Thế giới

Mỹ thông qua nghị quyết về Biển Đông và Hoa Đông

21/11/2014, 21:17

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 20/11 đã thông qua một nghị quyết tái khẳng định sự cần thiết phải tìm giải pháp cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Đêm 20/11, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết về biển Đông
Đêm 20/11, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết H.Res-714 về biển Đông

Nghị quyết nói trên mang mã số H.Res-714, do Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Eni Faleomavaega bảo trợ, đã được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nhất trí thông qua, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ và Quốc hội Mỹ đối với các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình và trên cơ sở các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được các nước công nhận đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghị quyết lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển và vùng trời ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Ed Royce cho biết: “Nghị quyết kêu gọi giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp lãnh thổ hiện nay tại Biển Đông, một trung tâm thương mại quan trọng với nhiều tuyến hàng hải, nguồn năng lượng và ngư trường. Đây là bản thiết kế để giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình.”

Nghị quyết H.Res-714 cũng lên án mọi hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây cản trở các quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế. Nghị quyết hối thúc Trung Quốc kiềm chế thực thi quyết định Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, coi đây là một hành động đi ngược quyền tự do bay qua không phận quốc tế, hối thúc nước này không có các hành động tương tự tại các vùng biển khác của châu Á-Thái Bình Dương. Nghị quyết kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đồng minh, bạn bè của Mỹ và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hạ nghị sỹ Eni Faleomavega nói :“Dù không phải là bên liên quan, nhưng Mỹ có lợi ích trong việc giải quyết một cách hòa bình, thông qua con đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế đối với các đòi hỏi gây tranh cãi. Mỹ có lợi ích trong tự do hàng hải và hàng không, các hoạt động thương mại tự do không bị cưỡng ép, hăm dọa hoặc sử dụng vũ lực”.

Q.M (Theo AP, CNN, Washington Post)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.