Thời sự Quốc tế

Malaysia: Phải chuẩn bị quân đội, sẵn sàng cho xung đột ở Biển Đông

22/10/2019, 11:01

Ngoại trưởng Malaysia cảnh báo rằng hải quân nước này cần được nâng cấp trang thiết bị để chuẩn bị cho nguy cơ xung đột trên Biển Đông.

img
Tàu Trung Quốc nạo vét và san lấp trái phép ở Bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho rằng nước này cần tăng năng lực hải quân để chuẩn bị cho nguy cơ xung đột trên Biển Đông và để ngăn chặn các quốc gia khác có hành vi xâm lấn vào vùng biển chủ quyền của mình.

Theo báo Bưu Điện Hoa Nam, các nhà phân tích cho rằng lập trường của Malaysia trong việc ủng hộ phi quân sự hóa tuyến hàng hải đang tranh chấp, biến nơi đây trở thành một khu vực hòa bình, hữu nghị và giao thương là đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, hiện nay, nước này không có đủ khả năng xây dựng lực lượng hải quân đủ mạnh để có thể chống lại Hải quân Trung Quốc. Hiện tại ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn là nước đang nắm giữ khả năng quân sự mạnh nhất.

Ngoại trưởng Malaysia gần đây cảnh báo rằng hải quân nước này cần được nâng cấp trang thiết bị để chuẩn bị cho nguy cơ xung đột trên Biển Đông giữa các quốc gia lớn trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh Malaysia sắp công bố Sách trắng quốc phòng để vạch ra lộ trình xây dựng 10 năm cho lực lượng vũ trang.

Ông Saifuddin Abdullah cũng phải trình bày trước quốc hội nước này về vụ các tàu Hải Cảnh Trung Quốc gần đây đã xuất hiện 24 tiếng đồng hồ quanh bãi South Luconia Shoals, ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia, đồng thời nhấn mạnh rằng ngay cả tàu thuyền của Hải Quân Malaysia cũng nhỏ hơn tàu của lực lượng Hải cảnh của Trung Quốc.

img
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah.

Không muốn phải xung đột nhưng phải chuẩn bị

Dù không muốn xung đột, trang thiết bị của Malaysia cần được nâng cấp “để chúng ta có thể quản lý tốt hơn các vùng biển nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông giữa các quốc gia lớn ở Đông Nam Á”, ông Abdullah nói.

Dù Malaysia có thể gửi công hàm phản đối nếu nước khác xâm phạm vùng biển của mình, nhưng tình trạng thiếu phương tiện và trang thiết bị khiến những phản đối ngoại giao đó không có sức nặng, ông Saifuddin Abdullah nhấn mạnh.

Sách trắng quốc phòng đầu tiên của Malaysia, dự kiến sẽ được công bố vào đầu tháng 12, sẽ đề cập đến vấn đề gia tăng khả năng quân sự cũng như quan điểm của nước này trong nhiều vấn đề phòng thủ.

Phát biểu của ông Saifuddin được đưa ra chỉ 1 tháng sau khi chính phủ liên minh chính trị Pakatan Harapan, bắt đầu cầm quyền từ cuối năm ngoái, công bố những hướng dẫn mới về chính sách đối ngoại, trong đó đề xuất phi quân sự hóa các vùng biển tranh chấp để biến nó thành khu vực của hòa bình, hữu nghị và thương mại.

Các nhà phân tích đồng tình rằng Malaysia cần phải tăng cường trang bị cho lực lượng tuần tra trên biển, bao gồm máy bay – một yêu cầu được nêu ra trong kế hoạch phát triển năng lực của Không quân hoàng gia Malaysia kéo dài đến năm 2055.

img
Tàu ngầm Trung Quốc trên Biển Đông.

“Phi quân sự hóa là một tuyên bố chỉ phục vụ mục đích hùng biện. Các các quốc gia liên quan chủ yếu ở khu vực sẽ không thừa nhận bản chất này. Cuối cùng, Malaysia cần phải đối phó với tình hình trên Biển Đông như thực tế, chứ không phải trông giống như thế”, ông Shahriman Lockman, một nhà phân tích cấp cao tại Chương trình nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh tại viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Malaysia, nhận định.

Trong số các hợp đồng mua sắm vũ khí hải quân mới nhất của Malaysia có 4 tàu tuần duyên do Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc sản xuất. Chiếc đầu tiên đã được giao tại Trung Quốc vào tháng 4 năm nay, những chiếc còn lại sẽ được giao tại Malaysia vào năm 2021.

Thỏa thuận mua những tàu này được ký dưới thời của Thủ tướng Najib Razak, người hiện đang bị xét xử vì nhiều tội danh nhận hối lộ và lạm quyền.

Mặc dù chính phủ Malaysia đã sẵn sàng ra tuyên bố phản đối những vụ vi phạm đối với chủ quyền của nước này trên Biển Đông, nhưng thực tế hiện nay trên vùng biển tranh chấp này chưa hề có sự thay đổi nào đáng chú ý sau những tuyên bố như trên của chính quyền Malaysia, ông Shahriman nói.

Tàu thuyền Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì hiện diện gần vùng biển Sabah mà Kuala Lumpur coi là khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình. Bắc Kinh cũng tỏ ra quyết liệt hơn trong việc phản đối các hoạt động khai thác dầu khí của Malayasia ở đây.

Những tuyên bố phản đối của Malaysia không “chỉ mặt, gọi tên” công khai Trung Quốc vì nhiều áp lực. Bởi vậy nên nó không có nhiều giá trị, ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng ở Singapore đánh giá.

Là một bên tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Malaysia có yêu sách đối với các vùng nước và đáy biển nằm trong 200 hải lý tính từ bờ biển của họ.

Nhưng Trung Quốc phản đối hầu hết đòi hỏi chủ quyền của Malaysia vì nằm trong “đường 9 đoạn” (phi pháp- PV) mà Trung Quốc vạch ra để đòi chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.