Thời sự

Ngăn Ebola từ các cửa khẩu biên giới

27/10/2014, 09:51

Không có nhiều khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam như ở các cảng hàng không, nhưng trong bối cảnh dịch Ebola diễn biến phức tạp, các cửa khẩu biên giới phía Bắc không được phép lơ là...

Nhân viên y tế trực 24/24h để kiểm tra, phòng chống dịch Ebola tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
Nhân viên y tế trực 24/24h để kiểm tra, phòng chống dịch Ebola tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Khử trùng mọi phương tiện vận tải

Cửa khẩu đường bộ số 1 Lào Cai mỗi ngày có khoảng 2 - 4 nghìn người làm thủ tục xuất, nhập cảnh. Theo bà Bùi Thị Lộc, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lào Cai, từ tháng 8 đến nay, Trung tâm đã thành lập Ban chỉ đạo và các đội, tổ cơ động phòng, chống dịch Ebola.

Tại ba cửa khẩu chính, Trung tâm tăng cường thêm nhân viên kiểm dịch y tế làm thủ tục và theo dõi máy đo thân nhiệt tự động cho 100% người nhập cảnh, từ khách du lịch đến cư dân biên giới, đặc biệt giám sát chặt chẽ du khách đã từng đi qua vùng dịch tại các quốc gia châu Phi. “Chúng tôi cắt cử cán bộ ứng trực 24/24h kể cả ngày nghỉ, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống xảy ra”, bà Lộc nói.

 

Bộ GTVT đã yêu cầu các cục, vụ chức năng phối hợp với ngành Y tế kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh Ebola tại các cửa khẩu quốc tế có đường sắt, đường bộ, hàng không, hàng hải...; Xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống. Các bệnh viện, phòng khám đa khoa GTVT sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp.

Bên cạnh đó, 100% phương tiện vận tải lưu hành qua cửa khẩu đều được phun thuốc khử trùng. Ngành Y tế Lào Cai đã chỉ đạo chặt chẽ và chuẩn bị đủ cơ số hóa chất, vật tư, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, không để bị động. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng, hải quan, các công ty du lịch hai bên Lào Cai và Hà Khẩu (Trung Quốc) thường xuyên trao đổi, chia sẻ, cập nhật thông tin liên quan đến bệnh Ebola.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn cho biết, Trung tâm đã được trang bị bốn máy đo thân nhiệt từ xa, lắp đặt tại các cửa khẩu quốc tế: Hữu Nghị, Tân Thanh, Đồng Đăng và Cốc Nam. Ngoài ra, Trung tâm còn được trang bị nhiều nhiệt kế điện tử y học ở tất cả các cửa khẩu, lối mở cùng các máy phun hóa chất đeo vai, động cơ điện và máy phun khử khuẩn môi trường diện rộng. Phòng cách ly và các trang thiết bị, hóa chất chống dịch cũng được bố trí sẵn sàng trong trường hợp phát hiện người nghi vấn nhiễm bệnh. Các hành khách nhập cảnh tại đây đều phải làm tờ khai y tế.

Cách ly trường hợp nghi nhiễm

Tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) mỗi tuần có hai chuyến tàu liên vận quốc tế từ Hà Nội đi Nam Ninh, Trung Quốc và ngược lại. Bà Vũ Kim Ngân, Trưởng ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết, trách nhiệm của nhà ga là tác nghiệp vận tải khách và hàng hóa. Tuy nhiên, ngay khi có công văn của Bộ GTVT và Cục Đường sắt VN cũng như của Tổng công ty Đường sắt VN về phòng, chống dịch Ebola, nhà ga đã triển khai các phương án phối hợp chống dịch, tạo điều kiện cho các bên đặt các thiết bị soi chiếu cũng như nơi làm việc của nhân viên y tế. Ga cũng đã cử cán bộ phối hợp cùng ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch.

Dù lượng khách quốc tế qua ga Đồng Đăng không nhiều, nhưng tại ga vẫn có một máy soi chiếu thân nhiệt. Theo ông Lý Kim Soi, dịch Ebola cực kỳ nguy hiểm nên công tác phòng, chống không thể lơ là, tất cả khách nhập cảnh đều phải được kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, ngành Y tế sẽ lập tức cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp xử lý theo quy trình.

Trung tâm Kiểm dịch y tế Lạng Sơn cũng đã lên kế hoạch trong tình huống có dịch xảy ra trên địa bàn, Trung tâm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại, áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc đối với toàn bộ khách nhập cảnh và cán bộ tiếp xúc với ổ dịch…

Thiện Anh - Hoàng Vân

Từ 1/11, diễn tập phòng chống Ebola quy mô lớn

Bộ Y tế dự kiến tổ chức diễn tập phòng chống dịch bệnh Ebola vào ngày 1/11 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Buổi diễn tập sẽ theo kịch bản chi tiết từ khâu phát hiện, tiếp đón, cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm, bảo hộ, chống nhiễm khuẩn… đến khi bệnh nhân ra viện hoặc tử vong. Sau buổi diễn tập này, Bộ Y tế sẽ rút kinh nghiệm để tiếp tục diễn tập tại miền Trung, miền Nam và khu vực Tây Nguyên.

Được biết, ngày 24/10, tại Hà Nội, Hội đồng Chuyên môn các bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế đã họp cập nhật, bổ sung Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola. Dự kiến, hướng dẫn này sẽ được ban hành trong tuần này.

V.A

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.