Văn hóa - Giải Trí

Mẹ chồng nàng dâu xích mích vì... “Sống chung với mẹ chồng”

25/04/2017, 13:58

Từ khi “trình làng” đến nay, bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” đã gây bão trên cả mạng xã hội lẫn ngoài đời...

song-chung-voi-me-chong-tap-9-nghe-loi-me-anh-dung

Phim truyền hình "Sống chung với mẹ chồng" đang thu hút sự chú ý của khán giả.

Nhiều người khen nức khen nở phim đáng xem nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đây là một sản phẩm của “cường điệu hóa” với lối tư duy làm phim xưa cũ. Thực tế cuộc sống đã khác nhiều, do vậy, những tình huống trong “Sống chung với mẹ chồng” không còn phù hợp. Ngoài đời thực, không có bà mẹ chồng nào can thiệp sâu tới mức “vô duyên” vào cuộc sống hôn nhân của con mình như vậy. Mẹ chồng thời nay không còn cay nghiệt, tai quái như thời phong kiến.

Dĩ nhiên, nhà sản xuất đã lựa chọn một đề tài đánh trúng tâm lý số đông khán giả là một thành công lớn bước đầu. Tuy nhiên, việc đẩy cao trào bộ phim bằng một loạt tình huống vô lý để gây ức chế cho khán giả theo dõi liên tục thì dường như đang tạo phản ứng tiêu cực hơn là nhân văn mà một tác phẩm điện ảnh cần truyền tải.

Dù ở thời đại nào, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu luôn được xem là vô cùng phức tạp. Cho đến bây giờ, khi xã hội có nhiều tiến bộ và phát triển hơn, mối quan hệ ấy cũng đã có nhiều thay đổi, nhưng xét đến cùng, về cơ bản, nó vẫn là một mối quan hệ phức tạp nhất, rối rắm nhất và nảy sinh nhiều mâu thuẫn nhất, khó xử nhất cho cả người trong cuộc và người bên ngoài. Khán giả tìm đến bộ phim dạng này không chỉ để theo dõi diễn biến đời sống, số phận của từng nhân vật mà còn là để tìm kiếm bài học ứng xử trong gia đình cho chính mình.

Sống chung với mẹ chồng truyền tải điều gì đến người xem, ngoài việc khắc họa một mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu không thể nặng nề và bế tắc hơn. Những bộ phim như vậy chỉ khiến phụ nữ thêm bi quan về đời sống hôn nhân, gia đình và có định kiến về hình ảnh mẹ chồng. Tạo nên suy nghĩ lệch lạc cho giới trẻ hiện nay về cuộc sống mẹ chồng - nàng dâu. Khiến cho không ít bạn trẻ có suy nghĩ sợ lấy chồng hoặc ở cùng với mẹ chồng.

Đấy là chưa nói bộ phim còn đẩy những cặp mẹ chồng - nàng dâu vốn đã mâu thuẫn với nhau càng ghét nhau thêm. Hay như cũng có nhiều trường hợp, mẹ con đang vui vẻ bỗng nhiên lại thành xích mích chỉ vì xem phim.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, hiện nay xu hướng độc thân ngày càng tăng. Khi tỉ lệ độc thân tăng, dân số bị lão hóa gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Đây là vấn đề đang khiến Nhật Bản, Hàn Quốc đau đầu. Ở Việt Nam đang động viên khuyến khích đến tuổi kết hôn và sinh con. Phim “Sống chung với mẹ chồng” như vậy không có lợi cho định hướng xã hội. Tuy nhiên, theo chuyên gia, người xem, trong đó đặc biệt là các bạn nữ chưa lấy chồng nên nghĩ phim ảnh là nghệ thuật, nó có những sự cường điệu hóa cho phim hấp dẫn. Thực tế như thế nào, mình sống trong xã hội phải có quan sát chứ không nên hoàn toàn tin vào phim ảnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.