Xã hội

Mua nhà "ôm" thêm cột, người dân phải được đền bù

26/02/2014, 18:49

Đa số các ý kiến cho rằng, quy định này là lạm quyền, gây thiệt hại cho người dân và yêu cầu bồi thường cho người dân đã bị tính sai diện tích.

Tại phiên giải trình (để Bộ Xây dựng báo cáo về việc ban hành Thông tư 16/2010 hướng dẫn cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư tính từ tim tường) do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) tổ chức chiều 25/2, đa số các ý kiến cho rằng, quy định này là lạm quyền, gây thiệt hại cho người dân và yêu cầu bồi thường cho người dân đã bị tính sai diện tích.

(Ảnh minh họa: TTXVN)
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Không sử dụng vẫn phải trả tiền

Cũng phải nói thêm rằng, trước khi có phiên giải trình này, ngày 20/2, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03 (sửa đổi bổ sung Thông tư 16), theo đó diện tích sàn căn hộ chung cư theo phương pháp tính từ tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ đã được bãi bỏ.

Tuy nhiên, tại phiên giải trình, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng vẫn cho rằng, về nguyên tắc, toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư (cả phần sở hữu riêng của căn hộ và phần sở hữu chung) đều tính vào giá bán các căn hộ và các phần sở hữu riêng khác (nếu có). Vì vậy nếu tính diện tích sàn căn hộ theo cách tính tim tường thì đơn giá bán 1m2 sàn căn hộ sẽ giảm xuống. Ngược lại, nếu tính theo cách tính thông thủy thì đơn giá sẽ tăng lên nhưng tổng giá bán căn hộ của 2 trường hợp này đều không đổi. “Như vậy dù tính theo cách nào thì người mua cũng không bị thiệt thòi về quyền lợi”, ông Nam nói.

Trong khi đó, TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) khẳng định: cách tính diện tích theo tim tường trái với Luật Nhà ở, Nghị định 71 hướng dẫn thực hiện luật này và Bộ Luật dân sự. Theo ông Sơn, dù hướng dẫn 2 cách tính nhưng các chủ đầu tư chỉ tính theo cách tính tim tường, có lợi cho họ và gây thiệt hại cho người dân mua chung cư. "Chủ đầu tư đã lợi dụng ưu thế của mình để sử dụng diện tích chung thuộc cộng đồng dân cư để kinh doanh và các mục đích khác. Thực tế hiện nay rất nhiều nơi đã hình thành “khu tô giới mới”. Người dân vào đây ở phải chịu nhiều nghĩa vụ, quản lý phức tạp", ông Sơn nói và mong muốn Bộ Xây dựng có phương án giải quyết tốt vấn đề này.
 
Người dân phải được đền bù!

Theo ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, bắt người ta phải "ôm" cái cột trong suốt cuộc đời là không hợp lý, không hợp pháp. Bộ Xây dựng đã sửa thông tư nhưng vấn đề là khắc phục, truy cứu trách nhiệm thế nào? "Phải điều tra xem có bao nhiêu căn hộ phải “ôm” cả cột như thế? Lợi ích thuộc về ai khi có cả triệu căn hộ "ôm" thêm cả cột, hộp kỹ thuật như thế", ông Đương nói và cho rằng, đây là vấn đề rất hệ trọng, vấn đề trách nhiệm nên cần có những bước đánh giá thiệt hại, bồi thường, xử lý tiếp theo.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật chất vấn: Nếu Thông tư 16 mà Bộ Xây dựng ban hành là đúng thì sửa làm gì, sao lại có Thông tư 03, ban hành một cách vội vàng, sau 5-6 ngày ban hành chúng tôi mới biết đến.  

Đại diện cho các hộ dân ở Keangnam, bà Trịnh Thúy Mai đặt câu hỏi, Thông tư 03 có hiệu lực từ 8/4 thì chỉ những hợp đồng sau này được giải quyết, còn hợp đồng đã ký kết trước đó tính thế nào? "Trong hợp đồng mua bán không hề đề cập đến sở hữu chung này (cột, hộp kỹ thuật) và không hiểu khi đưa ra tòa thì tòa xử như thế nào?. Rồi sổ đỏ đã cầm rồi, tới đây đưa đi sửa lại cũng rất phức tạp", bà Mai nói. Còn bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của QH cho rằng, nên chăng doanh nghiệp đã thu rồi thì giờ tính toán trả lại cho người dân.

Kết luận tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho rằng, Thông tư 16 đã hướng dẫn quy định sai thẩm quyền, không có trong nghị định và luật, gián tiếp mâu thuẫn với quy định về sở hữu chung trong Bộ Luật dân sự. "Không thể chuyển sở hữu chung thành sở hữu riêng như thế được. Quy định cho cách lựa chọn như vậy đã khiến các doanh nghiệp chỉ tính diện tích căn hộ từ tim tường, khiến diện tích căn hộ thấp hơn so với hợp đồng, làm xấu đi thị trường bất động sản đang xấu đi như hiện nay. Doanh nghiệp hưởng lợi, còn thiệt hại người dân gánh chịu", ông Lý nói và cho rằng đây là bài học kinh nghiệm. Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên môi trường cần nghiên cứu để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.

Thanh Hòa

Hợp đồng bán căn hộ phải rõ diện tích sở hữu riêng

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 3/2014/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng mua bán chung cư thương mại phải ghi rõ: phần diện tích thuộc sở hữu, sử dụng chung, phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư; diện tích sàn xây dựng căn hộ; diện tích sử dụng căn hộ (diện tích thông thủy) để tính tiền mua bán căn hộ; khoản kinh phí bảo trì 2% tiền bán nhà ở; mức phí và nguyên tắc điều chỉnh mức phí quản lý vận hành nhà chung cư trong thời gian chưa thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Kèm theo hợp đồng là Bản nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư do chủ đầu tư ban hành, bản vẽ thiết kế mặt bằng căn hộ, mặt bằng tầng có căn hộ và mặt bằng nhà chung cư có căn hộ mua bán đã được phê duyệt.

Thông tư cũng nêu: diện tích sử dụng căn hộ được tính theo kích thước thông thủy, bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công, lô gia (nếu có) gắn liền với căn hộ đó, không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ… Những hợp đồng có nội dung này mới được xem là cơ sở để cấp “sổ đỏ”. Thông tư có hiệu lực từ ngày 8/4/2014.

Huy Lộc

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.