Hạ tầng

Một cây cầu phá hai "ốc đảo"

08/04/2014, 07:09

Cầu Tân Đệ đưa vào sử dụng đã tạo thế giao thông liên hoàn, kết nối với QL1 và QL18, phá thế "ốc đảo" vốn ngăn cách hai tỉnh Nam Định và Thái Bình.

Việc đưa cầu Tân Đệ vào sử dụng đã giúp cho giao thông qua Nam Định và Thái Bình thông thoáng
Việc đưa cầu Tân Đệ vào sử dụng đã giúp cho giao thông qua Nam Định và Thái Bình thông thoáng


Làm trụ cầu nơi sông sâu, nước xiết


Là người tham gia làm hàng chục cây cầu khắp chiều dài đất nước nhưng ông Phạm Quang Vinh - nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty XDCTGT 4 (CIENCO4), hiện đang là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm ngày xây cầu Tân Đệ. Năm 1999, ông Vinh đang là Phó Tổng giám đốc CIENCO4 phụ trách các dự án phía Nam thì được điều ra làm cây cầu này. Lý do khi đó ông phải ra tăng cường, bởi cầu Tân Đệ đang bị chậm tiến độ. Khăn gói từ dự án cầu Bình Điền ra Nam Định, nhìn công trường ngổn ngang, tiến độ ì ạch, ông Vinh không khỏi ngán ngẩm. Thế rồi, một kế hoạch xốc lại tinh thần làm việc trên công trường đã được ông đặt ra. Đầu tiên là việc đặt ngay một Ban điều hành dự án trên công trường, thực hiện giao ban vào tất cả các buổi chiều để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của dự án ngay trong ngày. Ông Vinh cũng yêu cầu các chỉ huy công trường phải bám sát hiện trường, dựng lán trại ngay trên cầu để tiến hành thi công 24/24h.


Cùng với việc xốc lại tinh thần làm việc, ông Vinh đề xuất tăng cường thêm nhân lực và thiết bị, đồng thời tổ chức lại các mũi phụ trợ làm ván khuôn, thi công đường cống và cầu dẫn. Bên cạnh đó, ông yêu cầu giám sát chặt chẽ việc thực hiện các công đoạn của từng tổ, đội thi công. Những đơn vị hoàn thành kế hoạch hoặc vượt tiến độ sẽ được tích điểm thưởng theo cấp lũy tiến. Nhờ những biện pháp quyết liệt ấy, tiến độ các gói thầu của CIENCO4 đã nhanh chóng được đẩy lên. 


Mọi thứ đang tiến triển thuận lợi thì một sự cố bất ngờ xảy ra. Trong gói thầu của CIENCO4 có hai trụ số 8 và 9 nằm giữa lòng sông. Đoạn sông qua khu vực này nằm ở hạ lưu, mực nước rất sâu và chảy xiết. Khi trụ cầu số 8 hoàn thành thì mùa mưa ập đến. Nước sông chảy xiết nên chân cọc ván khuôn bị xói. Lúc tiến hành tháo dỡ, toàn bộ hơn 100 cọc sắt ván khuôn, mỗi chiếc dài 24m với sức nặng hơn 200 tấn đã bị rơi xuống sông. Anh em trên công trường nháo nhào tìm mọi cách để vớt, nhưng cuối cùng đành phải “bó tay” trước dòng nước lũ. Sau đó, dù đã phải thuê các đơn vị cứu hộ trục vớt, nhưng các thợ lặn cùng với những thiết bị chuyên nghiệp cũng đành gửi lại hà bá toàn bộ số ván khuôn dưới lòng sông Hồng. 


Vượt mọi khó khăn, ba tháng sau khi ông Vinh về công trường, những trụ cầu 8, 9, 10 và những trụ cầu dẫn bắt đầu trồi lên khỏi mặt nước. Những trụ cầu sáng bóng, không một dấu vết bọt khí khiến tất cả anh em trên công trường phấn chấn và thêm quyết tâm đẩy nhanh tiến độ bởi phần việc còn lại chỉ là những công đoạn thi công trên mặt nước. 
 

Cầu Tân Đệ có tổng đầu tư 249 tỷ đồng
Cầu Tân Đệ có tổng đầu tư 249 tỷ đồng

Vừa thi công, vừa… chống trộm

Khi phà Tân Đệ còn hoạt động, nơi đây được coi là một điểm nóng về an ninh trật tự bởi nạn trộm cắp, móc túi và cũng là nơi nhiều băng nhóm xã hội đen hoành hành. Chính vì thế, trong quá trình xây dựng, nỗi lo mất cắp luôn thường trực với không chỉ anh em công nhân mà cả với ban lãnh đạo quản lý dự án. 


Ông Hoàng Hữu Sơn khi ấy là Phó Giám đốc, kiêm Đội trưởng thi công dự án cầu Tân Đệ của Công ty 479 (CIENCO4) tâm sự: “Tình trạng mất cắp vặt liên tục xảy ra. Lo nhất là trộm hay mò vào công trường lấy trộm thiết bị, máy móc thi công, vật liệu xây dựng. Khi thì những chiếc búa, lúc thì tấm ván khuôn, máy cưa, máy cắt… Trong khi công trường thì dàn trải, mặt bằng thi công rộng nên anh em không thể kiểm soát hết. Nhiều lần ra công trường, định lấy đồ để làm thì mọi thứ đã “không cánh mà bay”. Nhiều đêm, tất cả công nhân đều được huy động rình bắt trộm. Nhưng chẳng hiểu sao, hễ đêm nào mật phục, tình hình lại yên ắng. Hôm sau lãng ra là y rằng có chuyện. Tình trạng này diễn ra một thời gian dài và sau đó được báo cáo lên Ban điều hành dự án mới có biện pháp giải quyết”.


Với tư cách là phụ trách liên danh dự án, trước sự phản ánh của các đơn vị thi công các gói thầu thuộc địa phận Nam Định, ông Phạm Quang Vinh đã phải trực tiếp đề nghị Công an tỉnh Nam Định vào cuộc trợ giúp bảo đảm an ninh trật tự. Thậm chí sau đó, Công an tỉnh Nam Định còn điều cả công an kinh tế điều tra một số vụ trộm cắp và đưa ra xét xử công khai, tình hình mới dần được vãn hồi.

Trào nước mắt ngày thông cầu


Anh Quách Thanh Hào quê ở Thái Bình, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Vào Nam sinh sống đã gần 20 năm, nhưng mỗi lần nhắc đến phà Tân Đệ lại thấy bồi hồi. Nhớ ngày xưa học đại học, mỗi lần về quê, đặc biệt là những dịp nghỉ Tết hay lễ Quốc khánh cứ phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ qua phà. Giờ ở đây đã có một cây cầu hiện đại thay thế. Tất cả những tồn tại của bến phà xưa như: Tắc đường, trộm cắp, móc túi… giờ đã được giải quyết, tôi thấy rất vui. Khi nào về quê nhất định tôi phải đến đây để ôn lại kỷ niệm”. 
 

Cầu Tân Đệ được khởi công năm 1999 và khánh thành năm 2002, do Ban QLDA18 (nay là Ban QLDA2) làm chủ đầu tư và được thi công bởi các đơn vị thuộc hai Tổng công ty CIENCO1, CIENCO4 (Bộ GTVT) và nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc). Cầu Tân Đệ có tổng đầu tư 249 tỷ đồng, là một trong những cây cầu bê tông cốt thép lớn và khó xây dựng nhất nước ta thời điểm đó.

Đối với hai tỉnh Thái Bình và Nam Định, cây cầu là niềm mơ ước khôn nguôi của gần 4 triệu dân khi ấy, bởi nó đã nối hai bờ sông Hồng cách trở với bao khó khăn về giao thông. Ngày 8/2/2002, khi cây cầu được khánh thành, hàng nghìn người dân ở cả hai tỉnh đã tập trung hai phía đầu cầu chứng kiến lễ thông xe và gắn biển tên cho công trình. Một điều đặc biệt là đầu cầu Tân Đệ phía Thái Bình cách không xa Cột “Km số ba”, một chứng tích lịch sử ghi nhớ trong tâm trí nhiều người về nạn đói năm Ất Dậu (1945). Vì thế, cây cầu mới cũng giống như một dấu mốc đặc biệt đối với người dân hai bên cầu, mở ra thời kỳ mới cho việc thông thương, đi lại thuận tiện và phát triển kinh tế.

Hôm khánh thành cầu, nhiều cụ già đã rủ nhau đi bộ trên cầu trước khi lễ khánh thành được tổ chức. Nhiều người không cầm được nước mắt xúc động bởi chưa bao giờ họ dám nghĩ đến ngày có thể thong dong tản bộ qua sông mà không phải lụy đò như ngày hôm nay. Thậm chí, nhiều người chèo đò chở khách qua sông, những chị bán hàng rong ở hai đầu bến phà cũng tỏ rõ sự vui mừng trước cây cầu mới, dù biết rằng khi có cầu, cuộc sống mưu sinh quanh hai đầu bến phà sẽ không còn nữa.


“Đối với hai tỉnh Nam Định và Thái Bình, QL10 là tuyến đường độc đạo. Việc đưa cầu Tân Đệ vào sử dụng đã giúp cho giao thông qua hai tỉnh này thông thoáng. Tuyến đường này kết nối với QL21 và QL18 đã tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn, tạo đà thuận lợi cho giao thương và thu hút đầu tư công nghiệp. Đối với thành phố dệt Nam Định vốn được mệnh danh là “Thành phố xe đạp”, từ khi có QL10 và cầu Tân Đệ đã từng bước thay da đổi thịt, trở thành một đô thị hiện đại, với các khu đô thị, công nghiệp mới nằm ven trục đường này” - ông Phạm Quang Vinh chia sẻ.

Tiến Mạnh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.