Hồ sơ tài liệu

Nga - Trung bắt tay, Đông Nam Á sẽ thế nào?

21/01/2022, 11:33

Năm 2021, Nga và Trung Quốc đã tiến đến mối quan hệ “chưa có tiền lệ” và “không giới hạn”.

Đầu 2022, trong khi Mỹ và nhiều đồng minh lớn từ chối đưa quan chức cấp cao tới Olympic Bắc Kinh, Tổng thống Putin tuyên bố đích thân sang dự.

Mối quan hệ Nga - Trung đang ở một tầm cao mới và sẽ tác động tới cán cân quyền lực nhiều khu vực, trong đó có Đông Nam Á.

img

Hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Tập Cận Bình ca ngợi quan hệ Nga - Trung đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử. Ảnh: AP

Cú “bắt tay’’ lịch sử

Trong những năm 1960, quan hệ Trung - Nga đã phai nhạt khi có sự chia rẽ về ý thức hệ và các cuộc xung đột biên giới diễn ra sau đó.

Hiện tại, theo nhận định của ông Stuart Orr, người đứng đầu Trường Kinh doanh thuộc Học viện Công nghệ Melbourne, cả hai nước vẫn đang theo đuổi hai con đường khác nhau, song Trung Quốc và Nga đã và đang tăng cường quan hệ rõ rệt trên mọi mặt.

Ian Storey, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Yusof Ishak - ISEAS cho rằng, quan hệ Nga - Trung đang ở một giai đoạn tốt đẹp và mang tính lịch sử. Điều này xuất phát từ sự lo ngại về ưu thế của Mỹ, sự hiệp đồng về kinh tế và mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo của 2 quốc gia.

Mức độ tin cậy ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc được thể hiện qua phạm vi, tần suất, mức độ phức tạp của các cuộc tập trận quân sự chung và sự hợp tác ngày càng tăng trong các lĩnh vực nhạy cảm như: Công nghệ quốc phòng, định vị vệ tinh, hệ thống chống tên lửa và thăm dò không gian.

Tháng 6/2021, hai nước đã đồng ý gia hạn Hiệp ước về láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện bằng cách tôn trọng lợi ích và chủ quyền của nhau.

Về mặt kinh tế, Trung Quốc đang tập trung vào sản xuất và có khả năng mua thêm dầu của Nga. Hai cường quốc cũng tổ chức một loạt các cuộc tập trận quân sự, trong đó có hoạt động diễn tập hải quân vào tháng 10/2021; đưa ra một tuyên bố ngoại giao chung vào tháng 11 chỉ trích Hội nghị thượng đỉnh dân chủ của ông Biden.

Gần đây nhất, giữa tháng 12/2021, đã diễn ra cuộc đối thoại trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Dự kiến, vào tháng 2/2022, hai nhà lãnh đạo sẽ ​​gặp nhau tại Bắc Kinh trong Thế vận hội Mùa đông.

Hơn nữa, khi sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Nga và Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, mối quan hệ Trung - Nga cũng sẽ tăng cường. Trong bối cảnh đó, tuy hai nước sẽ kiềm chế trở thành đồng minh hiệp ước chính thức nhưng sẽ gia tăng hợp tác quân sự và ngoại giao.

Hệ lụy tới Đông Nam Á

img

Nga và Trung Quốc thực hiện nhiều cuộc tập trận chung quan trọng. Ảnh: AP

Theo nhận định của các chuyên gia, trong khi Đông Nam Á coi sự hiện diện của Nga và sự quan tâm của Moscow tới khu vực này là một yếu tố có thể cân bằng lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, thì tín hiệu tích cực trong quan hệ Trung - Nga có lẽ là điều khu vực này không mong đợi.

Theo cơ sở dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất Đông Nam Á trong giai đoạn 2009-2019, với doanh thu ước tính lên đến 10,7 tỷ USD.

Nhưng khi Đông Nam Á và Trung Quốc được đặt lên bàn cân, Nga có thể sẽ đánh giá lại chiến lược của họ.

Theo nhận định của Lucas Myers, điều phối viên chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Wilson, sự gần gũi ngày càng tăng của Nga với Trung Quốc đồng nghĩa việc sự giúp đỡ của Moscow đối với Đông Nam Á sẽ ngày càng bị hạn chế.

Vì khi đánh giá tương quan hai bên, Nga sẽ khó vì khu vực Đông Nam Á mà gây hại cho mối quan hệ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, tranh chấp Biển Đông cũng chính là một vấn đề phức tạp và là một đường đứt gãy tiềm tàng trong quan hệ Nga - Trung ở Đông Nam Á. Mặc dù Moscow về cơ bản ủng hộ Bắc Kinh, nhưng các tuyên bố về quyền tài phán của Trung Quốc và lập trường của nước này về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (CoC) đe dọa lợi ích của Nga ở Đông Nam Á.

Trong khi đó, việc Điện Kremlin bán vũ khí cho một số nước trong khu vực đã làm phức tạp chiến lược hàng hải của Trung Quốc.

Với yếu tố này, nếu có thể quản trị tốt tranh chấp Biển Đông và sự liên quan của các bên, các nước Đông Nam Á có thể giảm thiểu sự ảnh hưởng từ mối quan hệ Nga - Trung, sự gia tăng ảnh hưởng đáng kể của Trung Quốc cũng như mong muốn tăng cường ảnh hưởng của riêng Nga tại khu vực này.

Collin Koh, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nhấn mạnh, nếu Nga muốn tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á về lâu dài, nước này cần cho các quốc gia khu vực thấy rằng họ cam kết trung lập ở Biển Đông kể cả khi quan hệ hợp tác quân sự của họ với Bắc Kinh đang ngày càng gia tăng.

Chuyên gia Lucas Myers, điều phối viên chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Wilson nhận định: Hiện chưa tồn tại kịch bản mà Moscow sẽ hy sinh sự hợp tác ngày càng sâu rộng với Trung Quốc vì các đồng minh chủ chốt trong khu vực. Một minh chứng rõ ràng cho điều này đó là Nga công khai duy trì lập trường trung lập được cân nhắc cẩn trọng đối với tranh chấp Biển Đông theo đề nghị của Trung Quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.