Âm nhạc

Mừng vì bỏ cấp phép phổ biến ca khúc miền Nam trước 1975

Việc bãi bỏ cấp phép phổ biến ca khúc miền Nam trước năm 1975 được dư luận ủng hộ.

img

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có nhiều bài hát sáng tác trước năm 1975, trước đây trong diện phải xin phép (Trong ảnh: Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh)

Nhiều bạn đọc cho rằng, quy định không hợp lý trong Nghị định 79 về nghệ thuật biểu diễn đã làm khó hoạt động sân khấu ca nhạc. Nhiều nhạc sĩ và gia đình phải nộp đơn xin được biểu diễn với từng ca khúc, trong đó có trường hợp gia đình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Việc này hợp lòng dân và hợp nhận thức chung của xã hội, không ở đâu còn chuyện đi xin phép và kiểm duyệt từng bài hát như ở Việt Nam. Cảm ơn báo chí đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng này để có được kết quả như ngày hôm nay - độc giả Tuấn Hoàng (TP HCM) gửi bình luận về hộp thư bạn đọc của Báo Giao thông.

Độc giả Hòa An (Hà Nội) viết: “Hãy để người dân được nghe những ca khúc họ yêu thích. Cần những tiêu chí để nhà sản xuất tự biết tác phẩm nào bị cấm, chứ không nên bắt người liên quan vác đơn đi xin cấp phép cho từng bài hát như từ trước đến nay. Tôi ủng hộ quan điểm tiến bộ này của Nghị định 144”.

Lịch sử Việt Nam rất đặc thù, nếu không kiểm soát tốt sẽ có việc có những bài hát không phù hợp được xuất hiện trên các sân khấu lớn. Lúc đó, phạt vài chục triệu không thể so sánh được với hậu quả đã diễn ra - độc giả Quốc Hiệp (Bình Dương) viết.

Tôi ủng hộ hậu kiểm, văn minh thì nên thế. Nghị định đã chỉ rõ 4 điều cấm, các nhà sản xuất, tổ chức biểu diễn sẽ biết chọn bài hát nào không ảnh hưởng tới họ - bạn đọc Lưu Vinh (Đồng Nai) bình luận.

Theo Nghị định 144 được ký ngày 14/12/2020, danh sách các bài hát được biểu diễn phải không vi phạm danh mục cấm như sau:

Thứ nhất, cấm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, cấm xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Thứ ba, cấm kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.

Thứ tư, cấm sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.