Xã hội

Ngân hàng di động trên "cột điện" mọc như nấm ở Gia Lai

05/05/2018, 10:36

Nhiều người dân TP. Pleiku cho rằng những người cho vay tiền dán quảng cáo cột điện chẳng khác gì "ngân hàng di động".

20180501_164051

Các tờ quảng cáo dán dày đặc khắp các bờ tường, khu dân cư

 Ngân hàng di động trên “trụ điện”

Dọc đường phố, trên các trụ điện, cứ có chỗ trống là dòng chữ "cho vay tiền" lại xuất hiện, ken đặc. Các tờ quảng cáo dán với một nội dung chung chung như thủ tục đơn giản kèm theo số điện thoại để liên lạc. Nhiều mảng tường nhà dân mới xây lên đã bị nhóm người dán quảng cáo “bôi bẩn”.

Nhiều bảng hiệu để tránh bị tháo bỏ còn cho nhân viên in ra gắn vào bảng và treo lên một vị trí cao trên thân cây, trụ điện. Nhiều slogan của các nhà cho vay đưa ra với những câu khá kích thích: “Alo có tiền ngay”; “Thủ tục đơn giản, có tiền ngay”.

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông qua một số điện thoại “ngân hàng trụ điện”, đầu dây của số điện thoại 0911599XXX tự nhận là đơn vị uy tín trong cho vay nhanh nhất tại TP. Pleiku. “Ở chỗ em cho vay chỉ cần cầm đăng ký xe. Ô tô cho vay đến 60% giá trị của xe, xe máy tới 90% giá trị… Anh chị yên tâm, chỗ em cho vay là lãi suất cạnh tranh! Thủ tục thì chỉ cần chứng minh nhân dân chính chủ, hộ khẩu thành phố. Vay chỗ em, anh vẫn có thể lấy xe để sử dụng….

Khi hỏi về việc vay tiền, nhân viên này cho biết thêm: Cứ vay 5 triệu đồng sau 40 ngày trả 6 triệu đồng, tức là mỗi ngày phải trả góp 150 ngàn đồng. Mức lãi này tương ứng 0,5%/ngày, 15%/tháng. Theo người này, mức lãi như vậy là quá cạnh tranh so với nhiều chủ vay khác. Nghe có vẻ “ưu đãi” hơn lãi nóng, nhưng xem ra nó cũng nằm ngưỡng gấp chục lần lãi suất ngân hàng hiện hành.

Tương tự, một địa chỉ khác cũng giới thiệu về hình thức và lãi suất vay. Mức thấp nhất là 3 ngàn đồng/triệu đồng/ngày, cao hơn có thể lên đến 10 ngàn đồng/triệu đồng/ngày, tương ứng 30%/tháng! Lãi càng cao thủ tục càng đơn giản và ngược lại. Chung quy, người đi vay chỉ cần cung cấp một hoặc nhiều giấy tờ liên quan như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kinh doanh, hóa đơn điện nước… Có điều vay kiểu này nhiều người dễ dính bẫy lãi suất cắt cổ. Đó là, ngoài trả lãi hàng tháng, người đi vay nếu muốn vay thời gian ngắn được chọn trả lãi hàng ngày, nhưng lại không quy ra lãi suất cụ thể buộc phải trả một số tiền nhất định.

Thậm chí có trường hợp cơ sở cho vay lãi có mẫu logo trên bảng quảng cáo tương đối giống với của ngân hàng. Đó là trường hợp của “AACB” có địa chỉ số 07- Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku). Về tổng quan của các tờ quảng cáo dán nhan nhản ở địa phương đều cho thấy logo na ná với ngân hàng ACB.

20180503_173335

Các bảng quảng cáo cho vay tiền dán khắp nơi 

Khó trong quản lý?

Liên quan đến ngân hàng di động trên các trụ điện trên địa bàn TP. Pleiku và những quảng cáo làm mất mỹ quan của đô thị, trao đổi với Báo Giao thông, Trưởng công an TP. Pleiku trung tá Phan Nhật Toàn xác nhận vụ việc đồng thời cho biết: “Gần đây, công an TP. Đã triển khai lực lượng thường xuyên kiểm tra những việc dán bảng hiệu, những tờ quảng cáo làm mất mĩ quan đô thị. Lực lượng công an cũng từng xử phạt hành chính một số đối tượng khi đang dán, đóng những tờ quảng cáo, bảng quảng cáo trên. Trung tá Toàn cũng thừa nhận những vụ việc liên quan đến vay nóng đang diễn ra ngày càng phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn đến an ninh tại địa bàn.

Công an TP. Pleiku cho biết, riêng 4 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 11 vụ với số tiền gần 2 tỉ đồng liên quan đến vay mượn tiền dưới hình thức vay nóng. “Đây chỉ là trường hợp người dân phát đơn tố cáo lên công an của thành phố. Thực tế, những chủ cho vay chuyên nghiệp họ sẽ làm đơn lên Toà án nhân dân để giải quyết vì đây là hợp đồng dân sự”, một cán bộ cảnh sát điều tra công an TP. Pleiku nói. Cán bộ này phân tích thêm: “Có trường hợp công chức nhà nước cũng “mất việc” vì vay tiền nóng, đó là chưa kể nhiều trường hợp tan cửa nát nhà vì không “trụ được” lãi của ngân hàng di động kiểu này”.

“Biểu hiện của người cho vay tiền là cho nhiều người vay, có tính chất chuyên nghiệp. Các đối tượng cho vay thường soạn thảo hợp đồng cho vay, giấy vay. Lãi suất trong các loại giấy này không thể hiện trên văn bản mà chỉ ghi nội dung chung chung là “thoả thuận”. Cơ quan công an TP. Pleiku xử lý những trường hợp cấu kết của người cho vay với các đối tượng cộm cán, côn đồ. Khi con nợ không hoàn đủ tiền và lãi theo thoả thuận đã xảy ra việc chủ nợ gọi “xã hội đen” hành hung, bắt giữ người trái pháp luật, đe doạ để lấy tiền, xiết nợ”, cán bộ công an Pleiku cho biết.

Ai là người vay tiền nóng? 

Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông, một cán bộ công an TP. Pleiku cho biết đa phần các vụ việc mà cơ quan công an xử lý đều dẫn đến các đối tượng như chơi cá độ bóng đá; số đề,  dùng mua tài sản có giá trị lớn (mua đất đai, mua nhà, mua ô tô)

Một số người sử dụng tiền nóng khác đó là vào các thời điểm vay khác đó là để nhằm "đáo hạn ngân hàng". 

Những vụ việc khác dùng để ăn chơi, giải quyết công việc cá nhân nhưng rất ít.

Đơn cử như trường hợp của người cho vay là ông Võ Quan Hoà (TP. Pleiku) tố cáo 5 người cho vay với số tiền trên 400 triệu đồng. Trong tố cáo của ông Hoà còn có trường hợp bà Trần Thị Bích Hà (nguyên chuyên viên sở Nội vụ) vay tiền. Bà Hà bị nợ tiền nhiều đến mức không thể giải quyết được, sau đó thì tỉnh Gia Lai cho nghỉ việc.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Gia Lai cho rằng đây là thực trạng xảy ra trên toàn quốc chứ không chỉ riêng Gia Lai. Phóng viên cho rằng, việc dán quảng cáo và hình thức cho vay mang tính chất kinh doanh. Tuy nhiên việc kinh doanh này ai cấp phép? Và quản lý như thế nào? Liên quan câu hỏi này ông Cư cho biết luật dân sự không cấm việc cho vay. Luật cũng quy định rõ hạn mức cho vay của người dân đảm bảo pháp lý.

Về giải pháp để đảm bảo cho người dân thì Ngân hàng Nhà nước đã có những cảnh báo để hạn chế người dân vay tín dụng đen, vay nóng. Hiện nay, nếu thực sự người dân có nhu cầu sử dụng vốn chính đáng chỉ cần đến với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để làm thủ tục. Các thủ tục của ngân hàng ngày một cải cách, người dân rất dễ dàng tiếp cận. Việc này cũng hạn chế người dân đi vay ngoài”.

Cũng theo ông Cư, Ngân hàng Nhà nước tại Gia Lai đã báo cáo tỉnh có biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay như đơn vị tín dụng. Cơ quan Công an, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra một số tổ chức và cá nhân trên địa bàn, đã phát hiện và buộc tháo gỡ biển hiệu, pano quảng cáo của các điểm dịch vụ vi phạm các nội dung như cho vay đáo hạn ngân hàng, dịch vụ tín dụng tín chấp, cho vay tiền ngày. Nhiều đơn vị Đoàn thanh niên cũng đã tham gia các hoạt động tình nguyện để bóc gỡ các tờ quảng cáo được dán trên cột điện, tủ điện ở nhiều tuyến phố với nội dung quảng cáo về hỗ trợ vốn vay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.