Y tế

Mất ngủ vì mắc Covid-19, cần làm gì?

02/01/2022, 07:57

Triệu chứng mất ngủ cũng rất thường gặp ở người mắc Covid-19. Để giảm tình trạng này, bệnh nhân nên giữ tinh thần thoải mái, tập thể dục...

Hỏi:

Tôi bị mắc Covid-19 đã được 1 tuần, người rất mệt, mất ngủ rất trầm trọng. Trong gia đình tôi còn có người già mắc Covid-19 cũng hay mất ngủ. Xin bác sĩ tư vấn làm cách nào để giải quyết vấn đề này?

Đỗ Thị Hương (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

img

Ảnh minh họa

BS. Trần Thị Hải Ninh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trả lời:

Bệnh Covid-19 thường có nguy cơ diễn biến nặng lên từ khoảng ngày thứ 7 của bệnh đối với những bệnh nhân không có bệnh lý nền và có thể trở nặng sớm hơn ở những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)…

Bạn đang bị bệnh khoảng 1 tuần nên có thể đang trong giai đoạn bệnh nặng hơn. Vì vậy, cần tự theo dõi hoặc được theo dõi sát sao hơn để xử trí kịp thời.

Cảm giác người rất mệt mỏi, thậm chí chỉ muốn nằm yên tại chỗ… thì cần được thăm khám bởi các nhân viên y tế để đánh giá kỹ hơn.

Triệu chứng mất ngủ cũng rất thường gặp ở người mắc Covid-19. Để giảm tình trạng này, bệnh nhân nên giữ tinh thần thoải mái, tập thể dục nhẹ nhàng, tránh chỉ ngồi yên một chỗ vì vận động cũng giúp ngủ ngon hơn.

Trước khi đi ngủ khoảng 30 phút nên uống 1 cốc sữa ấm, mát xa nhẹ nhàng vùng da đầu, mặt, cổ vai gáy sẽ giúp ngủ ngon hơn. Hạn chế sử dụng các thực phẩm gây kích thích mất ngủ như trà, cà phê, rượu bia…

Trong trường hợp các biện pháp trên không hiệu quả, bệnh nhân cần dùng các loại thuốc điều trị mất ngủ được kê đơn bởi các cán bộ y tế.

Về người bệnh cao tuổi, theo quy định phân tầng của Bộ Y tế, nhóm người già trên 65 tuổi được yêu cầu phải điều trị tại các cơ sở y tế vì sẽ có nhiều giải pháp khi bệnh nhân không ăn hoặc không ngủ được, chẳng hạn như bổ sung dinh dưỡng theo đường tĩnh mạch hoặc dùng các thuốc an thần giúp ngủ ngon.

Trong trường hợp người lớn tuổi trong gia đình bạn điều trị tại nhà, để giúp bệnh nhân ăn được, bạn nên chia nhỏ bữa ăn, chọn các thức ăn mềm, lỏng.

Trong trường hợp bệnh nhân không muốn ăn, động viên bệnh nhân sử dụng các loại sữa dinh dưỡng để đảm bảo đủ năng lượng.

Bữa ăn nên được chế biến theo sở thích cá nhân dù việc đảm bảo đa dạng nguồn thực phẩm là rất quan trọng.

Về giấc ngủ, nên tạo thói quen đi ngủ và thức dậy vào 1 khung giờ cố định, trước khi đi ngủ 30 phút không nên vận động quá mạnh, không dùng các chất kích thích, có thể nghe nhạc nhẹ nhàng, uống sữa ấm hoặc 1 cốc nước ấm trước lúc đi ngủ.

Nếu người già phải đi vệ sinh nhiều ban đêm cũng có thể làm mất ngủ thì có thể dùng bỉm để bệnh nhân yên tâm ngủ cả đêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.