Thế giới

Nga trở thành “ông kẹ” dầu mỏ ở Iraq

22/11/2019, 07:47

Nga tăng gấp đôi hoạt động và nỗ lực tại Iraq, nhất là những công việc liên quan đến hợp tác khai thác dầu mỏ.

img
Mỏ dầu West Qurna-2 tại TP Basra đang do Nga khai thác

Trong khi Thủ đô Baghdad, Iraq liên tục chứng kiến các cuộc biểu tình khiến các nhà đầu tư lo lắng, không ít nhà ngoại giao đã phải hồi hương về nước thì Moscow lại tăng gấp đôi hoạt động và nỗ lực tại đây, nhất là những công việc liên quan đến hợp tác khai thác dầu mỏ.

Chuyến thăm âm thầm của ông lavrov

Giữa tình hình đang có những biến động tại Iraq, Moscow không chỉ tiếp tục mở cửa Đại sứ quán kể cả trong những ngày cuối tuần xảy ra náo loạn mà Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov còn tới thăm Baghdad và Erbil vào cuối tháng trước.

Chuyến thăm của ông Lavrov được nhìn nhận như một nhiệm vụ ngoại giao đặc biệt bởi trong toàn bộ sự kiện hai bên không ký kết bất cứ thỏa thuận chính thức nào, các vấn đề chính trị, Syria và khủng bố dường như được đẩy xuống cuối chương trình nghị sự.

Thậm chí, trong các sự kiện họp hành, không có mấy nhà ngoại giao tham dự, thay vào đó, phần đông những người có mặt tại các sự kiện lại là các doanh nhân bao gồm đại diện đến từ các công ty khí đốt và dầu mỏ Nga Gazprom Neft, Rosneft, Soyuzneftegaz và Lukoil.

Ngoài ra, đại diện công ty xây dựng cơ sở năng lượng Nga Technopromexport và Tập đoàn Dịch vụ kỹ thuật - quân sự Liên bang Nga cũng góp mặt trong các sự kiện này.

Theo thông tin do một nguồn tin có quan hệ với Thủ tướng Iraq được Tạp chí Chính sách Ngoại giao của Mỹ viện dẫn, “hai bên chỉ bàn luận về các vấn đề quan hệ thương mại song phương”. “Phía Nga muốn đảm bảo các dự án của các công ty năng lượng Nga tại Iraq diễn ra suôn sẻ” - nguồn tin cho biết thêm.

Đây là điều không hề ngạc nhiên, bởi Nga đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào ngành năng lượng Iraq trong 9 năm qua, do đó mối quan tâm của Moscow tại đất nước này chủ yếu tập trung vào các vấn đề thương mại.

Thực tế, trong số các công ty dầu mỏ tại Iraq, hoạt động của các công ty Nga rất nổi bật. “Đất nước bạch dương” đã ký các hợp đồng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trong dài hạn và cổ phiếu của các doanh nghiệp Nga liên tục tăng theo thời gian.

Chẳng hạn, trong năm 2009, Công ty Lukoil của Nga đã giành được một trong những hợp đồng dầu mỏ đầu tiên trong thời kỳ hậu chiến tại Iraq, đó là dự án phát triển West Qurna-2 tại TP Basra.

Dự án này có thời hạn 25 năm với mục tiêu sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày, nhưng hoạt động hiện tại ở đây đang đại diện 9% tổng sản phẩm dầu thô và 12% xuất khẩu dầu mỏ của Iraq.

Một số thỏa thuận khác từ năm 2011, bao gồm dự án đầu tư của Gazprom cùng các đối tác tại miền Trung Iraq và riêng khu vực người Kurd trị giá 2,5 tỷ USD. Chẳng hạn, Gazprom đã sản xuất 3 triệu thùng dầu từ các mỏ dầu Sarqala ở Garmian và họ cũng vừa công bố một số dự án khai thác khác tại các mỏ dầu ở Halabja và Shakal.

Mới tháng 9 vừa rồi, Công ty Stroytransgaz của Nga giành được hợp đồng khai thác khí đốt và dầu mỏ trong 34 năm tại tỉnh Anbar của Iraq. Đây là thỏa thuận mà ông Lavrov đã đặc biệt gửi lời cảm ơn tới Iraq khi có chuyến thăm tới nước này, theo nguồn tin tại văn phòng Thủ tướng Iraq.

Nga không chỉ quan tâm tới các mỏ dầu do chính họ tổ chức khai thác mà còn nắm giữ cổ phần tại nhiều công ty khai thác nhiên liệu trong khu vực như Rosneft sở hữu 60% cổ phần của dây chuyền xuất khẩu dầu Kurdistan Oil Pipeline.

Mùa xuân năm 2018, Rosneft cũng thông báo việc ký kết thỏa thuận với Cơ quan Tài nguyên Môi trường của chính quyền người Kurd ở Iraq (KRG - một cộng đồng của người Kurd tại Iraq) để phát triển hạ tầng khí đốt và dầu mỏ bao gồm một đường ống dẫn khí mới dự kiến có khả năng xuất khẩu lên tới 30 tỉ m3 khí đốt/năm. Con số đó ước tính xấp xỉ 6% nhu cầu khí đốt của toàn bộ châu Âu.
Theo một chính trị gia Iraq giấu tên, hồi tháng 11 năm ngoái, “với thỏa thuận này, Nga đã nắm khá nhiều quyền lực về chính trị tại Iraq. Dầu mỏ chiếm khoảng 96% hoạt động xuất khẩu của Iraq nhưng nếu không có đường ống để xuất khẩu, dầu sẽ chẳng có giá trị gì với quốc gia này. Do đó, hiện tại về cơ bản, Nga đang kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu của Baghdad”.

Cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị với Mỹ

Moscow không phải là quốc gia đầu tiên đầu tư mạnh vào khí đốt và dầu mỏ của Iraq.

Sau sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein năm 2003 và Iraq bị chiếm đóng, gần như không có sự xuất hiện của các công ty Nga đối với các mỏ dầu của đất nước Tây Á này.

Nhưng tất cả đã thay đổi sau khi xung đột tôn giáo gia tăng tại Iraq vào năm 2009. Trong khoảng thời gian đó, nhiều công ty dầu mỏ của phương Tây (như ExxonMobil và Chevron) rời bỏ khu vực này hoàn toàn hoặc một phần vì vấn đề an ninh. Ngay lập tức, các công ty của Nga nhảy vào thế chỗ và nhận được sự chào đón nhiệt tình từ Iraq.

Một thủ lĩnh của KRG từng chia sẻ trên tờ Foreign Policy tháng này cho biết: “Một thời gian dài trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, an ninh và chính trị gần đây, đầu năm 2012, người Nga đã xuất hiện, hợp tác với người Kurd tại Iraq như một nhà đầu tư quốc tế mạnh mẽ.

Thời điểm đó, người Kurd không cần tới Nga vì Mỹ hiện diện quá mạnh và hỗ trợ trong khu vực, nhưng sau đó, khi các thủ lĩnh người Kurd thất vọng vì người Mỹ, sự xuất hiện của Nga dường như càng lớn mạnh và thân thiện hơn”.

Thậm chí, các lệnh trừng phạt từ Mỹ cũng không khiến Nga hay Iraq e ngại. Một số công ty đang phát triển dầu Iraq bao gồm Gazprom và Rosneft đều nằm trong các danh sách trừng phạt của Mỹ vì cáo buộc có liên quan tới việc Crimea ly khai khỏi Ukraine và việc Nga tham gia vào xung đột tại miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, giới chức Baghdad không hề tỏ ra lo ngại. Một quan chức Iraq có lần nói: “Lâu nay, Iraq vẫn hợp tác với các công ty Nga nằm trong lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, các thỏa thuận đó đều không bị ảnh hưởng trước các phản ứng mạnh mẽ từ Washington nên chúng tôi không thấy có vấn đề gì”.

Có thể thấy, sự ảnh hưởng của Nga về dầu mỏ tại Iraq và Syria không chỉ tác động mạnh tới nền kinh tế trong dài hạn của Mỹ mà còn là cú đánh về chính trị khiến ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông giảm sút. Bởi, dầu mỏ gần như là “đồng tiền chính” tại hai quốc gia Tây Á nên bất cứ ai kiểm soát được nó đồng nghĩa họ có tiếng nói quyết định tại khu vực này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.