Xã hội

Nên ưu tiên tiêm vaccine Covid - 19 cho ai?

06/08/2021, 06:00

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, tùy theo đặc thù mà mỗi ngành chọn đối tượng ưu tiên để tiêm trước, khi lúc này chưa có đủ vaccine.

Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu đến hết quý I/2022 tiêm chủng cho khoảng 70% dân số. Hiện nay, hầu hết mọi người dân đều đang mong muốn được tiêm ngay, trong khi nguồn vaccine có hạn.

Trò chuyện với Báo Giao thông, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng, dù đã có quy định về đối tượng ưu tiên, song cần linh hoạt trong việc lựa chọn để phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

img

Ông Trần Đắc Phu. Ảnh: Tạ Hải

Phải huy động cả y tế tư nhân tham gia

Chiến lược tiêm chủng vaccine lớn nhất lịch sử đã được tiến hành một thời gian, ông đánh giá thế nào về việc triển khai trên thực tế? Làm thế nào để đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm?

Tại Việt Nam, chúng ta đã cấp phép cho lưu hành các loại vaccine: AstraZeneca, Pfizer, Modenar, Johnson&Johnson, Sputnik V, Sinopharm. Hiện, Việt Nam đang tổ chức tiêm ở các địa phương cho đối tượng nguy cơ cao theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và theo kế hoạch Chiến dịch tiêm chủng vaccine của Bộ Y tế.

Đối tượng có nguy cơ cao ở đây được hiểu là phải gắn liền với địa bàn có nguy cơ cao, đang có dịch như: TP HCM, Bình Dương, Long An…, nơi mà mật độ hoạt động giao thương, đi lại lớn như Hà Nội, Đà Nẵng.

Muốn đẩy nhanh tốc độ, mỗi tỉnh, thành phố, mỗi quận, huyện, xã, phường, mỗi điểm tiêm phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng đợt vaccine.

Và cần lưu ý đối tượng tiêm là tất cả các đối tượng có mặt trên địa bàn, không phải là chỉ những người có hộ khẩu ở đó.

Đồng thời, huy động cả y tế tư nhân tham gia tiêm chủng, mở rộng các điểm tiêm lưu động, nơi công cộng được trưng dụng nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch. Phương châm là tiêm đến đâu an toàn đến đó.

Từ chính sách đến thực tiễn luôn có những điểm chênh nhất định. Tuy nhiên, khi chưa đủ vaccine thì cố gắng đảm bảo công bằng bằng việc thực hiện tốt theo đúng chủ trương của Chính phủ; ưu tiên đối tượng tiếp xúc với nguy cơ dịch bệnh cao.

Linh hoạt trong lựa chọn đối tượng ưu tiên

img

Tính đến hết ngày 2/8, Việt Nam đã tiêm 7 triệu liều vaccine Covid-19 (Trong ảnh: Tiêm vaccine Covid-19 cho người dân Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải

Thưa ông, với việc phân bổ theo ngành, lĩnh vực được ưu tiên tiêm và việc triển khai trên thực tế tại các địa phương thời gian qua có cần rút kinh nghiệm gì không? Bởi lẽ, trong mỗi ngành, không phải tất cả các bộ phận đều trực tiếp chống dịch nơi tuyến đầu hay có nguy cơ cao?

Cần phải hiểu rõ trong mỗi nhóm ngành được ưu tiên đó cần lựa chọn các đối tượng ưu tiên. Đối tượng ưu tiên là đối tượng tuyến đầu cũng như đối tượng sẽ tham gia tuyến đầu, đối tượng tiếp xúc, làm việc nơi có nguy cơ cao.

Tùy theo đặc thù mà mỗi ngành chọn đối tượng ưu tiên để tiêm trước, khi lúc này chưa có đủ vaccine. Còn sau này tất cả người dân trong diện tiêm chủng đều sẽ được tiêm.

Mọi người chưa thực sự hiểu đúng về điều này nên có thể đâu đó chưa thực hiện đúng với chủ trương về đối tượng ưu tiên.

Vậy, theo ông việc lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vaccine hiện nay đã hợp lý chưa?

Như đã đề cập, đối tượng ưu tiên đã được nêu rõ trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và được mở rộng hơn ở kế hoạch triển khai tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, việc lựa chọn đối tượng trên mỗi địa bàn cần linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch. Điều này cũng đã thể hiện khá rõ, trong giai đoạn đầu, khi có vaccine thì ưu tiên cho đối tượng tham gia chống dịch trước.

Đến khi dịch bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đối tượng ưu tiên đã được chuyển sang công nhân tại các khu công nghiệp, phù hợp với tình hình ở thời điểm đó.

Và hiện nay, đối tượng ưu tiên tiêm vaccine cũng đã có sự thay đổi nhất định theo diễn biến dịch. Chẳng hạn như ưu tiên cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền để giảm thiểu ca nặng và tử vong.

Hoặc tại các tỉnh, thành lớn đang giãn cách xã hội như TP HCM cũng đã tập trung ưu tiên với đối tượng cung ứng hàng hóa như shipper, nhân viên bán hàng… nhằm đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ xã hội.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh việc lựa chọn đối tượng ưu tiên cần được điều chỉnh một cách linh hoạt tại mỗi địa phương, theo diễn biến dịch.

Chẳng hạn, với đối tượng shipper ở các địa bàn giãn cách, có nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn thì cần ưu tiên, chứ không thể áp dụng với đối tượng này ở tất cả các nơi.

Trong điều kiện lượng vaccine còn hạn chế, yêu cầu đặt ra là vừa phải linh hoạt, vừa đảm bảo công bằng.

Không nên lựa chọn khi vaccine còn khan hiếm

img

Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu đến hết quý I/2022 tiêm chủng cho khoảng 70% dân số (Trong ảnh: Tiêm vaccine Covid-19 cho người dân Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải

Nhiều người có thể chưa tìm hiểu hết thông tin nên vẫn băn khoăn, việc nhập khẩu vaccine hiện nay có vướng gì không, vì sao lượng nhập về lại ít, khiến cho tốc độ tiêm chậm?

Vấn đề không phải vướng ở khâu không hỗ trợ doanh nghiệp nhập vaccine, bởi Chính phủ đã yêu cầu tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp để tận dụng cơ hội nhập khẩu.

Cái khó ở việc tiếp cận với nguồn cung ứng vaccine. Doanh nghiệp đơn thuần không thể tự nhập vaccine bởi còn liên quan đến nhiều yếu tố như phải có kho lạnh, bảo quản trên đường đi, lưu trữ, phải thông qua 1 trong 36 đơn vị đã được cấp phép nhập khẩu.

Hơn nữa hiện nay, nguồn cung vaccine có nhiều hạn chế, các hãng sản xuất vaccine lớn đều chỉ đàm phán với Nhà nước nên các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được.

Theo ông, với nguồn cung vaccine theo kế hoạch và tiến độ tiêm như hiện nay, mục tiêu tiêm cho 70% dân số để tạo miễn dịch cộng đồng sẽ thế nào? Ông có lời khuyên nào cho những người vẫn còn chút e ngại khi tiêm vaccine ngừa Covid-19?

Vì vaccine phòng Covid-19 vừa nghiên cứu vừa sản xuất, cấp phép và đưa vào sử dụng trong điều kiện khẩn cấp chưa đầy 1 năm nên về hiệu lực của vaccine chưa thật rõ ràng.

Có vaccine đạt hiệu quả trên 90% nhưng cũng có vaccine đạt hiệu quả từ 60 - 76% theo báo cáo của nhà sản xuất hoặc nước sử dụng.

Việc ngăn cản khả năng lây truyền bệnh, bảo vệ cho người được tiêm thời gian bao lâu vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu. Nhưng một điều chắc chắn là tiêm vaccine Covid-19 đã giảm triệu chứng cho những người mắc Covid-19, giảm tỷ lệ tử vong và giảm số người nhập viện điều trị.

Do khẩn cấp nên việc thử nghiệm lâm sàng cũng có hạn chế về đối tượng như trẻ em, phụ nữ có thai…, nên những đối tượng này chưa được tiêm hoặc trì hoãn…

Việc quyết định tiêm cho những đối tượng như phụ nữ có thai chẳng hạn, có thể tiến hành khi cân nhắc giữa rủi ro của việc lây nhiễm Covid-19 với rủi ro của tiêm vaccine...

Việc tiêm vaccine vừa là quyền lợi nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi người dân. Tất cả những ai thuộc đối tượng cần tiêm chủng hãy đi tiêm chủng để Việt Nam nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng.

Hiện nay, việc quản lý tiêm chủng đã được thực hiện bằng phần mềm. Người dân có thể đăng ký và theo dõi trên phần mềm một cách thuận lợi và có thể theo dõi suốt đời. Quá trình tiêm phòng của mỗi người cũng được liên thông quốc tế.

Đồng thời, ở thời điểm vaccine còn khan hiếm, người dân không nên lựa chọn vaccine, bởi các vaccine được cấp phép đều hiệu quả an toàn và đã được tiêm ở nhiều nước trên giới.

Cảm ơn ông!

Xem xét kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong đó giao Bộ Y tế nghiên cứu xem xét kiến nghị của Bộ GTVT về việc ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người điều khiển phương tiện, người tham gia vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện theo quy định.

Việt Nam đã nhận hơn 18 triệu liều vaccine Covid-19

Việt Nam vừa tiếp nhận thêm 1.074.380 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca (AZ), trong đó 659.500 liều mua từ AZ thông qua VNVC được phân bổ cho TP HCM và 414.880 liều do Chính phủ Vương quốc Anh & Bắc Ai-len viện trợ được phân bổ cho TP Hà Nội.

Trong ngày 3/8, Bộ Y tế đã điều chỉnh Quyết định 3600 về việc phân bổ vaccine phòng Covid-19 đợt 16 để phân bổ thêm cho TP TP HCM (tăng 319.000 liều) và TP Hà Nội (tăng 284.000 liều).

Như vậy, trong 3 đợt phân bổ vaccine gần nhất (đợt 16, 17, 18), TP HCM được cấp 1.148.500 liều và Hà Nội được cấp 868.880 liều. Ngoài ra, các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương tại TP HCM và TP Hà Nội được cấp lần lượt 40.000 liều và 74.500 liều trong các đợt này để tiêm cho người dân trên địa bàn.

Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 4.075.270 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%.

Tiếp theo, TP Hà Nội đã được phân bổ 2.943.770 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%.

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 18 triệu liều vaccine gồm các vaccine của AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer/BioNTech, Moderna và Sinopharm. Tới hết ngày 2/8, Việt Nam đã tiêm 7 triệu liều vaccine, trong đó gần 713.000 người đã tiêm đủ 2 mũi.

Tuy nhiên, con số về các đối tượng được tiêm phân theo ngành nghề, lĩnh vực vẫn chưa được thống kê cụ thể.

P.V

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.