Hồ sơ tài liệu

Nga lo ngại tân phát xít trỗi dậy ở Ukraine

06/03/2014, 06:43

Theo giới chức Nga, tình hình bất ổn tại Ukraine trong những ngày vừa qua có phần đóng góp không nhỏ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa phát xít mới.

Thành viên Svoboda
Thành viên Svoboda


Trả tiền biểu tình 


Cuối tháng 2 vừa rồi, giới chức Nga đã yêu cầu Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) có những động thái kiên quyết đối với tình trạng gia tăng những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa phát xít mới ở miền Tây Ukraine. Trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thư ký OSCE Lamberto Zannier, ông Lavrov đã lưu ý đại diện OSCE về những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa phát xít mới đang có dấu hiệu gia tăng tại miền Tây Ukraine, trong đó cả những ý đồ tìm cách hạn chế quyền lợi và cô lập cộng đồng những người nói tiếng Nga ở nước này. Nga cho rằng, OSEC cần lên án mạnh mẽ những hành động mang tính dân tộc cực đoan và phát xít như vậy.


Lo ngại của Moscow không phải vô căn cứ khi chỉ sau hai ngày lên nắm quyền điều hành, chính phủ lâm thời thông qua dự luật bãi bỏ quyền công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức của một số khu vực. Cho dù sau đó lệnh này được bãi bỏ nhưng vẫn bị xem là sự xúc phạm tới một nửa công dân nói tiếng Nga tại Ukraine. Như vậy, chính phủ lâm thời đã khơi nguồn tâm lý sợ hãi bị đàn áp trong những người nói tiếng Nga cũng như những người thân Nga. 


Trước đây, phe cực hữu chiếm thiểu số trong các cuộc biểu tình vốn có nhiều thành phần khác nhau tại Kiev và các thành phố khác. Tuy nhiên, phe này thường liên quan tới các cuộc đối đầu bạo lực nhất và các biểu tượng dân tộc chủ nghĩa thường xuất hiện tại quảng trường chính.


Moscow thường nói rằng, các cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở Kiev đã bị phe cực hữu cướp cờ, là những người sau đó đã lên nắm quyền trong một tân chính phủ có cả “những kẻ phát xít không giấu diếm”. 


Tờ France 24 cho biết, một cuộc biểu tình hòa bình rất khó để đạt được mục đích, nên buộc phe đối lập phải nhờ đến các phần tử cực đoan. Lực lượng này được phe trả 300 UAH (rúp Ukraine) cho một ngày ngồi biểu tình và 2.000 UAH cho những ai tấn công cảnh sát bằng bom xăng.
 

img

Lo ngại khủng bố


Hai nhóm cực hữu nổi tiếng nhất là Thành phần Hữu (Right Sector) và Tự do (Svoboda). Đảng Tự do theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi có bốn vị trí trong Chính phủ. Oleksandr Sych là Phó Thủ tướng và Oleh Makhnitsky trở thành trưởng công tố lâm thời. Đảng này cũng giữ vị trí trong mảng nông nghiệp và sinh thái học, nhưng lãnh tụ của đảng lại không có mặt trong Chính phủ. Lãnh đạo biểu tình Andriy Parubiy trở thành Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Một đồng sáng lập của Đảng Tự do, cũng là một trong những người phó của ông Parubiy tại NSC, là Dmytro Yarosh, người đứng đầu phái bán quân sự cực hữu trong nhóm Thành phần Hữu. Ngoài ra, Stepan Bandera, một nhân vật được một số người coi là anh hùng nhưng cũng bị một số khác cáo buộc là kẻ hợp tác với phát xít Đức trong các vụ thảm sát người Do thái và người Ba Lan.


Trong khi đó, những người ủng hộ chính phủ lâm thời Ukraine lại phong danh hiệu anh hùng cho hàng chục người thuộc nhóm Right Sector thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát tại Thủ đô Kiev hồi tháng trước. Trả lời phỏng vấn tờ TIME, Thủ lĩnh Right Sector - Dmitro Yarosh khẳng định muốn đưa đảng này trở thành một chính đảng tại Ukraine. “Đây là điều vô cùng nguy hiểm. Nhóm Right Sector đang ngày càng trở nên phổ biến. Yarosh có thể tranh cử chức vụ Tổng thống”, Nghị sĩ Hrihory Nemiriya nói. Không những thế, Yarosh còn khẳng định Nga là “kẻ thù thế kỷ của Ukraine” và kêu gọi trùm khủng bố Chechnya - Umarov “phát động cuộc chiến” chống Nga.


Do đó, hôm 1/3, hàng ngàn người đã xuống đường tuần hành tại TP Simferopol mang theo cờ Nga và bày tỏ lo sợ về vai trò của nhóm Right Sector trong chính phủ mới.

 

Nga không cho phép đổ máu ở Ukraine


Hôm qua (5/3), Ngoại trưởng Nga - Sergei Lavrov tuyên bố, Nga sẽ không cho phép tình hình Ukraine trở nên tồi tệ hơn. Tuyên bố  này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa chính quyền lâm thời Ukraine và Nga liên quan tới nước Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine, nơi có đa số người dân nói tiếng Nga. Phát biểu tại Madrid, ông Lavrov khẳng định, chính phủ Nga sẽ không để cho tình hình Ukraine trở nên xấu hơn nữa, cũng như không cho phép bất kỳ vụ tấn công nào nhằm vào cuộc sống và sức khỏe của những người sống tại Ukraine, cũng như chống lại người dân Nga tại Ukraine.

 

 (Theo AFP)


Ngọc Tiến
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.