắc mỗi năm.

Đối với dự án xây dựng đường băng ở đây, các bước đi tiếp theo còn khó khăn hơn nữa. Nhóm xây dựng cơ sở hạ tầng của White Desert, trong đó có ông Brauteseth, gồm 38 người đến từ 18 quốc gia. Họ bao gồm thợ máy, thợ điện, công nhân xây dựng và chuyên gia truyền thông.

Để xây dựng được đường băng dài 3km phục vụ các chuyến bay của White Desert tại Nam Cực, những người đầu tiên có mặt là các nhà khảo sát, có nhiệm vụ chọn địa điểm thích hợp để xây dựng.

Sau khi xác định được vị trí, họ sẽ dựng cột mốc để đánh dấu. Tiếp theo là triển khai những cỗ máy đặc biệt, có tên là Pistenbullys, để làm nhiệm vụ dọn sạch tuyết và tạo ra những đường rãnh trên mặt băng.

Ông Brauteseth cho biết, phải mất trung bình 30 giờ để dọn sạch tuyết và băng đủ để bắt đầu kiến tạo đường băng. Đội ngũ xây dựng cũng tốn thêm 12 giờ để dọn lại tuyết và kẻ lại đường rãnh trên băng mỗi khi một chiếc máy bay hạ cánh.

Sau khi các đường rãnh trên băng được kiến tạo thành công, xe tải và xe trượt tuyết Ski-Doo được đưa ra các khu vực lân cận để sẵn sàng ứng phó với hỏa hoạn, thử nghiệm độ ma sát tại đường băng và xếp, dỡ hàng hóa. Sau khi đường băng hoàn tất, máy bay vẫn chưa thể hạ cánh ngay.

Điều kiện thời tiết tại Nam Cực rất khắc nghiệt. Vào những ngày đẹp nhất, một chuyến bay từ Cape Town, Nam Phi (một tuyến đường khá phổ biến để tới Nam Cực) tới đây cũng mất tới 5 giờ.

Ông Brauteseth cho biết, để thực hiện một chuyến bay tới Nam Phi, mọi điều kiện phải hoàn hảo. Riêng về thời tiết, điều kiện tốt nhất là không có tuyết hoặc mưa, tầm nhìn tốt và gió lặng.

Có một yếu tố nữa mà hầu hết mọi người không nghĩ đến, đó là nhiệt độ. Vào tháng 12 và tháng 1 hàng năm, khi thời tiết ấm lên, băng tan nên máy bay không thể hạ cánh.

Sau khi tính toán tất cả những yếu tố đó, mùa du lịch Nam Cực, thuận tiện cho việc đi lại và khám phá thường là từ tháng 11 đến đầu tháng 2 năm tiếp theo.

Trong mùa du lịch vừa qua, đội ngũ của White Desert đã có chuyến đi đầu tiên đến Nam Cực vào tuần cuối cùng của tháng 10 năm ngoái, mang theo tất cả những gì các khu trại cần, từ đồ đạc, thiết bị nấu ăn đến ga trải giường.

Vào cuối mùa du lịch, tất cả mọi thứ đều được dọn dẹp, mang về đất liền và trả lại khung cảnh thiên nhiên hoang sơ cho Nam Cực. Cả đường băng cũng vậy.

Vì sao chưa thể xây đường băng vĩnh cửu?

Tuy nhiên, dù nỗ lực hạn chế ra sao, các hoạt động khai thác du lịch cũng bị ảnh hưởng phần nào đến môi trường và thiên nhiên Nam Cực.

Hệ sinh thái của châu lục này rất mỏng manh và những tác động của biến đổi khí hậu đang hiển hiện rõ ràng ở đây.

Năm 2021, Nam Cực ghi nhận nhiệt độ cao nhất từng được biết đến là gần 65 độ F (tương đương hơn 18 độ C). Nhiệt độ ấm lên đồng nghĩa với việc băng tan nhanh hơn, nhuyễn thể và các loài quan trọng khác đang biến mất với tốc độ nhanh hơn và số lượng đàn chim cánh cụt giảm dần.

img

Chiếc Airbus A340 hạ cánh thành công tại Nam Cực Ảnh: White Desert

Chính vì lo ngại tổn hại môi trường nên tháng 11/2021, sau nhiều cân nhắc và tranh cãi, Australia buộc phải tuyên bố từ bỏ tham vọng xây dựng một đường băng bê tông dài 2,7km gần trạm nghiên cứu Davis của họ ở Nam Cực. Dự án này lần đầu được chính phủ Australia công bố vào năm 2018.

Vào thời điểm đó, tờ The Guardian cho rằng, đây là dự án cơ sở hạ tầng bê tông có quy mô lớn nhất ở Nam Cực. Sân bay và đường băng của dự án này có thể làm tăng 40% sự hiện diện của con người tại đây.

Song, cái giá phải trả về mặt môi trường nếu thực thi dự án này là vô cùng lớn khi gây ra ô nhiễm, tiếng ồn và nhiều khí thải carbon hơn.

Chi phí cho dự án này cũng là một vấn đề đáng lo. Riêng việc vận chuyển vật liệu đến Nam Cực sẽ mất hơn một thập kỷ và khoảng 100 chuyến tàu phá băng.

Chính quyền Australia từng lên kế hoạch san phẳng khu vực xây dựng đường băng bằng cách cho nổ mìn và lấp đất, với tổng cộng 3.000.000m3 đất cần để bồi đắp.

Quá trình này sẽ cần huy động thuốc nổ, cải tạo đất từ ​​đáy biển thành một cầu cảng mới, xây dựng các bồn chứa nhiên liệu hàng không mới... hủy hoại nghiêm trọng môi trường ở đây.

Và đó chính là một trong nhiều lí do khiến cho tới nay vẫn chưa có một sân bay bê tông nào được xây dựng ở Nam Cực.

Các đường băng đang hoạt động tại đây được kiến tạo từ chính mặt băng Nam Cực và chủ yếu do các quốc gia có trạm nghiên cứu tại đây vận hành. Hiện chỉ có một số ít công ty tư nhân có khả năng xây dựng và vận hành các đường băng Nam Cực, trong đó có White Desert.

Quy định về các chuyến bay tại Nam Cực

Nam Cực chưa mở cửa cho khai thác du lịch bằng các chuyến bay định kỳ. Do đó, số lượng các chuyến bay tới đây vẫn tương đối hạn chế và mỗi chuyến bay được thực hiện đều do có yêu cầu từ các trạm, cơ sở đã trú đóng tại Nam Cực.

Họ cần gửi yêu cầu, kế hoạch bay để các đơn vị quản lý nơi chuyến bay đi qua phê duyệt.
Khi được chấp thuận của tất cả các bên liên quan, các phi hành đoàn phải trải qua một khóa huấn luyện sinh tồn ở Nam Cực để phòng ngừa tình huống bất trắc.

Phi hành đoàn cũng chuẩn bị phụ tùng thay thế vì các thiết bị này không có sẵn tại Nam Cực và việc gửi bổ sung thiết bị có thể kéo dài hàng tuần.

Hiện chưa có giới hạn về các loại máy bay có thể hạ cánh trên đường băng tại Nam Cực. Các máy bay Boeing 737, Airbus A320, Boeing 767 và Airbus A340 đã hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn tại Nam Cực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.