Thị trường

Mục tiêu xuất khẩu gần 400 tỷ USD: Chờ cú hích từ Trung Quốc

10/02/2023, 08:02

Trung Quốc mở cửa, thắp lên hy vọng cho mục tiêu xuất khẩu 393-394 tỷ USD của Việt Nam, khi “bóng ma suy thoái” vẫn phủ lên nhiều bạn hàng lớn.

Thị trường châu Âu, châu Mỹ gặp khó

Những tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam đối diện với "cơn gió ngược" từ thị trường quốc tế. Nhu cầu suy giảm ở các đối tác lớn như Mỹ, EU đã khiến không ít doanh nghiệp đói đơn hàng, cắt giảm lao động.

Dù vậy, số liệu của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho thấy, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực châu Âu, châu Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng khoảng 9,4% so với năm 2021, đạt hơn 230 tỷ USD.

Trong đó, xuất khẩu đạt 184 tỷ USD tăng 12,3% và chiếm tỷ trọng gần 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022. Nhập khẩu đạt hơn 46 tỷ USD giảm 1% và chiếm tỷ trọng 12,8% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

img

Trung Quốc mở cửa biên giới, xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ khởi sắc. Ảnh: Báo Lào Cai

Thặng dư thương mại với thị trường này đạt tới 138 tỷ USD giúp cán cân thương mại của Việt Nam đạt mức thặng dư 12,4 tỷ USD. Nếu không gặp phải “biến cố” từ quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không dừng lại ở mức tăng 10,6%.

Đến nay, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng vẫn khiến nhu cầu tiêu dùng giảm tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu – châu Mỹ, ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Bộ Công thương đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 khoảng 6% so với năm 2022, tương đương kim ngạch xuất khẩu từ 393-394 tỷ USD.

Đại diện một doanh nghiệp FDI có lượng xuất khẩu lớn cho biết: Dự kiến đến quý III/2023 tình hình mới có thể sáng sủa hơn. Còn hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên và hưởng 85% lương. Đó cũng là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp.

Trong tham luận tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập đánh giá: Tình hình thị trường đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất lợi trong quý IV/2022 và dự kiến sẽ khó khăn hơn trong năm 2023, thậm chí có thể tiếp tục phức tạp trong thời gian dài hơn.

“Thu nhập giảm, cầu tiêu dùng yếu ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm được dự báo trong năm 2023 chắc chắn sẽ khiến quy mô thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh gia tăng giữa hàng hóa từ Việt Nam và từ các đối thủ cạnh tranh khác, thậm chí với các ngành sản xuất nội địa ở các thị trường này, đặc biệt là cạnh tranh về giá”, bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.

Cơ hội từ Trung Quốc và khai phá thị trường mới

“Tình hình thị trường nhìn chung vẫn khá ảm đạm” là nhận định của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp về xuất khẩu năm 2023.

Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, các lợi thế từ hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các ưu đãi thuế quan tiếp tục được mở rộng theo lộ trình trong thời gian tới, có thể là một công cụ hỗ trợ đặc biệt quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh để có thể tiếp tục giữ và mở rộng thị phần ở các thị trường này.

Hiện nay các thị trường như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Hà Lan... chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Nhưng, đánh giá của Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) cho thấy: Tuy còn là thị trường nhỏ, nhưng những thị trường khu vực Bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh đang có tốc độ tăng trường cao so với những năm trước. Đây là các thị trường còn nhiều dư địa khai thác đồng thời cũng đang đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đáng ghi nhận trong những năm trở lại đây. Điển hình như: Ba Lan (11%), CH Séc (14,6%), Đan Mạch (40%), Rumani (tăng 52,6%), Slovenia (14,1%), Latvia (20,2%), Bungary(31%)…

“Nếu có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này. Đồng thời cũng cần gia tăng, đa dạng hóa những sản phẩm mũi nhọn trong xuất khẩu, đẩy mạnh trao đổi các nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…”, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ nêu định hướng.

img

Ùn ứ nông sản là diễn biến nóng thời gian Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19

Mặt khác, những tín hiệu từ việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19, mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ tạo cú hích cho hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là nông sản.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng: Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua, việc Trung Quốc loại bỏ chính sách Zero-Covid rõ ràng là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023.

Thực tế, trong 2 năm qua, các cửa khẩu phụ, lối mở giữa Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên trong trạng thái đóng mở bất thường. Thương mại xuyên biên giới hai nước gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó rau quả, gạo, hàng dệt may, hạt điều, dầu thô, sản phẩm từ chất dẻo... bị sụt giảm mạnh.

Dù vậy, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc viễn cảnh kinh tế thế giới năm 2023 không đến mức đen tối như các dự báo hồi tháng 10/2022 cũng sẽ giúp cho nhu cầu với hàng xuất khẩu hồi phục dần. Điều quan trọng là doanh nghiệp đã thích ứng với tình hình địa chính trị, do đó, giao thương quốc tế chắc chắn sẽ khá hơn nếu xung đột Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn. “Do đó, tôi yên tâm về mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%”, ông Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, chuyên gia này cho rằng: Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phải nắm lại thị trường truyền thống để xem bạn hàng của mình yêu cầu gì, từ giá cả, mẫu mã, đến chất lượng. Các doanh nghiệp cần tính toán bài toán cạnh tranh, bởi lẽ khi Trung Quốc mở cửa thì họ cũng xuất khẩu rất mạnh những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh.

“Điều này Bộ Công thương, các đại sứ quán cũng phải vào cuộc, bởi để cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tự làm việc sẽ tốn kém lắm”, TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.