Quản lý

Mạnh tay giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ

22/12/2018, 17:31

Tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ vẫn diễn ra tràn lan cần sự vào cuộc quyết liệt của địa phương.

IMG_8303

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV.

Nhiều năm qua tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ (HLATĐB) vẫn diễn ra nhức nhối để lại nhiều hệ lụy trong công tác đảm bảo giao thông và công tác quy hoạch, quản lý trên các tuyến Quốc lộ các tỉnh phía Nam. PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB 4 về thực trạng trên.

PV: Tình trạng lấn chiếm HLATĐB đã diễn ra trong thời gian dài, ông có thể đánh giá thực trạng này, đâu là nguyên nhân, thưa ông?.

Ông Nguyễn Văn Thành: Ngoài nguyên nhân khó khăn do “lịch sử” để lại, tình trạng vi phạm hành lang  còn do tâm lý muốn “cận lộ” để làm ăn, buôn bán đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Khi lực lượng chức năng hôm nay dẹp được chỗ này thì mai họ lại chạy sang chỗ khác hoặc lúc có lực lượng chức năng đi kiểm tra, thì họ chấp hành nhưng sau khi rời đi rồi thì đâu lại vào đó. Tồn tại vướng mắc do lịch sử để lại rất khó giải quyết. Đơn cử như tuyến đường sau khi nâng cấp từ đường tỉnh lên thành đường quốc lộ, nhưng quá trình nâng cấp, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng không có, không có kinh phí đền bù đất HLATĐB, không có hồ sơ nên rất khó khăn trong vấn đề xử lý các hành vi vi phạm.

Mặt khác, nhiều trường hợp do hành lang giao thông nằm trên đất thổ cư, được cấp bìa đỏ từ trước nên khó để xử lý dứt điểm. Hệ quả của việc hình thành nhiều khu dân cư dọc quốc lộ dẫn tốc độ lưu thông chậm, hiệu quả kinh tế không cao. Một số đoạn tuyến qua đường cong có thể bị che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Công tác GPMB khi mở rộng đường khó thực hiện, trễ tiến độ, chi phí dự toán cao.

PV: Có ý kiến cho rằng qui định về HLATĐB chưa rõ ràng vì lúc có qui định tính từ tim đường vào phía nhà dân, có lúc qui định tính từ ranh đất lề đường vào nhà dân? Phải chăng do qui định này khiến người dân và chính quyền địa phương làm đúng, trở thành làm sai?

Ông Nguyễn Văn Thành: Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ thì việc quy định ranh đất HLATĐB đều tính từ mép chân mái đường đắp và từ mép đỉnh mái đường đào hoặc từ mép ngoài rãnh dọc hay rãnh đỉnh của đường trở ra hai bên, không có quy định nào xác định từ tim đường.

PV: Mặc dù đã có quy định về HLATĐB, nhưng nhiều trường hợp địa phương vẫn cấp quyền sử dụng đất cho người dân lấn chiếm gây khó khăn cho công tác đền bù giải tỏa, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Nguyễn Văn Thành: Mặc dù có quy định, tuy nhiên phạm vi đất này chưa được đền bù cho người dân nên địa phương cấp đất là không sai quy định. Trường hợp cấp sai là khi cho phép xây dựng công trình kiên cố trong hành lang. Mặt khác một số tuyến đường mới nâng cấp mở rộng nên HLATĐB mới theo quy định cũng được chủ dự án xác định cũng tăng theo nên một phần đất cấp cho người dân trước đây nằm ngoài thì nay lại nằm trong hành lang theo cấp đường mới, dĩ nhiên phần đất này chưa được đền bù, hỗ trợ.

IMG_5687

Để giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ cần sự vào cuộc quyết liệt của địa phương.

PV: Trên thực tế có nhiều trường hợp vi phạm nhưng công tác phối hợp với địa phương xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao, vì sao?.

Vấn đề cưỡng chế là rất nhạy cảm, qua làm việc với một số địa phương thì việc đùn đẩy trách nhiệm là có địa phương nại lý do “Cơ quan nào lập biên bản thì cơ quan đó có trách nhiệm ban hành Quyết định cưỡng chế”. Nhưng theo quy định đơn vị quản lý đường bộ không có quyền ban hành Quyết định cưỡng chế mà chỉ cung cấp nhân công, thiết bị để phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện.

PV: Được biết để giải quyết thực trạng trên Cục QLĐB IV đã đề xuất dự kiến tổng mức đền bù đất và các công trình xây dựng trên HLATĐB là 48.000 tỷ đồng. Đề xuất trên dựa trên cơ sở nào, có khả thi hay không?

Căn cứ để đưa ra con số dự kiến đề bù nêu trên là số liệu rà soát, thống kê, phân loại đất, các công trình trong HLATĐB trên các tuyến Quốc lộ theo Quyết định 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 được Các Chi cục Quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền thực hiện. Số liệu trên chỉ là ước tính cho các tuyến Quốc lộ do Cục quản lý (Chưa tính các tuyến Quốc lộ đang thực hiện cải tạo nâng cấp và ủy thác). Số liệu cụ thể và phương án kinh phí sẽ được UBND các tỉnh, TP lập trình Bộ xem xét báo cáo chính phủ.

Việc đền bù giải tỏa sẽ rất thuận lợi trong việc đầu tư mở rộng các tuyến đường sau này, cũng như hạn chế TNGT tại những vị trí tầm nhìn bị hạn chế. Dĩ nhiên công tác giải tỏa được thực hiện theo từng giai đoạn, có trọng tâm nên việc bố trí kinh phí là hoàn toàn có thể thực hiện được. Việc tái lấn chiếm có thể quản lý được khi thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Quy hoạch khu dân cư không bám dọc theo trục đường Quốc lộ; xây dựng đường song hành kết nối vào Quốc lộ tại những vị trí đã có trong quy hoạch. Các vị trí tái lấn chiếm phải được phát hiện kịp thời, có giải pháp ngăn chặn từ đầu; chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm các trường hợp tái lấn chiếm, song xong với việc xử phạt là tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các hộ dân sống ven đường.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.