Quản lý

Muốn đột phá TP.HCM phải có cơ chế siêu đô thị

03/05/2017, 15:35

TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần có cơ chế phù hợp để TP.HCM có bước đột phá trong giai đoạn mới, phát triển...

131

TS. Trần Du Lịch

Là người gắn bó với TP.HCM trong suốt gần 50 năm qua, TS. Trần Du Lịch, Nguyên phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, cần có cơ chế phù hợp để TP.HCM có bước đột phá trong giai đoạn mới, phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế của mình.

Quy mô đô thị tăng 3 lần

Ông có thể khái quát lại những dấu mốc tạo sự đột phá của TP HCM qua các giai đoạn từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay?

Trong 10 năm (1975 - 1985), TP.HCM là một trong những nơi thấm thía nhất hệ quả của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, ngăn sông cấm chợ. Trong quá trình đó TP.HCM đã có những bước xé rào để tồn tại và phát triển với sự bản lĩnh của những vị lãnh đạo thời bấy giờ. Đặc biệt giai đoạn từ 1981 - 1986, những cơ chế xé rào của thành phố đã đóng góp vào sự hình thành đổi mới cho cả nước.

TP.HCM đóng góp 1/3 GDP cả nước

TP.HCM là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất, đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng GDP của thành phố chiếm 1/3 GDP của cả nước. Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT TP HCM cho biết, năm 2016, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) ước đạt 1.023.926 tỷ đồng, tăng 8,05% so cùng kỳ, hoàn thành kế hoạch cả năm đạt 8-8,5%. Khu vực dịch vụ tăng 8,07%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,88%. Xuất khẩu tăng trưởng khá, nếu không tính giá trị dầu thô đạt 29,2 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ. Thu ngân sách thực hiện 307.336 tỷ đồng, đạt 103,03% dự toán, tăng 12,43% so cùng kỳ.

Giai đoạn 1986 - 2000 là thời kỳ TP.HCM chuyển hoạt động sang cơ chế thị trường. Với bề dày và truyền thống cơ chế thị trường đã tồn tại ở vùng đất này, TP HCM đã đóng góp rất nhiều về mặt cơ chế chính sách để xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế thị trường của nước ta. Chẳng hạn từ năm 1989, trong khi chưa có luật gì cả thì TP.HCM đã tự ra một quyết định để quy định các loại hình doanh nghiệp, từ công ty cổ phần đến các công ty TNHH… để cho doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn phát triển. TP.HCM cũng đi đầu trong việc hình thành các khu chế xuất, đi đầu trong việc đổi đất lấy hạ tầng để xây dựng các khu đô thị, những tuyến đường giao thông, hình thành nên khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đường Nguyễn Văn Linh.

Có những cơ chế lúc đó xuất phát từ TP.HCM sau này được áp dụng rộng rãi trong cả nước. Tôi nhớ lần đầu tiên chuyển quyền khai thác hai tuyến đường Vùng Hương, Điện Biên Phủ cho một công ty cổ phần thay Nhà nước thu phí, lúc đó cũng nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, Nhà nước bán đường cho tư nhân. Nhưng thành phố vẫn quyết định và trở thành cơ chế BOT, BT hiện giờ được áp dụng rất nhiều ở các địa phương.

Từ năm 2000 đến nay, lúc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 20 định hướng vị trí, vai trò, nâng tầm TP.HCM làm sao để sánh cùng các TP lớn trong khu vực như: Bangkok, Jakatta, Kuala Lumpur, Singapore…, đặt TP.HCM như một đầu tàu động lực để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Trong quá trình đó, TP.HCM không ngừng phát triển. Nếu năm 1986, TP.HCM đóng góp 13% thì 30 năm sau mức đóng góp tăng lên 21% GDP cả nước. Trong 300 năm, Sài Gòn - Gia Định chỉ đô thị hóa được 150km2, nhưng chỉ 30 năm trở lại đây quy mô đô thị hóa tăng 500km2, tăng 3 lần.

Thành phố đã khai thác hết những tiềm năng của mình để phát triển hay chưa, thưa ông?

Đây là vấn đề trăn trở của thành phố. Tôi nhớ kỳ Đại hội nào cũng đánh giá “Thành phố tuy có phát triển nhưng chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của mình”. Đầu tiên là lợi thế về vị trí cũng như năng lực cạnh tranh và thu hút. Hiện nay, tỷ lệ dân nhập cư rất đông nhưng thành phố chưa tạo được nguồn lao động chất lượng cao mà chủ yếu là lao động phổ thông. Hay như vấn đề phát triển đô thị hiện nay có mở rộng nhưng không theo quy hoạch, hệ lụy là tắc nghẽn giao thông, ngập… Đặc biệt là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế quá chậm, chưa có sản phẩm công nghiệp đặc thù. Sản phẩm du lịch nghèo nàn, chưa tạo được cái riêng.

132

TP Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao

Cần cơ chế phù hợp để TP.HCM tiếp tục đột phá

Trong giai đoạn hiện nay, theo ông cần cơ chế gì để TP HCM tiếp tục có những bước phát triển đột phá?

Thành phố đã nhận thức, mô hình quản lý đô thị hiện nay không còn phù hợp, nên từ năm 2007 đã đề xuất mô hình chính quyền đô thị. Làm sao việc quản lý đô thị khác nông thôn, bộ máy hành chính khác hoàn toàn, đáp ứng đặc thù của đô thị. Có người ví rằng mô hình quản lý hiện nay của TP.HCM như chiếc áo quá chật so với một cơ thể quá lớn. Vì vậy, hiện nay TP.HCM đang nghiên cứu một cơ chế phù hợp cho một siêu đô thị. Bởi với sự phát triển của một siêu đô thị, phải phát triển theo hướng một đô thị vùng TP.HCM tức là bao gồm các đô thị lân cận thành một chuỗi đô thị chứ không riêng gì TP.HCM.

Tôi lấy ví dụ hiện nay việc quản lý lề đường hiện nay là trách nhiệm của phường hay của ai? Nguyên tắc là một công vụ chỉ một cấp chính quyền làm, chứ không phải cấp nào cũng có trách nhiệm rồi không minh bạch, không rõ ràng.

Hay với cơ chế lương như hiện nay không thể một công chức phường toàn tâm toàn ý cho công việc được. Điều này ai cũng thấy rõ là còn nhiều bất cập. Thành phố xin một cơ chế làm sao chỉ một công chức nhưng làm việc bằng 3 công chức khác và hưởng lương 3 người thì có được không?

Ông đánh giá như thế nào về thế hệ lãnh đạo của TP.HCM giai đoạn hiện nay?

Tôi không dám đưa ra đánh giá tốt hay chưa tốt, nhưng vấn đề trẻ hóa, năng động hơn là điều kiện tốt cho sự phát triển của thành phố giai đoạn hiện nay. Vừa qua, riêng chuyện chấn chỉnh trật tự lòng lề đường cũng là điểm đáng hoan nghênh cho thấy sự năng động, quyết liệt của nhiều lãnh đạo trẻ trong bộ máy chính quyền.

Lãnh đạo thành phố khát vọng đưa TP.HCM thành Hòn ngọc Viễn Đông. Theo ông để làm được cần những giải pháp nào?

Chúng ta đã định hình là phát triển thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, một thành phố đáng sống. Nhưng, như tôi đã nói, điều tiên quyết là phải có cơ chế quản lý phù hợp để TP.HCM tiếp tục có sự đột phá mới, tiếp tục phát triển xứng tầm với vai trò và vị thế của mình trong khu vực.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.